Trưng bày đầu Rồng đá mới phát hiện tại Thành Nhà Hồ
(VOV) - Đầu Rồng được Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ đưa về trưng bày phục vụ khách tham quan trong và ngoài nước.
Trong quá trình sưu tầm hiện vật, tổ nghiên cứu sưu tầm – Phòng Nghiệp vụ Di sản thuộc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ đã sưu tầm được rất nhiều hiện vật quý, đáng chú ý nhất là đầu Rồng đá do ông Vũ Văn Bằng ở thôn Đồng Minh, xã Vĩnh Phúc, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa cung cấp.
Ông Bằng cho biết, trong quá trình sản xuất nông nghiệp thuộc khu vực Di sản Thành Nhà Hồ, ông đã tìm thấy phần đầu của con Rồng đá.
Hiện nay đầu Rồng đã được Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ đưa về trưng bày phục vụ khách tham quan trong và ngoài nước.
Đầu Rồng đá có niên đại cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV, cao 0,6m, dài 0,55m. |
Theo Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ, đầu Rồng có niên đại cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV, cao 0,6m, dài 0,55m. Đầu Rồng ngẩng cao, có màu xanh xám, trang trí một mặt, mặt ngoài bị vỡ, có mang, mào hình lá đề, râu mắt, gờ mày, có vân nổi, đầu to, bờm thô dày, răng sắc nhọn, mắt tròn lộ, hoa văn tinh sảo, rõ nét.
Được biết, cho đến nay, đây là đầu Rồng bằng đá duy nhất được tìm thấy ở Thành Nhà Hồ. Theo các nhà khảo cổ học, đây là Rồng thềm bậc.
Hiện ở trung tâm nội thành của Thành Nhà Hồ có đôi Rồng đá được phát hiện năm 1938 trong quá trình đào đất làm đường đi xuyên từ cửa Nam lên cửa Bắc. Đôi Rồng này vốn là một cặp thành bậc cửa của một kiến trúc quan trọng trong thành. Đôi Rồng đã bị mất phần đầu, phần còn lại có thân dài 3,8m uốn lượn hình sin, mình phủ vẩy hoa, bờm dài, bốn chân có móng sắc nhọn... Đây là cặp Rồng kiến trúc Hoàng cung sớm nhất của Việt Nam được phát hiện cho đến nay.
Việc phát hiện ra đầu Rồng bằng đá có ý nghĩa rất quan trọng, là cơ sở để các nhà khoa học nghiên cứu phục dựng lại đầu đôi rồng đá trong khu vực nội thành./.