Trẻ ngoan hay hư – gốc rễ từ giáo dục gia đình
VOV.VN - Nếu trẻ em nhận được sự quan tâm, tình yêu thương, chăm sóc đầy đủ của gia đình, đứa trẻ đó sẽ hình thành nhân cách tốt.
Xã hội hiện đại có nhiều biến chuyển nhưng môi trường gia đình vẫn là “cái nôi”, là nền tảng, có ý nghĩa thiết thực trong việc xây dựng, hình thành nhân cách con người. Làm thế nào để nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách cho trẻ nhỏ, giúp các em chống lại các tệ nạn xã hội, trở thành mầm xanh tương lai của đất nước?
Tại sao trẻ hay cãi người lớn?
Đa phần gia đình Việt Nam luôn hướng đến việc xây dựng, bảo vệ “mái ấm”, trở thành những điểm tựa, bệ đỡ trong quá trình phát triển của các thành viên trong gia đình. Bên cạnh đó, nhiều gia đình có không ít những tiêu cực ảnh hưởng xấu đến việc hình thành nhân cách trẻ.
Ông Phạm Văn Lộc ở Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ, rất lo lắng cho đứa cháu nội, năm nay mới 12 tuổi nhưng rất bướng bỉnh, hay cãi lại người lớn. Do bố mẹ mải mê kinh doanh, sáng đi làm, tối mới về, thường để con ở nhà một mình.
Gia đình là cái nôi văn hóa đầu tiên hình thành nhân cách cho trẻ em |
Nhiều khi gặp khó khăn trong kinh doanh, bố mẹ cãi nhau, thậm chí đánh nhau trước mặt con. Bố mẹ thương con bằng cách chiều theo mọi sở thích của con, thường xuyên cho con chơi các trò chơi điện tử và cho con tiền tiêu vặt. Mặc dù ông đã khuyên bảo cả bố mẹ cháu và cháu nhiều lần nhưng cháu vẫn “chứng nào tật nấy”.
Gia đình chị Trần Thu Hà ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội nhiều lúc cũng lúng túng trong cách giáo dục cậu con trai đang tuổi ăn, tuổi lớn. Chị Hà cho biết, gần đây cháu thay đổi tâm sinh lý đột ngột, không gần gũi nói chuyện với bố mẹ, hay đóng cửa ở trong phòng một mình, hay nổi nóng vô cớ.
Là người quan tâm và nhận ra những thay đổi của con, vợ chồng chị thường xuyên trao đổi, tâm sự với con, giúp con nhận ra những điều đúng, sai trong hành vi, lời nói của mình.
“Nếu 2 vợ chồng cùng nói thì con sẽ phản ứng ngay. Lúc con phản kháng lại, tôi chỉ nói một, hai câu thôi, sau đó phân tích và nói nhẹ nhàng. Mình vẫn phải thừa nhận một số điều con nói là đúng, có những việc mình phải góp ý với con như thế là không được. Nếu bố mẹ nặng lời thì con sẽ không nghe” – chị Hà nói.
Cha mẹ là tấm gương
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Trang, gia đình là cái nôi văn hóa đầu tiên hình thành nhân cách cho trẻ em, trong đó, vai trò của bố mẹ có vị trí quan trọng nhất. Giáo dục và nuôi dưỡng là hai yếu tố then chốt quyết định tạo nên tính cách của mỗi con người.
Sự nuôi dạy con trẻ sát nhất là gia đình, tiếp đến là xóm giềng và xã hội. Lứa tuổi ấu thơ là giai đoạn quan trọng trong quá trình hình thành nhân cách của trẻ. Bầu không khí tâm lý – đạo đức của gia đình tác động trực tiếp đến nếp nghĩ, lối sống của trẻ. Mọi xung khắc của các cá nhân trong gia đình, nhất là giữa bố và mẹ, đều ảnh hưởng đến con cái. Nếu ngay từ đầu các phẩm chất đó bị sai lệch, trẻ sẽ dễ sinh hư.
Sống trong các gia đình có bố mẹ hoặc người lớn khác có hành vi thiếu văn hóa, đạo đức thậm chí có cả những hành vi phạm tội, như bố mẹ bất hòa hay đánh chửi nhau, nghiện rượu, nghiện ma túy, trộm cắp, tham ô… thì những gương xấu này làm cho trẻ em dần dần nhiễm các thói hư tật xấu, dễ bị lôi kéo và vi phạm pháp luật.
Cũng có nhiều trường hợp bố mẹ là người tốt, có đủ kiến thức nhưng không quan tâm sát sao đến việc giáo dục con cái hoặc không có điều kiện, thời gian gần gũi trẻ, ỷ lại cho nhà trường… dễ dẫn đến việc con cái bị bỏ rơi, thiếu sự dạy dỗ và tình thương của cha mẹ, trẻ sẽ có tâm lý lệch lạc, tự do ngang bướng, bất cần.
Nhiều đứa trẻ bị bạo hành nghĩ gia đình không còn yêu thương, che chắn và bảo vệ mình nữa. Chính cách xử sự này của bố mẹ khiến trẻ bị khủng hoảng về tâm lý, tự ti, khó hòa nhập, trở nên hung hãn, lì lợm, xa lánh mọi người. Do vậy, Gia đình chính là tấm gương phản chiếu, hình thành nên nhân cách của trẻ em.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Trang phân tích: “Không thể chủ quan nói rằng “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính”. Giáo dục con cái không thể chỉ bằng lời nói mà phải bằng những công việc cụ thể. Thái độ, lối sống của người lớn có có tác động trực tiếp tới việc hình thành nhân cách của trẻ. Trẻ em sẽ không tôn trọng người lớn, nếu như chúng thấy cha mẹ mình thể hiện sự thiếu tôn trọng lẫn nhau. Khi cha mẹ dạy con phải lễ phép với bố mẹ nhưng chính họ lại không tôn trọng cha, mẹ của mình. Như vậy thì chắc chắn trẻ sẽ không bao giờ lễ phép với cha, mẹ và ông bà”.
Sự trưởng thành của một con người phụ thuộc vào ba thành tố: gia đình, nhà trường và xã hội. Nhưng việc giáo dục con trẻ tránh được những lệch lạc của cuộc sống chính là gia đình. Nếu trẻ em nhận được sự quan tâm, tình yêu thương, chăm sóc đầy đủ của gia đình, đứa trẻ đó sẽ hình thành nhân cách tốt./.