Hồ sơ người có công tồn đọng sẽ được giải quyết triệt để trong năm nay
VOV.VN -Trong năm 2017 sẽ giải quyết rốt ráo hồ sơ người có công tồn đọng, tập trung vào hồ sơ liệt sĩ, thương binh và người hưởng chế độ như thương binh.
Thông tin tại Hội nghị triển khai kế hoạch kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh – Liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2017) và Giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng, được tổ chức ngày 17/2 tại TP Hải Phòng, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định: Trong năm nay, sẽ cơ bản giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng trên toàn quốc, với số lượng 3.161 bộ tính đến ngày 17/2.
Nhiều vụ việc kéo dài hơn 40 năm
Hồ sơ người người có công với cách mạng (liệt sĩ, thương binh, người hưởng chế độ như thương binh) đang tồn đọng tại địa phương là vấn đề hết sức phức tạp, khó giải quyết; bên cạnh đó, xuất hiện tình trạng khai man hồ sơ để trục lợi; người ở địa phương này sang khai ở địa phương khác để hưởng chế độ, cũng gây bức xúc trong dân.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao quà cho gia đình chính sách (Ảnh: VOV) |
Nhiều trường hợp, người thân đã gửi đơn thư tới nhiều cấp ngành từ địa phương tới Trung ương kéo dài hàng chục năm, đến nay vẫn chưa thể giải quyết thấu đáo.
Vướng mắc của vấn đề này nằm ở chỗ hầu hết người có công không có giấy tờ theo quy định hiện hành để lập hồ sơ, hồ sơ không khớp với yếu tố lịch sử, người làm chứng đã già cả, không còn minh mẫn…
Có trường hợp ở Hải Dương, vào chiến trường năm 2/1971, được nhiều đồng đội, chỉ huy còn sống xác nhận đã tham gia chiến đấu, cùng đơn vị, nhưng không biết người này hy sinh hay mất tích ở đâu, trong hoàn cảnh nào nên không có giấy báo tử. Do đó, gia đình người có công đã liên tục làm đơn suốt hàng chục năm qua nhưng vẫn chưa thể giải quyết…
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, ngành Lao động phối hợp với các Bộ ngành liên quan phấn đấu giải quyết căn bản hồ sơ tồn đọng trong năm nay. Đây là quyết tâm chính trị rất cao, cần cách thức làm quyết liệt nhưng phải hết sức sáng tạo và thận trọng. Đây là vấn đề liên quan đến vận mệnh của một người, vận mệnh chính trị của dòng họ của người đã cống hiến cho đất nước.
Sẽ giải quyết dứt điểm, căn bản trong năm nay
Theo Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH, trong năm nay sẽ cơ bản giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng trên toàn quốc, song song với giải quyết hồ sơ bình thường nhưng rốt ráo hơn, quyết liệt hơn.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại Hội nghị |
Tuy nhiên cần khoanh vùng hồ sơ để giải quyết, trước mắt tập trung giải quyết những hồ sơ ở 2 dạng tồn đọng, đó là: hồ sơ được thiết lập nhưng do thay đổi chính sách mà chúng ta chưa cập nhật hoặc chưa triển khai được; thứ 2 là hồ sơ đã được thiết lập xong, nhưng thiếu giấy tờ, hiện đang do ngành LĐTB&XH hoặc ngành Công an, Quân đội đang quản lý mà đã được thống kế, tập hợp đến ngày 17/2.
Để triển khai, Bộ trưởng sẽ có văn bản gửi Bí thư, Chủ tịch, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành; Chủ tịch UBTWMTTQ Việt Nam và Chủ tịch Mặt trận các địa phương để cả hệ thống chính trị vào cuộc, không chỉ riêng ngành Lao động. Vấn đề này Bộ đã báo cáo Chính phủ và Thường trực Chính phủ, Thường trực Ban Bí thư và nhận được sự ủng hộ rất cao.
Do tính chất phức tạp của nhiệm vụ, Bộ LĐTB&XH đề nghị đối với các tỉnh, thành phố có trên 50 hồ sơ thì chọn làm điểm ở một số huyện, thị để chỉ đạo, rút kinh nghiệm trước khi triển khai ra phạm vi toàn tỉnh. Đối với các tỉnh, thành phố có lượng hồ sơ khoảng 10 – 50, thì Tổ công tác trực tiếp phối hợp với địa phương để triển khai ở tất cả các huyện, thị. Trường hợp dưới 10 hồ sơ thì giao địa phương chủ động triển khai theo kế hoạch.
“Những địa phương ít hồ sơ thì cần giải quyết xong triệt để, những địa phương nhiều hơn thì phải cơ bản hoàn thành trong năm nay, không có nghĩa là tháo khoán” – ông Đào Ngọc Dung nói.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng trích bức thư của một đảng viên 70 tuổi viết cho Bộ trưởng cách đây 3 ngày. Trong thư, bác này viết: “Muốn giải quyết được hồ sơ người có công đòi hỏi không chỉ Bộ trưởng, mà quan trọng nhất là những người dưới quyền của Bộ trưởng phải hành động không mệt mỏi, không lươn lẹo, không lợi ích nhóm, không cá nhân chủ nghĩa, không vô cảm và không chỉ có cái tôi mà cần phải có cái chúng ta”.
“Dân mong từ Bộ trưởng đến cán bộ công chức có trách nhiệm hơn tới công việc này, thực sự bằng trái tim và lương tâm, khối óc của mình” – ông Đào Ngọc Dung nhấn mạnh thêm.
Ông Huỳnh Văn Tí, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH, Chuyên gia cao cấp của Bộ trưởng, Tổ trưởng Tổ công tác xác nhận hồ sơ người có công tồn đọng của Trung ương cũng khẳng định: Năm nay, vấn đề này cần giải quyết quyết liệt nhưng cũng cần hết sức chặt chẽ, nghiêm túc; đặc biệt không để hồ sơ giả xen vào.
Vấn đề, hồ sơ thất lạc, theo ông Huỳnh Văn Tí, cần khai thác tất cả các kênh thông tin, sau đó tổng hợp, phân tích, chọn lọc để kết luận chứ không chỉ căn cứ vào người làm chứng. Những hồ sơ không đạt cũng cần làm rõ, trả lời thấu đáo cho dân.
Đặc biệt cần công khai từng trường hợp để lắng nghe ý kiến của dân, bởi khâu kiểm tra ban đầu là cực kỳ quan trọng. Về ý kiến cho rằng cần thay đổi Thông tư để tạo thuận lợi cho việc giải quyết vướng mắc, ông Huỳnh Văn Tí chia sẻ: “Thông tư chính là bằng Trái tim, còn Lòng dân chính là hồ sơ gốc”./. Đảng, Nhà nước luôn ghi nhớ cống hiến của người có công với cách mạng
Khởi tố vụ án hành hung thương binh do va chạm giao thông ở Hà Nội