Trên 23% người lao động mắc bệnh nghề nghiệp

Chăm sóc sức khỏe người lao động là giải pháp tối ưu góp phần nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm và giảm các chi phí xã hội khác.

Sáng nay (22/7), tại Viện Nghiên cứu KHKT Bảo hộ Lao động diễn ra Hội thảo “Chăm sóc và Bảo vệ sức khỏe người lao động trong quá trình hội nhập”. Hội thảo do Tiến sĩ Đặng Ngọc Tùng, Ủy viên BCH TW Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN) chủ trì.

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay chúng ta có hơn 200.000 doanh nghiệp với hơn 10 triệu người lao động hoạt động sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp. Sự gia tăng nhanh chóng về số lượng doanh nghiệp, ngành nghề sản xuất mà phần nhiều có công nghệ chắp vá, nhà xưởng chật chội cộng với việc phân bố các cơ sở sản xuất thiếu quy hoạch đã đặt ra nhiều vấn đề phức tạp, đồng thời cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ gây tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Để chạy đua tranh giành thị phần với giá thành rẻ, một số doanh nghiệp đã sử dụng các nguyên liệu, nhiên liệu bẩn với các công nghệ sản xuất lạc hậu càng làm cho môi trường và điều kiện làm việc của người lao động thêm nghiêm trọng.

Trong 5 năm lại đây (2004 - 2008) đã có 27.744 tai nạn lao động (TNLĐ) xảy ra làm 28.822 người bị tai nạn và 3172 người chết, cao nhất là năm 2008 với 508 người chết. Tai nạn lao động chết người tập trung chủ yếu ở những ngành: xây dựng (chiếm 12% – 19,4%), điện (14% – 15,2%), khai thác mỏ (4% – 8,3%). Thiệt hại hằng năm do TNLĐ ước tính trung bình từ 17 – 20 tỷ đồng. Tổng thiệt hại trong 5 năm gần đây là 251,19 tỷ đồng và gần 1 triệu ngày công lao động.

Theo PGS. TS Lê Vân Trình, Ủy viên Đoàn Chủ tịch TLĐ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học BHLĐ, nguyên nhân để xảy ra tai nạn lao động chủ yếu là do vi phạm các quy định, quy trình, quy phạm an toàn lao động, không có biện pháp làm việc an toàn, người không được huấn luyện hoặc không được huấn luyện đầy đủ về ATVSLĐ, do máy móc thiết bị không an toàn.

Các đại biểu tham gia hội thảo đã đưa ra những nhóm giải pháp can thiệp và kiến nghị đã được áp dụng đạt hiệu quả cao ở nhiều cơ sở như: thực hiện ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, cải thiện quy trình công nghệ, ứng dụng các nghiên cứu mới nhất vào sản xuất, chăm lo cải thiện điều kiện lao động….

PGS. TS Nguyễn An Lương, Chủ tịch Hội KHKT ATVSLĐ Việt Nam cho rằng: “Cần đẩy mạnh vấn đề xã hội hóa ATVSLĐ bằng một nhóm giải pháp cần thiết như: Hoàn thiện cơ sở pháp lý, nâng cao nhận thức, tăng cường thông tin, tuyên truyền, huấn luyện phổ biến kiến thức, cải tiến tổ chức quản lý, đa dạng hóa các nguồn đóng góp tài chính cho hoạt động, đổi mới các hoạt động sự nghiệp và dịch vụ, tạo lập cơ chế phương thức hoạt động phong phú, huy động sự tham gia đóng góp của cộng đồng vào công tác ATVSLĐ”./.

Gần 30% người lao động mắc các bệnh về đường hô hấp, mắt, cơ, xương – khớp, tai, tim mạch, phụ khoa… và tính đến năm 2008 đã có 24.175 người lao động được xác định là mắc các bệnh nghề nghiệp (chiếm 23,27% trong tổng số người lao động được khám), trong đó cao nhất là các bệnh bụi, phổi do làm việc trong môi trường lao động bị ô nhiễm gây ra.

 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên