Trẻ nhiễm HIV: Ngày tới trường chưa trọn vẹn niềm vui
VOV.VN -Chính sự thay đổi nhận thức từ nhà trường sẽ giúp trẻ nhiễm HIV không bị phân biệt, đối xử, được hưởng thụ giáo dục bình đẳng như các bạn khác.
Quyết định số 570/QĐ-TTg ngày 22/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch Hành động Quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS giai đoạn 2014 – 2020 nêu rõ: “100% trường học tạo cơ hội cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được đi học theo nhu cầu”.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử với trẻ em nhiễm HIV đang rất nổi cộm ở các nhà trường. Điều đáng nói là tư tưởng này chủ yếu xuất phát từ các bậc phụ huynh. Trong khi đó, hầu hết trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS thường phải sống trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống.
Gian nan con đường đến trường
Mùa tựu trường này, trong khi bao học sinh trong thôn nô nức, háo hức cờ hoa, đến trường tập văn nghệ mừng năm học mới, thì Nguyễn Hà M., học sinh lớp 6 ở xã A. huyện Tiên Du, Bắc Ninh lại mang nặng nỗi buồn. Em bị nhiễm HIV từ khi lọt lòng do mẹ M. bị nhiễm từ bố. Mặc dù được mẹ và các bác trong nhóm “Vì ngày mai tươi sáng” (nhóm tự lực của những người nhiễm HIV tỉnh Bắc Ninh) động viên, khích lệ tinh thần, nhưng M. vẫn cảm nhận được sự lẻ loi, cô độc giữa đám bạn.
Trẻ nhiễm HIV vẫn còn bị kỳ thị tại trường học (Ảnh minh họa, không phải nhân vật trong bài viết)
Năm học trước, trường tiểu học có xe buýt đưa đón con em địa phương đến trường cách nhà gần 10km. Tuy nhiên, khi phát hiện M. trên xe, nhiều gia đình kịch liệt phản đối, không cho M. đi cùng vì sợ lây nhiễm cho các em khác. Đỉnh điểm là em bị các bạn đẩy xuống đất, xây xát hết mặt mũi, tay chân.
Từ đó, M. hằng ngày lầm lũi đạp xe tới trường với mặc cảm bệnh tật. Có hôm tối mịt chưa thấy con về, mẹ và bác ruột đôn đáo đi tìm thì thấy M. vừa dắt xe vừa khóc vì xe hỏng dọc đường. Chị Đơn, mẹ em M. buồn rầu: “Nhiều hôm con đi học về là khóc. Ở làng có một số người nhiễm HIV, nhưng 2 mẹ tôi là lộ diện. Tôi vẫn động viên con cứng rắn lên. Lúc nào cháu cũng được trang bị bông băng, cồn rửa trong cặp, phòng bị bị ngã chảy máu thì biết cách xử lý”.
Cô giáo chủ nhiệm của M. kể, có lần trong giờ thể dục, em bị ngã trầy da. Thấy vậy các bạn không ai dám tới gần, cũng như giúp đỡ em vì sợ bị lây nhiễm. Cô giáo lúc đó đã đeo găng tay, dìu em về văn phòng và rửa vết thương, băng bó cho em. “Nếu như chúng ta hiểu và không kỳ thị với học sinh nhiễm HIV thì sẽ không có thái độ cư xử với M. như vậy, điều này khiến những em nhỏ trong hoàn cảnh của M. rất dễ bị tổn thương” – cô giáo của M. chia sẻ.
Người viết cũng xin dẫn lại một câu chuyện có thật, xảy ra tại một trường mầm non ở một tỉnh miền núi phía Bắc. Bé A. có ông nội và bố đẻ nhiễm HIV và đã qua đời, người mẹ bị lây nhiễm từ chồng và bản thân bé A. cũng bị nhiễm HIV. Thế nhưng, bất hạnh chưa buông tha em khi A. đến tuổi vào mẫu giáo. Cầm tờ đơn xin học từ mẹ bé, lãnh đạo nhà trường hết sức đắn đo, cân nhắc và đã có tư vấn kỹ càng cho mẹ của cháu, bởi kinh nghiệm cho thấy, những trường hợp nhiễm HIV đã công khai tại cộng đồng như cháu A. sẽ gặp nhiều khó khăn khi hòa nhập.
Và điều nhà trường lo ngại đã trở thành hiện thực, khi phụ huynh của 25 cháu cùng lớp bé A. đồng loạt viết đơn xin cho con chuyển lớp, nhất định “không cho con học với đứa bị Ết”. Cô hiệu trưởng lúc này đứng trước sự lựa chọn, nếu chấp nhận cháu A. theo học thì hiển nhiên phụ huynh 25 cháu kia sẽ cho con chuyển lớp hoặc ra khỏi trường. Ngược lại, sẽ tước đi quyền được học tập của những đối tượng thiệt thòi như cháu A; cô giáo và nhà trường sẽ bị người thân có cháu nhỏ bị nhiễm HIV phản ứng. Họ sẽ cho rằng luật pháp cho phép trẻ em bị nhiễm HIV được hòa nhập cộng đồng, tại sao nhà trường lại tước đi quyền được đi học của cháu? Cuối cùng, cô giáo chấp nhận phương án giữ lại 25 cháu để đảm bảo kế hoạch phát triển và duy trì hoạt động của nhà trường, phần thiệt thòi “dành” cho cháu A.
