Tranh cãi việc dừng hay tiếp tục dự án mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á
VOV.VN - Nhiều ý kiến trái chiều của chuyên gia, nhà quản lý và người dân liên quan đến việc dừng lại hay tiếp tục triển khai mỏ sắt Thạch Khê, Hà Tĩnh.
Người dân sống quanh mỏ sắt Thạch Khê vô cùng khổ cực
Hôm nay (16/8), tại Hà Nội, Báo Đại Đoàn Kết tổ chức Tọa đàm trực tuyến “dự án mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á: Dừng lại hay tiếp tục?”. Phát biểu khai mạc Tọa đàm, nhà báo Lê Anh Đạt, quyền Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết (chủ trì tọa đàm) cho biết, sau quá trình tìm hiểu, ghi nhận đa chiều, dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê (viết tắt là dự án) do Công ty CP sắt Thạch Khê (TIC) làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư sau điều chỉnh hơn 14.500 tỷ đồng. Dự án kỳ vọng sẽ làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt tỉnh Hà Tĩnh.
Dự án được phê duyệt vào năm 2008, bắt đầu khai thác, bóc đất tầng phủ, thử nghiệm công nghệ năm 2009. Do còn nhiều bất cập, 2 năm sau (2011), Chính phủ yêu cầu tạm dừng hoạt động dự án. Đến nay, dự án đã “treo” suốt 12 năm, để lại nhiều hệ lụy cho người dân vùng dự án ở 5 xã bãi ngang huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Không những vậy còn tác động rất lớn đến toàn bộ tình hình kinh tế - xã hội, văn hóa, an ninh trật tự, thương mại, du lịch của tỉnh Hà Tĩnh.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Quang Luân (người dân thôn Bắc Hải, xã Thạch Hải, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) cho biết, sau 12 năm tạm dừng, hiện nay dự án nghìn tỷ chỉ còn là đống hoang tàn.
"Mùa mưa, hoa màu, đất đai sản xuất của chúng tôi bị ngập trong nước lũ, đồng ruộng sình lầy, xói lở. Mùa nắng, đồng khô, cỏ cháy, cát bụi mù mịt. Nguồn nước nhiễm phèn, tụt nước ngầm, không có nước sạch sinh hoạt. Đất ở không được cấp vì nằm trong quy hoạch phải di dời, tài sản đã kiểm đếm nhưng không được đền bù, tái định cư. Lao động không có việc làm, hạ tầng không được đầu tư xây dựng… đời sống vô cùng cực khổ", ông Nguyễn Quang Luân chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Hải Lý - Bí thư Đảng ủy xã Thạch Hải (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh), Thạch Hải là 1 trong 5 xã chịu ảnh hưởng trực tiếp của dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê. Mỏ sắt được đánh giá lớn nhất Đông Nam Á.
Năm 2007, ngay khi có chủ trương thực hiện dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê thì Đảng bộ và nhân dân xã Thạch Hải hết sức đồng tình với chủ trương của Đảng và nhà nước, tiến hành nhường đất đai tài sản để thực hiện dự án một cách nhanh chóng. Tuy nhiên dự án đi vào hoạt động khai thác thì không được như mong muốn ban đầu và đã để lại nhiều hệ lụy đối với đời sống người dân các xã trong vùng mỏ trong đó có xã Thạch Hải chúng tôi.
“Toàn bộ khối lượng bùn đất của bãi thải mỏ sắt đã sụt lún san lấp hàng chục ha đất sản xuất nông nghiệp, mồ mả, hoa màu cây cối bị vùi lấp dưới chân bãi thải, bà con nhân dân di dời khẩn cấp 1.500 ngôi mộ ra khỏi khu vực bãi thải, nhiều ngôi mộ không được tìm thấy”, ông Nguyễn Hải Lý nói.
Tiếp đến là nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm. Do địa phương không có nguồn nước máy mà sử dụng nguồn nước sinh hoạt ăn uống từ giếng khoan, khi khai thác xuống độ sâu 20-30m thì bị tụt nguồn nước ngầm, do đó người dân phải khoan lại giếng sâu xuống 15m bị nhiễm phèn, nhiễm sắt rất nặng. Đất sản xuất bị khô cằn thiếu nước, phải bỏ hoang hóa.
