Sài Gòn ngày 30/4/1975

Trong mắt nhìn của phóng viên, báo chí nước ngoài

Ngày giải phóng Sài Gòn 30/4/1975 mãi mãi là mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Sự kiện lịch sử trọng đại đó cũng ghi dấu ấn trên báo chí thế giới

Phóng viên hãng tin Anh Reuters ngày 30/4/1975 viết: “Là phóng viên duy nhất có mặt tại “Phủ Tổng thống”, tôi đã chứng kiến chiếc xe tăng đi đầu của quân giải phóng húc đổ cột bằng thép vững chắc và cán cờ đối phương rơi xuống đất, rồi vượt qua. Gần 10 xe tăng khác nhanh chóng tiến lên theo và bộ đội Chính phủ cách mạng tỏa ra khắp khu vực Phủ Tổng thống. Lính gác Nam Việt Nam (quân ngụy) lập tức giơ tay xin hàng và tập hợp thành hàng ngũ chờ lệnh mới. Cờ Chính phủ Cách mạng lâm thời tung bay trong khí thế chiến thắng…”.

Phóng viên hãng tin Mỹ UPI ngày 30/4/1975 viết: “Quân đội Cộng sản tươi cười và lái xe tăng vào “Phủ Tổng thống” ở Sài Gòn hôm nay và hô lớn “đồng chí” với những người đứng đông bên đường. Họ thật sự không để ý đến sự có mặt của các nhà báo đang ghi lại sự đầu hàng lịch sử của Chính phủ Sài Gòn trước những người Cộng sản.

Ba lá cờ trắng được kéo lên ở Sở chỉ huy cảnh sát một lúc sau khi ông Minh nói trên đài. Nhiều cờ trắng khác cũng đã treo lên ở ngoại ô phía Bắc Sài Gòn.

Dân chúng đi lại bình thường trên các đường phố. Cờ của Việt Cộng đã xuất hiện trên các khối nhà. Lính Việt Cộng đi trên các đường phố chính. Nhân dân địa phương tươi cười vây quanh họ, bắt tay họ”.

Tờ Thời báo New York ngày 1/5/1975 đã in những chữ đầu hàng thành một tiêu đề lớn chạy suốt tám cột trên trang nhất, về hàng loạt tin và ảnh về chiến thắng của các lực lượng cách mạng vừa giải phóng thành phố Sài Gòn.

Tờ Thời báo Los Angeles ngày 1/5/1975 viết : “Người Mỹ ra đi, người Nam Việt Nam (ngụy quân, ngụy quyền) đầu hàng, nước Việt Nam đã được trả lại cho người Việt…”

Tờ Tin điện New York cho rằng việc Mỹ dính líu vào cuộc chiến tranh ở Việt Nam là “một sự hy sinh vô ích về sinh mạng và tiền của người Mỹ”.

Tờ Tin hàng ngày gọi sự kiện ngày 30/4/1975 là “một chương bi thảm trong lịch sử nước Mỹ”.

Tờ Mặt trời Baltimore ngày 1/5/1975 viết: “Chúng ta bị thương tổn và cảm thấy nhục, nhưng có lẽ chúng ta cũng đã chín chắn lên đôi chút…”.

Tờ Asahi Shimbun (Nhật Bản) ngày 1/5/1975 đã viết trong một bài xã luận: “Chiến tranh Việt Nam đã kết thúc với thắng lợi của lực lượng giải phóng. Điều đó nói lên rằng, thời đại mà các nước lớn dùng sức mạnh bóp nghẹt chủ nghĩa dân tộc đã kết thúc rồi”.

Tờ Paris hàng ngày của Pháp, ngày 3/5/1975 viết: “Sài Gòn đã thay tên và bộ mặt thế giới cũng đổi thay. Di chúc của Bác Hồ - Người đã từ trần sớm mất 6 năm - đang trở thành hiện thực. Con người ấy không những đã cổ vũ cuộc kháng chiến của Việt Nam mà còn đã huy động thanh niên thế giới xông vào hàng rào sắt của Nhà Trắng, cổ vũ thanh niên Anh ở công viên Tơ-ra-phan-ra.

Thanh niên Paris và Washington hô những khẩu hiệu: Hồ, Hồ, Hồ Chí Minh! Con người ấy thế là đã thắng trong cuộc chiến chống xâm lược!” .

Báo Tin Tức (Ai Cập) ngày 7/5/1975: “Không một ai trên trái đất này, dù chính kiến hay màu da của họ thế nào đi nữa, lại không kính trọng và tự hào về dân tộc Việt Nam, một dân tộc đã dương cao ngọn cờ chiến thắng trên phần đất cuối cùng của tổ quốc mình vào ngày 30/4/1975. Sau 30 năm trường chiến đấu liên tục, không một chút nghỉ ngơi, dân tộc ấy đã đánh bại ba tên đế quốc lớn mạnh nhất thế giới là Nhật, Pháp và Mỹ, và cuối cùng bằng máu và lửa, đã chứng minh cho cả loài người thấy rằng, những dân tộc đã chiến đấu thì không bao giờ chịu khuất phục và ý chí của họ là vô địch”.

Hầu hết các chương trình trên cả ba hệ thống truyền hình Mỹ tối 1/5/1975 đều dành cho những đoạn phim về cuộc “di tản” người Mỹ ra khỏi Sài Gòn ngày 29/4/1975 và các tin điện về việc kết liễu chế độ của cái gọi là Việt Nam Cộng hòa.

Ngay bản thân cựu Tổng thống diều hâu Mỹ Nixon cũng đã phải cay đắng thú nhận với giới báo chí Mỹ: “Cuộc chiến tranh Việt Nam không phải chỉ giới cầm quyền nước Mỹ thua trên chiến trường. Chúng ta còn thua ngay trên nước Mỹ, ở các hành lang của quốc hội, trong phòng ăn các công ty, trong các buồng giám đốc của các tổ chức nghiên cứu, trong các buồng chủ bút của các tờ báo và của hệ thống vô tuyến truyền hình, trong các hội trường của George Town, các phòng khách của “những người đẹp” ở New York và trong các lớp học của các trường Đại học lớn - đó là các tầng lớp đã đưa lại sự mạnh mẽ, bảo đảm thắng lợi trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất và lần thứ hai, đã làm cho Mỹ thất bại một trong những cuộc chiến đấu trọng yếu nhất của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ ba, đó là Việt Nam …”./.               

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên