Tranh luận trái chiều về đề xuất rút thời hạn GPLX xuống 5 năm

VOV.VN -Với khoảng 50 triệu GPLX, mỗi người mất 4 tiếng đi làm thu tục đổi thì với mức GDP như hiện nay, riêng hao phí thời gian đã là 5.000 tỷ đồng.

Trong 2 dự thảo luật khác nhau do Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và Bộ Công an song song xây dựng, Bộ Công an đề xuất tất cả bằng lái xe ô tô chỉ có thời hạn 5 năm, còn Bộ GTVT vẫn giữ hạn bằng lái xe ô tô con là 10 năm, bằng lái xe tải 5 năm. Cùng với đó, mỗi bộ đưa ra một cách phân hạng bằng lái xe khác nhau, Bộ GTVT đề xuất 14 hạng giấy phép lái xe, Bộ Công an đề xuất chỉ 11 hạng, còn luật hiện hành quy định có 15 hạng.

Đang có những tranh luận trái chiều  về đề xuất rút thời hạn GPLX xuống 5 năm của Bộ Công an.

Ngày 25/8, giải thích về quy định rút thời hạn GPLX xuống còn 5 năm thay vì 10 năm đối với hạng B, C, D1, D, BE, CE, D1E, DE trong dự thảo Luật Đảm bảo trật tự ATGT, đại diện Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an) cho biết, đề xuất này được đưa ra với mục đích "quản lý sức khỏe của tài xế tốt hơn".

Tuy nhiên, theo vị đại diện Cục Cảnh sát Giao thông, đây mới là dự thảo để xin ý kiến và cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu các góp ý để sửa đổi cho phù hợp.

Không hợp lý

Trước ý kiến đại diện Cục CSGT nêu trên, ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho rằng, nếu để quản lý sức khỏe tài xế mà dựa vào thời hạn sử dụng của hạng GPLX là không hợp lý.

"Thông thường, sức khỏe của con người bị ảnh hưởng bởi độ tuổi. Người càng trẻ thì sức khỏe càng đảm bảo hơn. Trong đó, nhiều người từ độ tuổi trưởng thành, từ 30 - 40 tuổi đã có GPLX hạng B nên nếu rút ngắn thời hạn sử dụng từ 10 năm xuống còn 5 năm là không hợp lý.

Với khoảng 50 triệu GPLX, mỗi người mất 4 tiếng đi làm thu tục đổi thì với mức GDP như hiện nay, riêng hao phí thời gian đã là 5.000 tỷ đồng.

Nếu buộc phải rút ngắn thời hạn của bằng lái để quản lý sức khỏe tài xế, thì phải nghiên cứu và chia theo nhóm tuổi vì người trẻ có sức khỏe tốt, ổn định hơn so với người cao tuổi", ông Quyền bày tỏ.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, hiện nay đa phần những tài xế lái xe ô tô sử dụng bằng B. Nên nếu đề xuất của Bộ Công an đi vào thực tế thì sẽ ảnh hưởng tới rất nhiều người.

"Thủ tục cấp lại GPLX tốn nhiều thời gian, công sức, gây phiền hà cho người dân. Khi làm thủ tục đổi GPLX, các tài xế sẽ không được chạy xe.

Đó là chưa kể vì cuộc sống mưu sinh, thường xuyên xa nhà, đặc thù của tài xế đường dài thì không phải ai cũng có đủ thời gian đổi GPLX theo đúng thời hạn. Chính vì thế, đề xuất này có thể gây lãng phí, tốn kém, không cần thiết cho người dân", ông Quyền bày tỏ.

Tốn kém tiền bạc và thời gian

TS Trần Hữu Minh, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, việc cấp GPLX có thời hạn là đúng và cần thiết, do nhân tố con người là rất quan trọng, nên để bảo đảm an toàn thì cần nắm được thực trạng lái xe, đặc biệt khi người lái có trải qua những mốc thay đổi lớn về thời gian và sức khỏe, địa chỉ do vậy cơ quan quản lý thường cấp GPLX có thời hạn để bảo đảm 3 điều kiện:

Thứ nhất: Người lái còn khả năng lái xe an toàn (thông qua kiểm tra sức khỏe);

Thứ 2: Cập nhật được những người lái xe còn sống (vì khi người chết đi thì bằng vô thời hạn có thể được sử dụng với mục đích xấu);

Thứ 3: Cập nhật hình ảnh và địa chỉ (phục vụ quản lý, liên lạc, quá trình thực thi pháp luật cần hình ảnh mới nhất của người lái...).

