Trao toàn quyền cho địa phương lập kế hoạch, huy động và phân bổ nguồn lực
VOV.VN - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030 là chương trình mục tiêu quốc gia đầu tiên có quy mô rất lớn dành riêng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN).
Đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS&MN là đầu tư cho phát triển bền vững đất nước
Với quan điểm: Đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS&MN là đầu tư cho phát triển bền vững đất nước, là giải pháp chiến lược để thực hiện mục tiêu thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của đồng bào DTTS so với bình quân chung của cả nước, chương trình đã giải quyết hiệu quả một số vấn đề căn cơ, gốc rễ như: xoá đói, giảm nghèo, tăng thu nhập, tạo việc làm, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá; đã giải quyết tốt những vấn đề mang tính cấp bách như: hỗ trợ nhà ở, đất ở, quy hoạch, ổn định dân cư tại những khu vực có nguy cơ sạt lở cao; đã đặt nền móng, khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương như: đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật (giao thông, điện, nước); khuyến khích được tinh thần tự lực, tự cường, không trông chờ, ỉ lại của đồng bào DTTS; đã làm thay đổi đáng kể diện mạo và đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS& MN.

Theo báo cáo Tổng kết thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021-2025 và định hướng nội dung giai đoạn II từ năm 2026-2030, trong 9 nhóm mục tiêu cụ thể được Quốc hội giao tại Nghị quyết số 120/2020/QH14 có 6 nhóm cơ bản đạt hoặc vượt kế hoạch đề ra; 3 nhóm chưa đạt, cụ thể như sau: Nhóm mục tiêu về cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ở các xã đặc biệt khó khăn và thôn đặc biệt khó khăn vùng DTTS&MN; Nhóm mục tiêu số xã, thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn; Nhóm mục tiêu về công tác định canh, định cư, giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào.
Một số chỉ tiêu cụ thể của giai đoạn II từ năm 2026- 2030:
Thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số bằng 1/2 bình quân chung của cả nước; Giảm hộ nghèo xuống dưới 10%; Chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn vùng đồng bào DTTS&MN, hằng năm thu hút 3% lao động sang làm các ngành, nghề: công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ; Có 40% lao động người DTTS biết làm các ngành, nghề: công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ; Phấn đấu có 80% số hộ nông dân người DTTS làm kinh tế nông - lâm nghiệp hàng hóa; Trên 85% số xã, thôn vùng đồng bào DTTS&MN có đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân;
Giải quyết căn bản tình trạng di cư không theo kế hoạch trong đồng bào DTTS; Cơ bản hoàn thành chỉ tiêu đã đề ra trong Mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững đến năm 2030.
Rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ thẩm quyền
Theo Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, nguyên tắc xuyên suốt của giai đoạn II là thu gọn đầu mối quản lý, phân công nhiệm vụ rõ ràng. Trao toàn quyền cho các địa phương chủ động lập kế hoạch, huy động và phân bổ nguồn lực, tổ chức thực hiện đảm bảo theo lộ trình để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu hằng năm và cả giai đoạn.
Tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, phân công 6 rõ: “Rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ thẩm quyền”; phân cấp tối đa cho địa phương, các cơ quan Trung ương chỉ quản lý mục tiêu, chỉ tiêu của chương trình, đồng thời tập trung vào nhiệm vụ hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để tạo hành lang thông thoáng cho các địa phương tổ chức thực hiện. Việc thực hiện chương trình phải đảm bảo nguyên tắc“địa phương quyết, địa phương làm và địa phương chịu trách nhiệm”.
Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Y Vinh Tơr cho biết, thực hiện chương trình, Bộ đã phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2025 và dự toán ngân sách Nhà nước hằng năm nguồn ngân sách Trung ương cho các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện đúng quy định hiện hành, đảm bảo sự ưu tiên để tập trung hỗ trợ những nơi khó khăn hơn, tạo điều kiện cho các địa phương chủ động triển khai thực hiện.

Công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc giải ngân nguồn vốn được thực hiện thường xuyên, liên tục và có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cấp, ngành để xử lý, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện chương trình tại cơ sở; Kết quả giải ngân vốn đầu tư công thực hiện chương trình có chuyển biến tích cực so với tình hình giải ngân vốn đầu tư công chung của cả nước.
Hiện nay, Đảng bộ Bộ Dân tộc và Tôn giáo tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tập trung xây dựng Báo cáo Tổng kết thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia DTTS&MN, giai đoạn I; Tham mưu Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia DTTS&MN, giai đoạn II.
Phát biểu tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ Bộ Dân tộc và Tôn giáo lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030, diễn ra ngày 14/7 vừa qua, Phó Thủ tướng Mai Văn Chính đánh giá, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Dân tộc và Tôn giáo đạt được kết quả tích cực. Trong đó, nổi bật là tham mưu cho cấp thẩm quyền ban hành Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS&MN giai đoạn 2021-2030. Bộ đẩy mạnh thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc, nhất là Kết luận 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030. Kết quả thực hiện chương trình cùng với việc triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp kinh tế vĩ mô, các chương trình, chính sách lớn đã góp phần đầu tư hạ tầng kinh tế-xã hội ngày càng đồng bộ, người dân được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, hỗ trợ đồng bào phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, giảm nghèo ngày càng bền vững.
Với những kết quả bước đầu đạt được của chương trình đã góp phần quan trọng trong nhiệm vụ giữ vững quốc phòng, đảm bảo an ninh, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, ổn định chính trị từ cơ sở, niềm tin của đồng bào đối với Đảng và Nhà nước ngày càng sâu sắc hơn.