Trên 11.200 người bán dâm có hồ sơ quản lý
VOV.VN - Theo báo cáo của 63 tỉnh thành, tệ nạn mại dâm có chiều hướng giảm nhưng biến động theo từng địa bàn, thời điểm và tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp.
Sáng nay 23/10, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị Tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình hành động phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011-2015.
Theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố: Hiện nay, tệ nạn mại dâm có chiều hướng giảm nhưng biến động theo từng địa bàn, thời điểm và tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Số người bán dâm có hồ sơ quản lý trên cả nước là trên 11.200 người, giảm 27% so với năm 2010. Số cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm này là hơn 161.000 cơ sở.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu dự hội nghị cho rằng: Con số thực tế có thể cao hơn do đây là hoạt động rất khó kiểm soát. Sau 5 năm triển khai, chương trình phòng chống mại dâm gặp phải một số hạn chế như: Hiệu quả phòng ngừa mại dâm chưa đáp ứng được yêu cầu; các biện pháp, giải pháp mới chỉ mang tính giải quyết vấn đề phát sinh, chưa đáp ứng yêu cầu phòng ngừa xã hội; hoạt động của các mô hình thí điểm giảm hại và hỗ trợ người hoạt động mại dâm hoàn lương còn đơn giản; chưa hình thành hệ thống cung cấp dịch vụ hỗ trợ chuyên biệt, dễ tiếp cận với người bán dâm...
(Ảnh minh họa: VTC) |
Tệ nạn mại dâm đã và đang gây nhiều hệ lụy cho xã hội, tỷ lệ người nhiễm HIV là 45,3%, tỷ lệ nhiễm trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới tăng 2 lần so với 2012 (chiếm 3,9%); người hoạt động mại dâm thường bị bạo lực, chiếm đoạt tài sản, bọc lột tình dục, bị kỳ thị, xa lánh, khó tiếp cận với các dịch vụ xã hội...
Ông Lê Văn Quý, Phó chi cục trưởng Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội thành phố Hồ Chí Minh nêu khó khăn từ thực tế địa phương: ‘Hiện nay, công tác phòng chống mại dâm trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh có những diễn biến khá phức tạp. Trước đây, người hoạt động mại dâm hoạt động nơi công cộng. Tuy nhiên, hoạt động đang đi vào chiều sâu, khép kín qua các đường dây rồi thông qua mạng Internet, facebook… mà cơ quan chức năng đôi lúc không kiểm soát hết được. Việc quản lý, xử lý người bán dâm, nhất là từ sau khi có Nghị quyết 24 của Quốc hội không đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh và không áp dụng các biện pháp giáo dục tại phường xã thị trấn cũng rất khó khăn”.
Xuất phát từ thực trạng và tồn tại này, việc xây dựng Chương trình hành động phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016-2020 là cần thiết. Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng: Mặc dù hệ thống chính sách, pháp luật về phòng, chống mại dâm và các biện pháp can thiệp mà Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân thực hiện thông qua Chương trình hành động phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011-2015 được đánh giá là tiến bộ, song quá trình thực thi cho thấy tính hiệu quả chưa cao, vẫn còn những khoảng trống trong chính sách và các chương trình can thiệp. Do vậy, để thực hiện hiệu quả Chương trình trong giai đoạn tới, các địa phương và cần tiếp tục đánh giá sâu hơn nữa về kết quả thực hiện trong giai đoạn vừa qua. Từ đó tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế.
Bà Phạm Thị Hải Chuyền nói: “Giai đoạn 2016-2020 sẽ tập trung xem lại những văn bản hướng dẫn chưa phù hợp. Thứ 2 là trên cơ sở tổng kết 5 năm, chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ để đề xuất chương trình xây dựng Luật. Thứ 3 là tới đây để chương trình hành động sát thực hơn, tôi đề nghị Cục phòng chống tệ nạn xã hội nên xin ý kiến, đánh giá kỹ hơn những cái được và chưa được, làm cơ sở để đề xuất chương trình của giai đoạn tới. Thứ 4 là đề nghị các địa phương đánh giá lại 5 năm để thống nhất góp ý chung trước khi bổ sung vào chương trình hành động của giai đoạn sau”./.