TS Trần Hữu Minh, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, nếu đề xuất 5 năm thì cần có đánh giá tác động thật cụ thể; lượng hóa rõ lợi ích và chi phí, khi có đủ căn cứ cụ thể thì mới đưa vào luật.

“Chúng ta có thể thấy nguyên tắc này với chứng minh thư, hộ chiếu, thẻ ngân hàng...ở khắp nơi trên thế giới. Vấn đề cần bảo đảm là quy trình cấp đổi phải thật đơn giản, chi phí tiền bạc và thời gian gần như không đáng kể. Ở nhiều quốc gia người dân sẽ nhận được bằng thông báo hết hạn, và chỉ cần điền thông tin + ảnh mới vào mẫu.. là sẽ nhận được bằng mới”, TS Trần Hữu Minh nói.

Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, phần lớn các quốc gia trên thế giới đang áp dụng thời gian 10 năm với GPLX. Lý do là để cân bằng nhu cầu thông tin về quản lý và chi phí xã hội của người dân.

“Bởi vậy nếu đề xuất 5 năm thì cần có đánh giá tác động thật cụ thể; lượng hóa rõ lợi ích và chi phí, khi có đủ căn cứ cụ thể thì mới đưa vào luật. (nếu chỉ 50 triệu GPLX mỗi người mất 4 tiếng đổi thì với mức GDP như hiện nay, riêng hao phí thời gian đã là 5.000 tỷ)”, ông Minh phân tích.

Theo TS Trần Hữu Minh, việc gia hạn GPLX chỉ là một vấn đề. Quan trọng hơn là luật hóa các quy định để bắt buộc cập nhật thông tin về người lái và địa chỉ, chuẩn bị các nền tảng trong đó có hệ dữ liệu về địa chỉ, hệ thống tiếp nhận thông tin và tổ chức thực hiện hiệu quả.

“Khi làm được như vậy thì cơ quan quản lý có thể có thông tin mới nhất mà không chờ tới đổi bằng, có như vậy thì quản lý mới tốt, phạt nguội mới hiệu quả”, TS Trần Hữu Minh phân tích.

Có ý kiến đồng tình

Trong khi có nhiều ý kiến băn khoăn, không đồng tình phương án rút ngắn thời hạn GPLX xuống còn 5 năm như đề xuất của Bộ Công an, ông Nguyễn Công Hùng - Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội lại cho rằng, chủ trương trên là hoàn toàn hợp lý, tuy nhiên cũng cần cân nhắc đối với từng loại giấy phép và độ tuổi.

Năm 2017, Phòng CSGT Hà Nội đưa ra đề xuất này nhưng không nhận được sự đồng tình của giới chuyên gia giao thông và nhiều người dân.

Theo ông Hùng, việc cấp lại bằng 5 năm 1 lần đối với hạng C và hạng E thì được, còn đối với hạng D thì cần phải căn cứ vào từng độ tuổi.

Bởi, những người có GPLX hạng C, E trở lên thường đã cao tuổi. Khi đó, sức khỏe của họ không còn đảm bảo nên cần phải được kiểm tra để có đánh giá chính xác.

“Chúng ta cần phải áp dụng quy định 5 năm 1 lần đối với các loại xe hạng nặng vì nó liên quan tới sức khoẻ của con người”, ông Hùng cho hay.

Bình luận về ý kiến việc cấp đổi bằng lái xe từ 10 năm xuống 5 năm sẽ gây phiền hà và tốn kém cho người dân, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng luật pháp thì phải sửa đổi.

“Chuyện này là hoàn toàn bình thường, chúng ta thấy không hợp lý thì phải làm lại, điều này đảm bảo công bằng, minh bạch và đảm bảo công tác quản lý. Không thể lấy lý do gây phiên hà cho người dân để bao biện được”, ông Hùng nói.

Đề xuất giảm thời hạn bằng lái ô tô xuống còn 5 năm không phải là mới. Năm 2017, đại tá Đào Vịnh Thắng khi đó đang là Trưởng phòng CSGT Hà Nội đưa ra đề xuất này.

Ông Thắng nhận định thời hạn bằng lái ô tô 10 năm là quá dài, trong thời gian này, tài xế ốm đau, sức khỏe thay đổi, không đủ sức khỏe để lái xe nhưng cơ quan chức năng không quản lý được, sẽ là nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông.

Tuy nhiên, lúc đó đề xuất của phòng CSGT Hà Nội không nhận được sự đồng tình của giới chuyên gia giao thông và nhiều người dân./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên