Trồng cây thuốc phiện ở vùng sâu Cao Bằng: Tập tục hay phạm pháp?
VOV.VN -Từ cuối năm 2021 đến nay, lực lượng chức năng tại tỉnh Cao Bằng liên tiếp phát hiện, phá nhổ nhiều diện tích trồng cây thuốc phiện tại các khu vực rừng núi, bản làng vùng sâu. Việc xóa bỏ cây thuốc phiện gặp không ít gian nan bởi loại cây này được trồng ở những khu vực heo hút, khó phát hiện
Trong một cuộc hỏi cung của cơ quan chức năng với một trường hợp trồng thuốc phiện bị bắt quả tang:
Điều tra viên: Phấy có biết bản thân trồng cây thuốc phiện là vi phạm pháp luật không?
- Em có biết ạ!
Điều tra viên: Có biết, thế tại sao Phấy vẫn trồng?
- Em trồng để làm thuốc chữa bệnh cho con bò, con lợn thôi.
Điều tra viên: Thế bây giờ Phấy có mong muốn, yêu cầu gì với các cơ quan pháp luật không?
- Em mong giảm án, khoan hồng để sớm về nhà, ở nhà em còn bố mẹ già, con còn nhỏ quá. Em biết sai rồi, em không dám trồng thuốc phiện nữa, sợ rồi.
Đó là bao biện và cả ăn năn của Trịnh Tòn Phấy, dân tộc Dao, sinh năm 1994 tại xóm Minh Khai, xã Triệu Nguyên, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng.
Dù khai báo là chỉ trồng để chữa bệnh cho gia súc, nhưng theo điều tra của công an huyện Nguyên Bình, Phấy cùng anh trai ruột là Trịnh Tạ Phu đã lén trồng cây thuốc phiện trên nương, nhiều lần chiết xuất nhựa và bán cho các đối tượng ở tỉnh khác, tang vật thu giữ lên đến hơn 400g nhựa cây anh túc. Với hành vi này, Phấy đã nhận mức án 8 năm tù giam.
Dường như mức xử phạt này vẫn chưa đủ cảnh tỉnh người dân. Trung tá Dương Ngọc Anh, Phó Trưởng Công an huyện Nguyên Bình cho biết, chỉ riêng tháng 3 vừa rồi, địa bàn này đã phát hiện 7 vụ, thu giữ tiêu hủy hơn 6.600 cây thuốc phiện, diện tích khoảng 1.100m2.
“Huyện Nguyên Bình chủ yếu rừng núi, rừng nguyên sinh, đường đi lại rất khó khăn, đồng bào đã đến để trồng. Một phần do tập tục nhưng cũng do cả nhận thức pháp luật của người dân còn kém hiểu biết. Công an huyện phối hợp chính quyền địa phương hàng năm đều tuyên truyền đến các xóm, cho người dân ký cam kết không tái trồng thuốc phiện, nhưng nhiều người nghĩ rằng vùng sâu xa, đi lại khó không thể bị phát hiện nên họ vẫn cứ lén lút đi trồng”, Trung tá Dương Ngọc Anh cho biết.
Những năm 80 của thế kỷ trước, Cao Bằng là một trong 6 tỉnh trồng cây thuốc phiện lớn nhất cả nước với diện tích cả nghìn ha. Thực hiện chủ trương xóa bỏ cây thuốc phiện, đến nay, diện tích lớn đã cơ bản không còn. Tuy nhiên, như một phần tập tục, một số người dân vẫn lén lút trồng nhỏ lẻ trên nương xa hoặc lẫn trong vườn nhà với lý do ban đầu là làm thuốc chữa bệnh. Nếu không xử lý kịp thời tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh trật tự khi một số vụ buôn bán thuốc phiện trái phép đã được phát hiện.
Chỉ từ khoảng cuối năm 2021 đến nay, Cao Bằng đã phát hiện hàng chục vụ trồng cây thuốc phiện, lượng tang vật lên đến hàng chục nghìn cây. Nổi bật có thể kể đến vụ việc người dân đã phá rừng phòng hộ để trồng hơn 2.200 cây thuốc phiện tại xã Quảng Lâm, huyện Bảo Lâm. Ngày 25/2 vừa qua, Công an xã Quang Vinh, huyện Trùng Khánh cũng phát hiện tới 4 hộ gia đình trồng hơn 2.000 cây ở hàng chục đám rẫy khác nhau.
Quang Vinh là xã đặc biệt khó khăn của huyện Trùng Khánh với 100% là đồng bào dân tộc thiểu số. Địa hình phức tạp, đường rừng quanh co, heo hút nên để phát hiện, xử lý triệt để những vụ việc tương tự là điều không dễ.
“Chỗ xa nhất mà lực lượng công an xã đã đi triệt phá mất chừng 2 tiếng rưỡi đi bộ băng rừng. Khu vực trồng thì nhỏ thô và lại chia thành nhiều đám rẫy nhỏ lẻ, có người trồng đến 8 đám, mỗi đám chỉ vài m2 xen kẽ dưới tán cây rừng. Khó khăn nhất là nhận thức của người dân còn thấp, có một số người không biết tiếng phổ thông. Công an xã đến tận nơi tuyên truyền rồi mà họ không nghe, không hiểu được, buộc chúng tôi phải phối hợp đoàn thể khác để đến tuyên truyền cá biệt cho họ hiểu”, Thượng úy Ma Việt Đức, Trưởng Công an xã Quang Vinh, huyện Trùng Khánh cho biết thêm.
Các vụ triệt phá cây thuốc phiện chủ yếu diễn ra từ năm 2021 đến nay bởi đây là thời điểm Cao Bằng hoàn thành việc đưa Công an chính quy về xã. Nhờ việc bám nắm địa bàn và làm tốt công tác dân vận, hầu hết các vụ việc được phát hiện kịp thời và không để xảy ra điểm nóng. Tuy vậy, để xử lý dứt điểm một sớm, một chiều tình trạng này là điều không dễ, bởi người dân thường lợi dụng địa bàn rừng núi giáp ranh, ít người lui tới để trồng cấy. Khi phát hiện cũng khó xác định được đối tượng thực hiện. Và thực tế, người dân cũng nắm rõ, với quy mô trồng chỉ vài trăm, thậm chí vài chục cây thuốc phiện mỗi đám rẫy thì nếu có bị phát hiện cũng chỉ dừng lại ở mức nhắc nhở, xử lý hành chính và tiêu hủy tang vật.
“Bên cạnh chỉ đạo công an xã, đội nghiệp vụ tiếp tục bám sát tình hình, tôi đã tham mưu trực tiếp cho đồng chí Bí thư Huyện ủy việc Công an sẽ tham mưu chính để ban hành văn bản đến các xã, thị trấn thực hiện các biện pháp tuyên truyền, quán triệt người dân không trồng cây thuốc phiện. Đồng chí Bí thư Huyện ủy cũng đã quán triệt từ nay nếu xã, thị trấn nào để xảy ra tình trạng trồng cây thuốc phiện mà không phát hiện thì Bí thư Đảng ủy xã, lãnh đạo xã sẽ phải chịu trách nhiệm trước Bí thư Huyện ủy. Đối với hiện tượng này, một mình lực lượng công an không thể làm hết được, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính quyền thì mới có thể giải quyết được”, Trung tá Nguyễn Quang Hòa, Phó Trưởng Công an huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng nói.
Ngoài Trịnh Tòn Phấy bị tuyên mức án tới 8 năm tù giam, mới đây, Công an huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng đã ra quyết định khởi tố đối với Hoàng Văn Soòng, 71 tuổi, tại xóm Ngọc Sơn, xã Quang Vinh ( huyện Trùng Khánh) về hành vi trồng hơn 1.200 cây trên nương đá. Không thể vin vào tập tục là cái cớ chối tội, những bản án nghiêm khắc, đích đáng dành cho trường hợp phạm tội sẽ là lời cảnh tỉnh đối với người dân, để cuộc chiến xóa bỏ cây thuốc phiện nơi đây đạt hiệu quả cao trong thời gian tới./.