Cơ hội nào cho trẻ nhiễm H?
Bà Nguyễn Thị Hồng Vân, Trưởng Phòng giáo dục mầm non, Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Sơn La cho biết, chuyện học sinh nhiễm HIV thực sự là vấn đề khó xử đối với ngành Giáo dục, nhất là những tỉnh miền núi có nhiều trường hợp nhiễm HIV đang sinh sống tại cộng đồng. Khi được chia sẻ về trường hợp cháu A., bà Hồng Vân khẳng định, đối với những trường hợp trẻ nhiễm HIV được công khai tại cộng đồng, có hồ sơ theo dõi, thì khi trẻ đến trường sẽ gặp rất nhiều khó khăn, bởi vẫn còn sự kỳ thị từ cộng đồng, các phụ huynh sẽ phản ứng và không muốn con mình ngồi cùng lớp với những em nhiễm HIV.
“Chúng tôi yêu cầu các nhà trường phải rất tế nhị trong chuyện này, không được tước đi quyền của trẻ em. Đối với những trường hợp bị nhiễm HIV, nhà trường phải có cách tuyên truyền phù hợp để dư luận hiểu và chia sẻ với các cháu. Chúng tôi cũng rất ý thức được việc thực hiện đầy đủ cam kết về quyền trẻ em; cũng như những chủ trương, chính sách để làm sao bảo đảm quyền được chăm sóc, bảo vệ, phát triển toàn diện của trẻ. Trong điều kiện cho phép, chúng tôi cũng đảm bảo tránh được những điều đáng tiếc xảy ra đối với trẻ” – bà Hồng Vân nói.
Tuy nhiên, dư luận vẫn cho rằng, đối với các em nhỏ, nhất là các cháu mầm non, đôi khi các cháu có những phản ứng tự nhiên như cắn, cào nhau. Nhà trường và ngành y tế vẫn tuyên truyền là khó bị lây nhiễm, song các phụ huynh vẫn không yên tâm. Khi “đứa con vàng” của mình học cùng lớp với trẻ nhiễm HIV, các bậc cha mẹ vẫn còn “lăn tăn” và lo ngại.
Chị Phạm Thị Hiền, trưởng nhóm “Vì ngày mai tươi sáng” Bắc Ninh cho biết, dù các em nhiễm HIV không có tội và phải gánh chịu hậu quả từ phía cha mẹ, nhưng những học sinh này vẫn bị phân biệt, đối xử trong nhà trường cũng như ngoài xã hội. Nhiều em rất chán nản vì bị xếp ngồi một mình ở cuối lớp. Giờ ra chơi không dám chơi với ai, bị các bạn xì xào chỉ trỏ phía sau lưng. Bố mẹ đi họp phụ huynh cũng bị bàn tán, đối xử phân biệt. Đối với những trường hợp trẻ nhiễm HIV được công khai, có hồ sơ theo dõi, thì khi đến trường sẽ gặp rất nhiều khó khăn, bởi vẫn còn sự kỳ thị, các phụ huynh sẽ phản ứng và không muốn con mình ngồi cùng lớp với những em nhiễm HIV.
ThS. BS. Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hôi); hiện là Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD) cho rằng, xã hội vẫn còn sự kỳ thị với những học sinh nhiễm HIV, thậm chí từ khi các em chưa đến tuổi đi học. Thách thức lớn nhất hiện nay đó là quyền học tập của trẻ nhiễm HIV chưa thực sự được bảo đảm, thậm chí bị tước đoạt.
Theo ông Nguyễn Trọng An, có sự “tréo ngoe” là luật quy định chỉ có ngành y tế và những cán bộ chăm sóc, theo dõi được biết danh tính người nhiễm HIV tại cộng đồng. Do đó, nhiều trường hợp các thầy cô không biết trường mình có học sinh nào nhiễm H đang theo học hay không. Như vậy sẽ rất khó khăn trong việc dự phòng và tuyên truyền cho các em học sinh khác. Ngược lại, nếu công khai danh tính các em, sẽ nảy sinh rất nhiều rắc rối, phức tạp. Bởi đã có trường hợp các phụ huynh đồng loạt rút đơn, đề nghị chuyển lớp, chuyển trường cho con khi biết trong trường có em nhiễm HIV.
“Lãnh đạo Sở Giáo dục – Đào tạo một tỉnh miền Trung khi đến thăm một trường có học sinh bị nhiễm HIV đang theo học, đã yêu cầu các thầy cô bê những chậu cây cảnh là những cây xương rồng ra ngoài khuôn viên của trường. Lý do là rất có thể những học sinh bị nhiễm HIV vô tình đùa nghịch, bị gai xương rồng đâm vào thì rất nguy hiểm”. Dẫn lại câu chuyện này, bác sĩ Nguyễn Trọng An, cho biết, ông rất ấn tượng với ý thức của lãnh đạo ngành Giáo dục như vậy và chính sự thay đổi nhận thức từ nhà trường sẽ giúp trẻ nhiễm HIV không bị phân biệt, đối xử, được hưởng thụ giáo dục bình đẳng như các bạn khác./.