Trung tâm du học Phan Hi mượn bóng pháp nhân để lừa đảo
VOV.VN - Mặc dù không có tư cách pháp nhân, Trung tâm trợ giúp du học Nhật Bản Phan Hi vẫn đứng ra tuyển sinh, ký hợp đồng lừa đảo khách hàng
Sau khi nhận được đơn thư phản ánh của một số phụ huynh và học sinh về việc Trung tâm trợ giúp du học Phan Hi, địa chỉ A22 PT 1A Khu đô thị Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm Hà Nội do bà Hà Thị Xuân Hương trực tiếp làm việc và nhận tiền làm thủ tục hồ sơ du học Nhật Bản. Nhưng sau đó thông báo các học sinh này đã bị từ chối tư cách lưu trú du học từ phía Cục xuất cảnh Nhật Bản cung cấp vì lý do hồ sơ sai sót.
Trung tâm Phan Hi, địa chỉ A22 PT 1A Khu đô thị Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm. |
Theo nội dung đơn thư của phụ huynh và du học sinh phản ánh, trung tâm của bà Hà Thị Xuân Hương không đủ cơ sở vật chất, thiết bị đáp ứng nhu cầu cho việc lưu học sinh và dịch vụ tư vấn nước ngoài vì trung tâm này chưa có trụ sở cố định, không có nhân viên tư vấn, không có đăng ký con dấu, thiếu hành lang pháp lý về việc lưu học sinh; Cố ý làm trái pháp luật thu tiền cọc của học sinh quá mức quy định, không có giấy tờ liên quan.
Để làm rõ thực hư vấn đề, sáng 4/4, chúng tôi đã có buổi làm việc với bà Hà Thị Xuân Hương tại địa chỉ nói trên, bà Hương khẳng định trung tâm có giấy phép tư vấn du học, giấy phép con. Tuy nhiên, bà Hương chỉ đưa ra cho phóng viên xem Giấy xác nhận doanh nghiệp nộp tiền đặt cọc, ký quỹ của Ngân hàng (Tài khoản kỹ quỹ này được mở để phụ vụ cho việc doanh nghiệp đăng ký hoạt động ngành nghề “Tư vấn du học tự túc”); Giấy phép đăng ký kinh doanh doanh nghiệp. Cả hai giấy này đều mang tên doanh nghiệp Công ty Cổ phần Ha Ta Việt Nam. Chủ tài khoản ông Phan Hồng Thái (SN 1971) chức danh giám đốc doanh nghiệp.
Bà Hương khẳng định: Đây là công ty của chồng bà Hương, là ông Phan Hồng Thái. Nhưng hiện nay, theo lời bà Hương, ông Thái đang công tác bên Nhật Bản nên ngoài những giấy tờ này sẽ không cung cấp thêm một giấy tờ nào nữa. "Các em (PV) để số điện thoại ở đây. Khi nào anh Thái về chị sẽ liên lạc các em đến làm việc sẽ rõ hơn” - bà Hương tìm cách thoái thác với phóng viên.
Theo bà Hương, khi có được giấy phép du học, công ty phải nộp kỹ quỹ số tiền 500 triệu đồng thì “có điên” mới không lấy giấy phép con. Một công ty có quyền mở bao nhiều trung tâm là quyền của giám đốc, nhà nước không cấm. Chồng bà Hương. Kể cả mở lớp học tiếng nước ngoài thì cũng rất đơn giản chỉ cần báo với chính quyền phường là xong không có gì sai.
Khi PV đặt câu hỏi về những khoản thu của học sinh và trường hợp của 12 học sinh bị thông báo trượt lưu trú, bà Hương nói: “Vì đây là du học tự túc nên học sinh phải tự lo kinh phí. Việc đi du học ai cũng hiểu là phải làm hồ sơ thì những khoản tiền đấy học sinh phải nộp vào để chị làm cho chúng nó (học sinh)".