Đất ở của người dân không được cấp đến nay có 228 hộ gia đình có từ 3-4 thế hệ ở trong một nhà nhu cầu các hộ cần được cấp đất để tách hộ, có gia đình 15 người sống trong nhà cấp 4 đời sống rất là khó khăn thiếu thốn. Cơ sở hạ tầng của địa phương không được đầu tư đồng đồng bộ, đặc biệt hệ thống đường giao thông xuống cấp nghiêm trọng. Trung tâm hành chính của xã không được đầu tư, cán bộ công chức đang làm việc tạm bợ trong các dãy nhà cấp 4, ẩm thấp.
Nhân dân không có việc làm, phải đi tìm kiếm việc làm khắp nơi, thu nhập không ổn định, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện 5,13%. Con em học hành không đến nơi đến chốn, thiếu người chăm sóc do bố mẹ phải đi làm ăn. Tư tưởng của cán bộ đảng viên và nhân dân hiện nay thiếu an tâm, việc dự án kéo dài nhiều năm đã ảnh hưởng lớn đến tâm lý người dân và phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
“Về nguyện vọng của Đảng bộ và nhân dân rất mong muốn trong điều kiện hiện nay dự án chưa có lộ trình cụ thể, gây quá nhiều hệ lụy cho người dân, mong muốn được Đảng và nhà nước cùng các cơ quan chức năng sớm cho chấm dứt dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê để địa phương ổn định phát triển kinh tế xã hội, khai thác tiềm năng phát triển du lịch biển”, đại diện xã Thạch Hải nêu nguyện vọng.
Nên dừng hay tiếp tục dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê
PGS.TS Lưu Đức Hải, Chủ tịch Hội Kinh tế môi trường Việt Nam, khẳng định Thạch Khê là mỏ sắt lớn nhất khu vực Đông Nam Á, nhưng nếu so với tổng thể các mỏ sắt trên thế giới đã được thăm dò thì chỉ chiếm 0,8%.
"Chúng ta phải khẳng định điều này để có cái nhìn khách quan. Khai thác hay không? Câu hỏi này liên quan tới nhiều vấn đề, trong đó có giá thành khai thác so với đi mua. Như chúng ta trồng rau mà giá 50.000/kg, trong khi mua giá tốt chỉ 35.000 đồng/kg thì chúng ta trồng rau làm gì? Vì thế nếu không đủ cơ sở khoa học để tiếp tục thì phải dừng dự án. Còn nếu Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê cung cấp đủ cơ sở khoa học để đánh giá thì tôi nghĩ rằng việc khai thác sẽ tiếp tục", PGS.TS Lưu Đức Hải chia sẻ.
PGS.TS Trần Bỉnh Chư, Tổng hội Địa chất Việt Nam, nhận định Thạch Khê là mỏ quặng sắt độc nhất vô nhị trên thế giới, nằm ở dưới trầm tích mở rộng, sát mực nước biển. Nga, Ukraine, Brazil, Australia và nhiều nước khác khai thác hàng trăm triệu tấn quặng sắt/năm nhưng trên nền đá vững bền.
"Tôi đã đọc báo cáo thăm dò chi tiết tổng kết năm 1985. Người ta nói, nếu khai thác mỏ này phải báo cáo kinh tế kỹ thuật, tương đương với nghiên cứu tính khả thi, điều kiện địa chất thủy văn bổ sung công trình, và phải lập mô hình lập thể về thân quặng của hang động caster (hiện tượng đá bị xâm thực, bào mòn do nước kết hợp đất theo thời gian). Nếu không sẽ ảnh hưởng rất lớn, nguy cơ nước biển, nước sông xâm nhập", PGS.TS Trần Bỉnh Chư phân tích.
Mỏ quặng này đã có đánh giá từ 1985 nhưng bây giờ là 30-40 năm sau vẫn "bê nguyên" những đánh giá của thời đó để vào khai thác, theo PGS.TS Trần Bỉnh Chư là không ổn.
Theo GS. Viện sĩ Nguyễn Huy Mỹ, dự án này chưa có báo cáo khả thi, cuối năm 2011 hiệu chỉnh dự án, làm lại báo cáo khả thi và báo cáo thiết kế kĩ thuật. Đến năm 2015 thông qua thiết kế kĩ thuật cho dự án hiệu chỉnh.
