“Trung đội nữ công binh thép” và những hồi ức về Đại tướng
VOV.VN -“Trung đội nữ công binh thép” - là cái tên mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp đặt cho Trung đội nữ công binh tại A-T-P.
Họ là những cô gái trẻ gan dạ, kiên cường, mang ý trí thép để đảm bảo thông đường trên trọng điểm A-T-P, đường 20 Quyết Thắng ngày ấy.
Nhớ về A-T-P, nhớ về Đại tướng
Tìm về Trung đội nữ công binh thép đầu tiền trên trọng điểm A-T-P (tên viết tắt trọng điểm Cua chữ A - ngầm Ta Lê - đèo Phu-La-Nhích thuộc tỉnh Khăm Muộn nước bạn Lào) sau hơn 40 năm các nữ công binh lần đầu tiền gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Nữ công binh thép Dương Thị Trình nay là Trưởng ban liên lạc “Trung đội nữ công binh thép” lật dở những tấm hình kỷ niệm về Đại tướng Võ Nguyễn Giáp |
Trong ngồi nhà đơn sơ, nữ công binh thép Dương Thị Trình (hiện ở tại thôn Vinh Tiến xã Hải Hòa - Tĩnh Gia - Thanh Hóa) nguyên là Trung đội phó Trung đội nữ công binh thuộc B3C3 tiểu đoàn 33 - Binh trạm 14 - Đoàn 559, đã dành riêng vị trí trang trọng nhất để treo những tấm hình chụp cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đồng đội của mình. Biết tin Đại tướng mất, bà và đồng đội cũ vô cùng thương tiếc vị Tướng ngày nào mà các cô đã được gặp khi các nữ công binh đang làm nhiệm vụ đảm bảo thông đường ở trọng điểm A-T-P.
Nữ công binh thép Dương Thị Trình hồi tưởng và kể cho chúng tôi nghe về lần đầu tiên được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhìn vào những tấm hình chụp cùng Đại tướng được ghi lại vào năm 2003 trong cuộc gặp gỡ sau 30 năm, bà Trình nhớ lại: "Năm ấy (năm 1971), tôi học xong lớp 6 thì có đợt tuyển quân nữ, tôi hăng hái đăng ký đi bộ đội, trúng tuyển tôi được đưa vào Hà Tĩnh huấn luyện 3 tháng. Tháng 4/1971, tôi được phân vào binh đội công binh thuộc B3, C3, tiểu đoàn 33, Binh trạm 14, Đoàn 559 tham gia chiến đấu ở trọng điểm cua chữ A, ngầm Ta lê, đèo Phu- La- Nhích (gọi tắt là trọng điểm ATP) thuộc tỉnh Khăm Muộn nước bạn Lào. Trung đội của tôi là trung đội nữ đầu tiên được đưa đến trọng điểm A-T-P này, nơi mà quân địch tập trung ngày đêm bắn phá ác liệt".
Cuộc gặp gỡ của nữ công binh thép Dương Thị Trình sau 30 năm gặp lại. |
Những cô gái tuôi mười tám đôi mươi với nhiệm vụ đảm bảo thông đường 20 Quyết Thắng. Tuyến đường tính từ đoạn cua chữ A, qua ngầm Ta lê, đến đèo Pu la Nhích dài khoảng 7 km, địa thế hiểm trở, một bên là vách núi cao sừng sững, một bên là vực sâu thăm thẳm, đây là một trong những tuyến đường xuyên dãy Trường Sơn nối liền tỉnh Quảng Bình với tỉnh Khăm muộn (Lào).
Công việc của nữ công binh là ngày, đêm bốc đá đổ ra ngầm, thông đường, chặt và cắm cọc tiêu chỉ dẫn cho xe qua ngầm, qua đèo an toàn, phần luồng xe, trực chốt barie… với mục tiêu là dù đổ máu cũng không được để tắc đường.
Trong những ngày tháng ăn ở trong hang và giữ thông đường đó, lần đầu tiên chúng tôi gặp Đại tướng Võ Nguyễn Giáp. Vào một ngày tháng 3/1973, khi ấy tôi đang là A trưởng (của trung đoàn B3, C3, tiểu đoàn 33) thì được chỉ huy thông báo vài ngày nữa có đoàn lãnh đạo cấp cao đến thăm đơn vị, khi đó chúng tôi cũng không rõ có những ai đến thăm đơn vị.
Đến 10h ngày hôm sau, đoàn xe chở Đại tướng đến nơi. Khi đó, chúng tôi chưa biết Đại tướng là ai nhưng mỗi người trên đoàn xe xuống đều vẫy tay chào chúng tôi niềm nở. Lúc đó, có một đồng chí bên Trung đội bước về phía trước và chào, báo cáo Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì chúng tôi mới biết. Đại tướng liền bắt tay từng người một trong Trung đội, khiến ai ai trong chúng tôi đều càm thấy vinh hạnh lần đầu tiên gặp được Đại tướng, người ân cần gần gũi đến lạ".
