Trung tâm âm thanh: "Bà đỡ" cho tác phẩm phát thanh
VOV.VN -Việc Đài TNVN sử dụng công nghệ mới vào sản xuất các chương trình phát thanh đã đem lại những tiến bộ vượt bậc so với công nghệ truyền thống.
Áp dụng hệ thống thiết bị dựa trên công nghệ số, mạng máy tính âm thanh với hệ phần mềm Dalet, Netia vào sản xuất và truyền âm các hệ chương trình phát thanh là một phần quan trọng trong tiến trình số hóa khâu sản xuất chương trình phát thanh của Đài TNVN.
Kỹ sư, KTV của TTÂT sản xuất chương trình phát thanh |
Tăng hiệu quả và chất lượng chương trình
Gần đến ngày kỷ niệm 70 năm Quốc khánh 2/9 và 70 năm ngày thành lập Đài TNVN, Trung tâm Âm thanh (TTÂT) nhộn nhịp. Ngắm nhìn chồng băng cassette xếp ngăn nắp như những ô thuốc bắc, phóng viên Hoàng Lan (VOV1) tủm tỉm: “Thời thu băng cối, chúng tôi phải nghe hàng giờ băng mới cắt trích được 30 giây mình cần. Từ ngày có Dalet, chỉ cần cho file âm thanh vào máy tính “cắt xoẹt” là xong”. Rồi chị hồ hởi: “Nhờ có phầm mềm này, trong quá trình tác nghiệp cũng như quá trình làm phát thanh, phóng viên tránh được nhiều sai sót, tiết kiệm được thời gian. Đặc biệt, những khi tác nghiệp hiện trường, tin bài nóng được kịp thời lên sóng”.
Nhìn lại chặng đường phát triển khi toàn bộ hệ thống dây chuyền thiết bị dựa trên công nghệ âm thanh số với hệ phần mềm Dalet, Netia được đưa vào khai thác thay thế thiết bị cũ, bà Dương Thị Minh Hằng, Giám đốc TTÂT tự hào: Đó là một bước tiến nhanh chóng và vững chắc. Từ công nghệ truyền thống chúng tôi đã chuyển đổi sang dây chuyền sản xuất và truyền âm phát thanh sang công nghệ hiện đại với hệ thống thiết bị số, hệ thống mạng máy tính âm thanh. Hiện Đài đang sử dụng Hệ phần mềm phát thanh Dalet phiên bản 5.1e cho các hệ phát thanh đối nội, hệ phần mềm Netia cho các hệ phát thanh đối ngoại. Đây là quyết định mạnh mẽ của lãnh đạo Đài TNVN. So với công nghệ truyền thống, công nghệ mới đem lại những tiến bộ vượt bậc, thay đổi toàn bộ quy trình công nghệ sản xuất, nhiều tính năng ưu việt, từ ghi âm đến biên tập, dàn dựng sản xuất chương trình, đến lập lịch phát sóng và phát tự động theo lịch đã lập, nâng cao hiệu quả sản xuất, khắc phục nhiều nhược điểm của phát thanh truyền thống.
Tuy nhiên, mỗi lần đổi mới cũng đặt ra nhiều thử thách cho người quản lý và khai thác, đòi hỏi sự nỗ lực và phối hợp chặt chẽ của tất cả đội ngũ làm báo phát thanh có liên quan đến hệ thống như các PV, BTV, KTV, kỹ sư và cả những người làm công tác quản lý.
Nhà báo Đồng Mạnh Hùng, TBT báo TNVN, nhớ lại: “Khi chuyển từ thời băng cối sang mạng máy tính là một cuộc vật lộn đầy gian nan không chỉ với KTV mà cả PV, BTV. Mọi người thấy được lợi ích bởi Dalet có rất nhiều chức năng: nền, nổi, lồng ghép, pha, trộn... Tuy nhiên, thời điểm bấy giờ, đối với những người lớn tuổi đã quá quen với công nghệ truyền thống, chuyển sang sử dụng máy tính phức tạp gặp không ít khó khăn và phải mất một thời gian mới tiếp cận được. Nhưng với những người trẻ như chúng tôi lúc ấy thì quá vui mừng, có thể tiếp cận và chiếm lĩnh được ngay những công nghệ hiện đại đó. Đặc biệt, sản xuất chương trình phát thanh bằng Dalet khiến chúng tôi cảm thấy hứng khởi hơn, những công đoạn được rút ngắn lại.
Tạo ra những “khối óc vàng”
Hiện đại cũng đi cùng với những rủi ro tiềm ẩn đòi hỏi việc sản xuất chương trình trên công nghệ mới, vì vậy đòi hỏi người dùng phải rất cẩn thận bởi chỉ cần bấm nhầm một nút có thể xóa sạch mọi dữ liệu sau giây lát. Thời gian đầu, có những chương trình phát thanh thu xong mất trắng luôn vì không lưu lại. Có ca ê-kíp chương trình khóc dở mếu dở vì mời được khách đến studio thu thanh, nhưng khi khách ra về, nghe lại thì file… trắng xóa.
Nhắc lại kỷ niệm xưa, ông Thiện Như Ngũ - nguyên Tổ trưởng Tổ Pha âm, TTÂT, Đài TNVN, với hơn 40 năm làm kỹ thuật pha âm, phấn chấn: “Khi tiếp cận với kỹ thuật số, thành phẩm làm nhanh và hay hơn rất nhiều. Nhất là kỹ thuật nối câu, nối bài hát, nếu làm thủ công, KTV phải thật sành sỏi mới có thể làm được điều đó. Nhưng có Dalet, chỉ cần nhấn chuột ai cũng có thể làm được, mà không phát hiện ra sự chắp nối và vấp…”. Tuy nhiên, ông Ngũ chia sẻ: “Công nghệ hiện đại vẫn cần sáng tạo, luôn coi sản phẩm như một “mâm cỗ”, phải biết chắt lọc từng loại âm thanh, từng dòng âm nhạc... để làm ra “mâm cỗ” thật ngon”.
Sau hơn 10 năm vận hành hệ thống thiết bị dựa trên công nghệ số và mạng máy tính âm thanh, hiện nay hằng năm TTÂT sản xuất và truyền âm 53.000 giờ tín hiệu phát thanh cho 13 kênh phát thanh, khoảng 3.000 phút tín hiệu tường thuật trực tiếp các sự kiện lớn của đất nước, quản lý giao nhận khoảng 190.000 file tiếng động, tin tức, phóng sự, thu nhạc và thu thanh bên ngoài studio khoảng 11.000 phút tư liệu âm nhạc, sân khấu cho lưu trữ dài hạn.