Ví dụ, bà Hương giải thích thêm, "tiếng chúng nó không đủ chị phải xin cho chúng nó một cái chứng chỉ tiếng thì đương nhiên phải bỏ kinh phí. Trên thực tế, những nhân vật ấy (12 học sinh) hiện đều đã có giấy báo đỗ, giấy đã được tuyển. Vì một lý do A, B, C gì đấy mà nói thẳng ra gia đình chúng nó làm trò. Em có tin không chị lên lấy giấy báo đỗ của trường cho em xem. Các em chỉ cần biết đến thế nếu chúng nó muốn tiếp tục thế nào chị lại cung cấp cho các em tiếp”.
Mặc dù khẳng định tất cả số học sinh trên đều có giấy báo đỗ và đang giữ giấy báo nhưng bà Hương không cung cấp cho báo chí mà hẹn khi chồng về thì sẽ tiếp tục làm việc.
Bà Hương cũng khẳng định ở trung tâm Phan Hi chỉ trợ giúp du học cho các em và Trung tâm chỉ thu những khoản phụ để làm hồ sơ như chứng thực bằng, chứng minh tài chính, chứng chỉ tiếng... Các em tình nguyện đến trung tâm để được trợ giúp nên ngoài khoản phí làm hồ sơ trung tâm chưa thu bất kỳ khoản tiền công nào khác. “Do hoàn toàn chỉ làm trợ giúp không tư vấn nên trung tâm không có hóa đơn thu tiền làm hồ sơ”, bà Hương nói.
Trung tâm Phan Hi có biểu hiện làm trái, lừa đảo
Tại buổi làm việc tiếp theo với đại diện Công ty cổ phần Ha Ta ngày 8/4, bà Bùi Kim Thành xác nhận ông Phan Hồng Thái là giám đốc của Công ty Cổ phần Ha Ta nhưng không liên quan gì đến Phan Hi, không có chương trình hợp tác với Phan Hi. “Tôi là người cầm con dấu, giấy phép kinh doanh bởi tôi là người bỏ tiền đầu tư vào Ha Ta”, bà Thành nói.
Theo bà Thành, công ty Ha Ta có mở chi nhánh nhưng các cơ sở được mở đều có quyết định bổ nhiệm và thông qua cổ đông của công ty chứ không tự một cá nhân quyết định được. “Chúng tôi không có quyết định bổ nhiệm với Phan Hi, không có giao thoa hợp tác đào tạo tư vấn với trung tâm này”, bà Thành nói.
Đồng thời bà Bùi Kim Thành tỏ ra khá ngạc nhiên trước thông tin bà Hà Thị Xuân Hương và ông Phan Hồng Thái là vợ chồng. Bà Thành khẳng định họ chỉ "cặp bồ" chứ hoàn toàn không phải là vợ chồng như bà Hương nói.
Phía Trung tâm Phan Hi không có chức năng tư vấn nhưng bà Hà Thị Xuân Hương tự đứng ra ký hợp đồng du học, nhận tiền của phụ huynh học sinh là hành vi cố ý làm trái, lừa đảo.
Hợp đồng du học và làm việc tại Nhật Bản được bà Hà Thị Xuân Hương ký với khách hàng. |
Vấn đề dư luận đặt ra là Trung tâm Phan Hi không hề có tư cách pháp nhân trong lĩnh vực tư vấn du học nhưng bà Hà Thị Xuân Hương vẫn có thể tuyển sinh bởi trong tay có “lệnh bài” là: Giấy đăng ký kinh doanh doanh nghiệp; Giấy xác nhận doanh nghiệp nộp tiền đặt cọc, kỹ quỹ đều đứng tên Công ty cổ phần Ha Ta do ông Phan Hồng Thái làm giám đốc. Nếu không có liên quan tới Ha Ta thì tại sao Trung tâm Phan Hi lại có trong tay những giấy tờ trên để tuyển sinh. Vai trò của ông Thái trong mối quan hệ giữa Ha Ta và Phan Hi hay bà Hương chỉ lợi dụng núp bóng “chồng” giám đốc Phạm Hồng Thái để làm trái pháp luật?
Vụ việc đang gây bức xúc trong giới phụ huynh và học sinh có nhu cầu muốn du học, làm ảnh hưởng đến uy tín các trung tâm tư vấn du học nghiêm túc. Rất cần các cơ quan chức năng sớm vào cuộc làm rõ vụ việc.
Báo điện tử VOV sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc./.