Trung đội nữ công binh thép gặp lại Đại tướng năm 2003 |
Trong cuộc trò chuyện, Đại tướng đã hỏi: Các cháu bao nhiêu tuổi? học lớp mấy rồi? rồi bác hỏi chúng tôi ở trong này có thiếu thốn gì không? Lúc ấy tôi mạnh dạn trả lời bác, thưa Bác, ở trong này chúng cháu thiếu quả bồ kết để gội đầu, xà phòng và vải màn dành cho chị em ạ. Bác cười bảo, khi nào Bác ra Bắc, bác sẽ gửi vào cho các cháu.
Thế rồi như lời Đại tướng nói, khoảng 20 ngày sau chúng tôi nhận được 1 bao tải quả bồ kết, 1 súc vải màn và 100 bánh xà phòng ghi rõ là quà gửi Trung đội nữ công binh. Cầm trên tay những phần quà Đại tướng gửi tặng, nhiều đồng chí chúng tôi đã khóc, không ngờ trong lúc mưa bom, bão đạn đất nước còn bộn bề lo toan mà bác vẫn nhớ, vẫn quan tâm sâu sắc đến chúng tôi. Cuộc trờ chuyện chỉ chừng 20 phút. Trước khi chia tay, Đại tướng có bảo “chỉ có những ý trí thép mới có thể trụ lại ở chiến trường khốc liệt này” và Bác đã gọi, đặt tên cho Trung đội nữ công binh chúng tôi là “Trung đội nữ công binh thép”. Cũng từ đó, niềm tự hào, những lời động viên, ân cần thăm hỏi của Đại tướng là niềm động viên lớn lao nhất giúp chúng tôi luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Đến năm 1975, chúng tôi ra quân, trở về địa phương lập gia đình nhưng không giờ phút nào không nhớ tới những kỷ niệm đẹp về vị Đại tướng nặng tình yêu thương.
A-T-P 30 năm sau và ngày gặp lại Đại tướng
Bà Trình cho biết: "Một hôm, vào năm 2002, đang theo dõi Đại hội đại biểu toàn quốc hội cựu chiến binh Việt Nam lần thứ 3. Lúc ấy, tôi thấy Đại tướng nhắn nhủ trên ti vi rằng: “Những ai ở Trung đội nữ công binh thép năm xưa, nếu còn sống thì hãy đến gặp Bác hoặc biên thư cho bác, để bác biết”. Giây phút ấy tôi như rã rời chân tay, chẳng tin vào những gì mình vừa nghe. Không kìm được nước mắt, bởi sau chừng ấy năm, một người phải lo trăm công, nghìn việc như Đại tướng và chỉ gặp chúng tôi chừng 20 phút trò chuyện, nay bác vẫn còn nhớ.
Dòng lưu bút của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ghi tặng ngày gặp lại Trung đội nữ công binh thép |
Và thế rồi ngày 16/7/2003, hơn 10 người chúng tôi đại diện cho Trung đội nữ công binh thép, người đã mất, người còn sống đến gặp Bác. Lúc ấy, bác cháu chúng tôi chỉ biết ôm nhau khóc rồi ôn lại từng khoảng khắc ngày nào được gặp Bác. Sau 30 năm chiến đấu tại trọng điểm A-T-P, chúng tôi một lẫn nữa vinh dự được gặp Đại tướng.
Đại tướng hỏi thăm chúng tôi về cuộ sống, những ai còn sống và đã hy sinh. Phút giây đầy kỷ niệm đó một lần nữa tiếp cho chúng tôi sức mạnh khi đã trở về với cuộc sống đời thường.
Cuộc nói chuyện bỗng ngưng lại khi bà và các đồng đội lại rưng rưng nước mắt nói đến giây phút nghe tin Đại tướng mất. Như nỗi đau không gì tả xiết, chúng tôi hiểu cảm xúc của những nữ công binh thép, họ có thể không rơi nước mắt trước những hy sinh, mất mát trong chiến trường nhưng họ sẽ khóc và còn khóc mãi khi biết Đại tướng ra đi.
Bà Quy xem lại tấm hình đại diện Trung đội chụp hình cùng Đại tướng sau 30 năm gặp lại |
Tiếp cuộc nói chuyện, nữ công binh thép Trần Thị Quy (một trong những nữ công binh của B3C3 - tiểu đoàn 33 - Binh trạm 14 - Đoàn 559) nói: Cuộc đời tôi cũng như những đồng đội còn sống không giây phút nào quên những kỷ niệm được gặp Đại tướng trong chiến trường.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất ân cần, gần gũi mọi người, quan tâm đến đời sống từng đồng chí chúng tôi. Cuộc gặp đầu tiên đó là niềm động viên để chúng tôi, những nữ công binh luôn hoàn thành nhiệm vụ. Và lần gặp thứ 2 (năm 2003) sau 30 năm một lần nữa như tiếp sức chúng tôi sống tốt hơn, vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.
Nay, những nữ công binh thép, người đã hy sinh, người đã gửi lại phần máu thịt, tuổi xuân của mình trở về với đời thường nhưng những kỷ niệm, hồi ức về Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn mãi trong mỗi người./.