Trục lợi từ chính sách người có công: Không chỉ thất thoát ngân sách
VOV.VN -Để hạn chế trục lợi chính sách người có công, chúng ta cũng phải có những quy định mang tính chất pháp lý rõ ràng.
Thông tin đưa ra tại buổi chất vấn của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đối với Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH ngày 18/4, có 1.800 hồ sơ giả mạo để hưởng chính sách người có công trong khi nhiều người có công thực sự vẫn chưa được hưởng chính sách do vướng thủ tục, đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Phóng viên VOV phỏng vấn ông Nguyễn Duy Kiên, Phó Cục trưởng Cục Người có công, Bộ LĐTB&XH về vấn đề trục lợi từ chính sách người có công.
PV:Thưa ông, trong buổi trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, số đối tượng hưởng sai chính sách chỉ chiếm 0,09% trong khi theo thống kê tại một số địa phương số lượng hồ sơ giả lên tới 20%, thậm chí có nơi lên tới 40%. Theo ông đâu là kẽ hở dẫn tới thực trạng này?
Ông Nguyễn Duy Kiên: Trong công tác giải quyết tồn đọng, để đảm bảo quyền lợi của những người có công, chúng ta phải có những quy định mềm dẻo hơn và đó là kẽ hở để trục lợi. Chúng ta tạo ra cơ chế để tạo điều kiện giải quyết cho các đối tượng chính sách thì các đối tượng khác lại tranh thủ chen vào. Đó là thực tế nan giải hiện nay.
PV: Có ý kiến cho rằng, không dễ gì giả danh thương binh nếu không “đi đêm” với các cán bộ, cơ quan chức năng?
Ông Nguyễn Duy Kiên: Cái này cũng có đúng nhưng về cơ bản vẫn là do quy định của chúng ta tương đối mở nên dù địa phương làm đúng quy định vẫn có thể để lọt như thường. Theo Thông tư liên tịch 28 giữa Bộ LĐTB&XH và Bộ Quốc phòng, những trường hợp có đi bộ đội được phép sử dụng vết thương thực thể để làm chế độ thương binh. Như vậy khó xác định được vết thương thực thể đó là do bị thương trong các trường hợp để làm thương binh hay do trong sinh hoạt đời thường. Cái này phải do người dân địa phương phát hiện ra.
PV: Thất thoát từ ngân sách do chi sai đối tượng rất lớn do thời gian chi trả kéo dài. Ông bình luận gì về điều này?
Ông Nguyễn Duy Kiên: Tôi thấy ở đây thất thoát chỉ là một phần thôi, nguy hiểm hơn là nó làm xói mòn niềm tin, đánh đồng các giá trị. Làm sao chúng ta có thể so sánh giữa một người đi bộ đội bị thương thật với một người đảo ngũ về làm giả thương binh để hưởng chế độ. Đó chính là vấn đề đặt ra. Phải có chế tài nghiêm với hành vi này. Hiện nay, chúng ta đang rất nhân văn vì có nhiều đối tượng khi phát hiện ra không có khả năng truy thu họ, do họ không có khả năng chi trả.
PV: Trước vấn nạn trục lợi chính sách người có công hiện nay, ông có cho rằng cần khởi tố hình sự các đối tượng này?
Ông Nguyễn Duy Kiên: Đây là vấn đề khó vì đa phần đối tượng này là tự phát chứ không có đường dây. Trước đây đã có một số vụ án lớn, có đường dây chạy hồ sơ chính sách như vụ án ở Ninh Bình năm 2005 đã được đưa ra xét xử.
Trong khi gần 2.000 đối tượng giả mạo qua mặt cơ quan chức năng để trục lợi chính sách thì hiện vẫn còn gần 30.000 đối tượng tự kê khai là người có công nhưng chưa được giải quyết chế độ. Liệu đây có phải là sự thiếu công bằng do chúng ta còn quá máy móc yêu cầu các loại giấy tờ, bằng chứng mà không căn cứ vào từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể?
Để hạn chế trục lợi, chúng ta cũng phải có những quy định mang tính chất pháp lý chứ không thể cứ tự kê khai tôi là người có công là được hưởng chế độ. Vấn đề ở đây là phải có quy trình giải quyết tồn đọng để không đánh đồng các trường hợp, tránh bất công. Giải quyết tồn đọng không có nghĩa giải quyết hết cho tất cả người khai mà là người có công thì được hưởng, người không có công thì không được hưởng.
Đâu sẽ là khâu đột phá cần thực hiện ngay để đối phó với tình trạng trục lợi chính sách người có công, thưa ông?
Ông Nguyễn Duy Kiên: Theo tôi, vai trò của cộng đồng, của những người cùng thời rất quan trọng trong việc giám sát. Các cơ quan chức năng đều tạo điều kiện cho người có công nhưng ví dụ một ông chủ tịch xã có thể chỉ tầm 35 - 40 tuổi, làm sao biết được thực tế cách đây 30 - 40 năm trước như thế nào? Bên cạnh đó, phải có cơ chế khuyến khích chứ không phải có ý kiến ngược dòng là lại quy chụp.
Cho nên phải kết hợp cả hai bên, thứ nhất là cộng đồng để giám sát, thứ hai là chính quyền trong việc thu thập đủ thông tin và tìm ra sự thật. Phải giải quyết theo chất lượng chứ không phải theo số lượng.
PV: Xin cảm ơn ông!/.
Hồ sơ người có công tồn đọng sẽ được giải quyết triệt để trong năm nay
Hà Nội không ngừng chăm lo đời sống người có công