Tránh "làm mò, nói vo" khi chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhà nước
VOV.VN - “Một vấn đề rất lớn hiện nay là doanh nghiệp chuyển đối số, nhưng lãnh đạo lại không nắm rõ, không chắc, chỉ nghe mang máng, hời hợt, còn lại làm theo tham mưu. Đôi khi dẫn đến tình trạng cái cần thay đổi lại không thay đổi, cái thay đổi thực chất không cần. Do vậy lãnh đạo cần phải đi đầu, làm gương, thực học trong quá trình chuyển đổi số”.
Sáng nay (26/7), Báo điện tử VOV phối hợp cùng các cơ quan liên quan tổ chức Hội thảo "Chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhà nước: Cơ hội và thách thức".
Trao đổi tại phiên thảo luận về quá trình chuyển đổi số, ông Nguyễn Khắc Trung, Trưởng ban Ngân hàng số Agribank cho biết, là một ngân hàng có 100% vốn nhà nước, thời gian qua quá trình chuyển đổi số đã đạt được những thành tích nhất định. Trước đây khách hàng phải đến quầy mở tài khoản, giao dịch thì hiện nay số lượng khách hàng giao dịch số chiếm đến hơn 93%. Điều này đòi hỏi ngân hàng buộc phải thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.
"Là doanh nghiệp nhà nước, quá trình chuyển đối số chúng tôi cũng gặp những thách thức, khó khăn. Với đặc trưng chung của các doanh nghiệp nhà nước là phụ thuộc lớn vào hành lang quy định, thông tư nên việc đầu tư các dự án chuyển đổi số mất rất nhiều thời gian.
Thực tế có những giải pháp từ lúc đặt vấn đề đến khi triển khai thực hiện đã thấy lỗi thời, từ lý thuyết đến thực tế rất lâu.
Bên cạnh đó, đa số các doanh nghiệp nhà nước lớn có số lượng nhân viên đông đảo Đơn cử như Agribank có đến gần 40.000 nhân viên với 2.300 chi nhánh trên toàn quốc. Nếu như trước đây là ưu điểm, thì nay lại là 1 trong những thách thức của quá trình chuyển đổi số khi cần đầu tư nhiều hơn, chi phí lớn hơn”, ông Nguyễn Khắc Trung cho biết.
Chia sẻ về kinh nghiệm chuyển đổi số, ông Nguyễn Khắc Trung cho rằng, bên cạnh hạ tầng số, dữ liệu số, cần phát triển văn hóa số. Theo đó quyết tâm chuyển đổi số phải thống nhất từ lãnh đạo đến nhân viên của mỗi doanh nghiệp. Trong thời gian qua, Agribank xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, sống còn của ngân hàng.
Ngoài ra, theo ông Trung, hiện các doanh nghiệp vẫn đang thiếu lượng lớn nhân lực số phục vụ quá trình chuyển đổi số, do vậy cần xem xét đẩy mạnh hơn nữa quá trình đào tạo nhân lực cho chuyển đổi số cũng như có mức đãi ngộ phù hợp cho nhóm nhân lực chất lượng cao.
Ông Lê Nguyễn Trường Giang - Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số - Hội truyền thông số Việt Nam cho rằng, để chuyển đổi số cần xây dựng phương pháp luận rõ ràng, bởi nếu không có phương pháp cụ thể sẽ dễ rơi vào tình trạng “đánh mò”: “Phần lớn doanh nghiệp đang chưa tiếp cận được công nghệ lõi, chưa làm chủ được công nghệ. Việc chuyển đổi số thực chất mới chỉ chuyển đổi trên bề mặt, bản chất kiến thức, lý thuyết, gốc rễ vấn đề ra sao lại chưa nắm được. Chuyển đối số nếu chỉ ở mức hoa lá cành, thì sẽ sớm nở tối tàn”.
Ông Giang cũng nhấn mạnh rằng, chủ doanh nghiệp phải là người đầu tiên cần học hỏi, biết rõ, nắm chắc và hiểu sâu về chuyển đổi số: “Một vấn đề rất lớn hiện nay là doanh nghiệp chuyển đối số, nhưng lãnh đạo lại không nắm rõ, không chắc, chỉ nghe mang máng, hời hợt, còn lại làm theo tham mưu. Đôi khi dẫn đến tình trạng cái cần thay đổi lại không thay đổi, cái thay đổi thực chất không cần. Do vậy lãnh đạo cần phải đi đầu, làm gương, thực học trong quá trình chuyển đổi số”.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Tổng Giám đốc Công ty Công nghệ thông tin VNPT, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam cũng cho biết, để chuyển đổi số, quan trọng nhất là người đứng đầu có “quyết tâm sống chết” để chuyển đổi hay không.
“Chuyển đổi số doanh nghiệp trước tiên cần bắt đầu từ chính nhu cầu của doanh nghiệp. Với doanh nghiệp nhà nước, để thúc đẩy quá trình này cần có cây gậy rất mạnh là chính sách nhà nước, nghị quyết, sự giám sát thường xuyên và hơn hết là quyết tâm của người đứng đầu”, ông Kiên nói.