"Điều rất vô lý là chia giai đoạn, một dự án khai thác mỏ phải làm từ đầu đến khi hoàn thổ. Về chủ trương của Đảng và Nhà nước rất đúng là phải tính đến quy hoạch tổng thể khoáng sản của Việt Nam, đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước. TKV và các cơ quan muốn tiếp tục khai thác mỏ Thạch Khê, trước hết phải làm báo khả thi rất nghiêm túc. Trước hết cần phải khoan thăm dò nước ngầm, báo cáo đánh giá tác động môi trường,...qua đó mới đánh giá hiệu quả được bao nhiêu. Nếu chưa có báo cáo khả thi thì không thể đánh giá hiệu quả kinh tế xã hội được. Khi có báo cáo khả thi thì mới có cơ sở khoa học để đánh giá và trả lời được câu hỏi tiếp tục hay dừng lại", GS. Viện sĩ Nguyễn Huy Mỹ nêu quan điểm.
Chủ đầu tư gặp không ít khó khăn sau khi bị dừng khai thác mỏ Thạch Khê
Phát biểu tại tọa đàm, ông Phạm Lê Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư thương mại và Khai thác khoáng sản Thăng Long (đại diện chủ đầu tư dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê, Hà Tĩnh) khẳng định đến nay chưa có văn bản nào chỉ đạo dừng dự án này.
"Một dự án chỉ có dừng triển khai khi xảy ra hai điều. Thứ nhất, chủ đầu tư xin dừng dự án. Thứ hai, trong quá trình triển khai dự án vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật. Ở đây, cả hai điều này không xảy ra nên tôi cho rằng mỏ sắt Thạch Khê không có lý do gì để dừng cả", ông Hùng nói.
Theo ông Phạm Lê Hùng, khai thác mỏ sắt Thạch Khê để đưa vào luyện kim quá phức tạp. Trải qua gần 60 năm nghiên cứu, tới năm 2007 mới đủ điều kiện đưa vào khai thác.
"Tôi đã đến thăm Ấn Độ, Trung Quốc, Australia và thấy rằng, khu mỏ này thừa sức để làm. So với các nước phát triển khác thì hiện nay công nghệ khai thác của TKV (Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam) đã rất phát triển", ông Phạm Lê Hùng nói.
Trước quan ngại của tỉnh Hà Tĩnh về nước thải, ông Phạm Lê Hùng nhấn mạnh dự án có 3 hồ và hồ cuối cùng có thể xả thải ra môi trường mà không gây ô nhiễm.
Hội đồng bảo vệ đánh giá tác động môi trường đã thông qua gồm các nhà khoa học uy tín và hội đồng thiết kế kỹ thuật có tới 25 nhà khoa học đầu ngành, 10 người thư ký trợ giúp. "Còn lo ngại về lấn biển thì chúng tôi lấn biển nhưng đâu có đổ thải ra biển", ông Phạm Lê Hùng phân trần.
Theo ông Phạm Lê Hùng, những chứng cứ mà UBND tỉnh Hà Tĩnh đưa ra được Bộ Kế hoạch Đầu tư tiếp nhận và trình lên Chính phủ đề nghị dừng hoạt động mỏ Thạch Khê là không có cơ sở khoa học và thực tiễn. Thậm chí là không có cơ sở pháp lý, trái với Nghị quyết của Bộ Chính trị và chỉ đạo của Chính phủ.
Phương án chuyển đổi của UBND tỉnh Hà Tĩnh khó có thể bù đắp được vì chúng tôi đầu từ từ năm 2007, theo quản lý chi phí và lãi suất ngân hàng theo quy định đã lên đến 700 tỉ đồng. Nếu như không có ý kiến dừng của tỉnh Hà Tĩnh, thì hết 2022 chúng tôi đã nộp ngân sách đến 10 nghìn tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế là 20 nghìn tỉ đồng.
“Thực ra chúng tôi đấu tranh về chân lý. Nếu như Bộ Chính trị quyết dừng và đền bù hợp lý thì chúng tôi chấp nhận, nếu như không hợp lý thì sẽ phát sinh khiếu kiện”, ông Phạm Lê Hùng nhấn mạnh.