Ông Đoàn Hữu Hậu, Giám đốc Tư vấn Chuyển đổi số FPT Digital lại cho rằng, với chuyển đổi số trước tiên phải dám nghĩ lớn, nếu chỉ nghĩ chuyển đổi 15-20% thì không phải chuyển đổi số, nhưng nếu ngay lập tức làm quá lớn lại dễ bị tắc nghẽn. Do đó, doanh nghiệp nên bắt đầu từ những bước nhỏ, tạo niềm tin cho toàn bộ đội ngũ, ưu tiên những sáng kiến nhỏ nhưng có khả năng mở rộng, lan tỏa, truyền cảm hứng để đạt hiệu quả tốt.
Còn theo ông Nguyễn Đoàn Kết - Phó Chủ tịch HĐQT, Phó Tổng Giám đốc, Trưởng ban Chuyển đổi số, Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, mỗi doanh nghiệp đều có hoàn cảnh, ngồn lực riêng. Chuyển đổi số là vấn đề khó, lại không có mẫu số chung cho tất cả các doanh nghiệp. Bởi vậy khi đã xác định mục tiêu chuyển đổi số, doanh nghiệp cần xây dựng một hướng đi riêng. Quá trình này không phải làm 1 lần là xong mà lặp đi lặp lại nhiều lần, thường xuyên đánh giá, khắc phục những hạn chế và đặc biệt cần có tầm nhìn dài hạn để bước phát triển sau không mâu thuẫn với bước đi trước.
“Chuyển đổi số phải rất cụ thể, chi tiết và mang lại hiệu quả ngay. Nếu nói chuyển đổi số trên trời, trên biển, nhưng thực tế lại không đạt được hiệu quả thì không có tác dụng”, ông Nguyễn Đoàn Kết nói.
Trước câu hỏi của nhiều doanh nghiệp, chuyển đổi số nên bắt đầu từ đâu, ông Bùi Trung Thành, Giám đốc Tư vấn Chuyển đổi số khu vực miền Bắc - Công ty Cổ phần Base Enterprise gợi mở, chiến lược thường áp dụng cho các doanh nghiệp là “đau ở đâu chữa ở đó”, lựa chọn những vấn đề nút thắt doanh nghiệp đang gặp phải và tạo ra từng “chiến thắng” nhỏ. Chính những thành công nhỏ bước đầu sẽ giúp nhân sự doanh nghiệp tự tin hơn với con đường chuyển đổi số. Song quá trình này vẫn cần gắn với một chiến lược rõ ràng của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng không thể chỉ ngồi chờ thể chế, môi trường thuận tiện, mà cần tự tạo cho mình kinh nghiệm.
Ngoài ra, theo ông Bùi Trung Thành, vấn đề chi phí cho chuyển đổi số tại các doanh nghiệp nhà nước hiện vẫn chưa rõ ràng, Chính phủ cũng cần nghiên cứu để có những chế tài linh hoạt hơn cho các doanh nghiệp khi chuyển đổi số.
Phát biểu tổng kết tại hội thảo, Phó Tổng giám đốc VOV Vũ Hải Quang cho rằng, chuyển đổi số đang là xu hướng tất yếu, là vấn đề được quan tâm hàng đầu của tất cả các quốc gia trên toàn thế giới và Việt nam cũng không là ngoại lệ.
Việt Nam xác định xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số là một trong những ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn 2016-2020 để tạo ra nền móng vững chắc cho việc chuyển đổi số toàn diện trong giai đoạn 2021-2030. Để xây dựng Chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số thì không thể không có các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số trong quản lý, điều hành và sản xuất kinh doanh, mà trong đó doanh nghiệp nhà nước phải là đầu tầu, dẫn dắt các doanh nghiệp tư nhân và dẫn dắt cả nền kinh tế.
“Tất cả các tham luận đều cho thấy những cơ hội và cả không ít thách thức trong chuyển đổi số tại doanh nghiệp nhà nước. Doanh nghiệp nhà nước thường rất lớn, và quy mô càng to, mỗi bước đi của quá trình chuyển đổi lại càng khó. Để chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhà nước trước tiên cần có sự quyết tâm của người đứng đầu, cần sự thay đổi về mặt tư duy, đẩy mạnh đầu tư và thay đổi về phương thức. Ngoài ra, quá trình làm nếu không có đánh giá, nhìn nhận lại, thì mỗi bước đi đều là mò mẫm. Do đó quá trình này cũng không thể thiếu sự dẫn dắt, tư vấn của các chuyên gia”, ông Vũ Hải Quang nhấn mạnh.
Hội thảo "Chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhà nước: Cơ hội và thách thức" có sự đồng hành của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN); Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS); Tổng Công ty Phân bón và Hoá chất Dầu khí - CTCP (PVFCCo); Tổng Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PVTRANS); Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (HABECO).