Trung tướng Phạm Tuân kể về những ngày đánh B-52 trên bầu trời Hà Nội
VOV.VN - Trung tướng Phạm Tuân kể về những ngày đánh B-52 trên bầu trời Hà Nội tháng 12/1972 làm nên chiến thắng ghi dấu ấn lịch sử.
Cách đây 44 năm, chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã để lại những dấu ấn đậm nét trong lịch sử hào hùng của Không quân nhân dân Việt Nam với nhiều trận đánh huyền thoại của những phi công có khả năng chiến đấu sáng tạo và bản lĩnh phi thường. Trung tướng Phạm Tuân, người vinh dự ba lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng, cũng là một trong những phi công của Đại đội 5 ngày đó.
Phóng viên VOV hỏi chuyện Trung tướng Phạm Tuân về những ngày đánh và thắng B-52 trên bầu trời Hà Nội tháng 12/1972.
PV: Thưa Trung tướng Phạm Tuân, nhà sử học người Mỹ, giáo sư Greenwood trong cuốn sách The America war in Viet Nam bình luận là kết quả những trận đánh B52 trước tháng 12/1972 đã làm mê hoặc các nhà vạch kế hoạch của Mỹ. Vậy khi quyết định dùng B52 đánh phá Hà Nội, Hải Phòng, Chính quyền Nixon đã đánh giá thế nào về khả năng của Miền Bắc Việt Nam, nhất là lực lượng Phòng không- Không quân. Thực chất so sánh lực lượng giữa ta và địch lúc này như thế nào?
Trung tướng Phạm Tuân: Mỹ bắt đầu đánh phá ra Miền Bắc từ năm 1964, suốt quá trình dùng B52 đánh ra Miền Bắc thì chúng ta đã trải qua nhiều cấp độ của cuộc chiến tranh. Từ chiến tranh hạn chế, leo thang, tổng lực, nhưng đến chiến dịch đánh B52 là tổng thể nhất và đây cũng là đỉnh cao của cuộc chiến tranh phá hoại ra Miền Bắc của chúng ta.
Nói là Mỹ chủ quan khi đánh vào Hà Nội, Hải Phòng là không phải. Mỹ đã thử leo thang bằng B52 ở các cấp độ khác nhau. Đầu tiên đánh ở Miền Trung như: Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa và đến tháng 4/1972 thì đánh vào Hải Phòng.
Trận đánh vào Hải Phòng có lẽ đấy là một trận thử sức của Mỹ để thăm dò toàn diện nhất khả năng phòng không của chúng ta chống trả với B52. Chính vì Hải Phòng chúng ta có cách đánh chưa thật tốt, nên phần nào Mỹ tin vào khả năng tác chiến vào Miền Bắc của mình.
Trung tướng Phạm Tuân |
Tôi từng gặp phi công B52 ở trong Hỏa Lò và đã hỏi ông ta rằng: “Khi ông bay vào Hà Nội, ông suy nghĩ gì?” Ông ta trả lời tôi rằng: “Lúc đó, chúng tôi biết hết hệ thống phòng không của các ông như thế nào? Rãnh gây nhiễu ra làm sao? Không quân của các ông có bao nhiêu? Ở các sân bay như thế nào?... Chúng tôi đã có tất cả các phương án đè bẹp Phòng không- Không quân của các ông. Nên chúng tôi tin tưởng bay vào và bay ra”.
Sau đó, tôi có hỏi “Ông ngồi trong Hỏa Lò, ông suy nghĩ gì?”. Lúc bây giờ, phi công mới nói “Đó mới là bất ngờ mà chúng tôi phải trả giá”. Thế cho nên tôi mới nói “Khi mà chuẩn bị chiến tranh Mỹ hùng hổ lắm. Mỹ tin vào khả năng của mình, chứ không chủ quan. Mỹ biết được lực lượng của mình thế nào, bố trí ra sao. Và qua cuộc leo thang của nó đã làm được. Rõ ràng là như vậy.
PV: Về phía ta cũng như sự tiên đoán của Chủ tịch Hồ Chí Minh, rõ ràng ta đã ở thế rất chủ động. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, so sánh lực lượng vào thời điểm trước 12 ngày đêm trên không là không cân xứng. Trung tướng có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
Trung tướng Phạm Tuân: Phải nói rằng, chiến thắng đánh B52 của chúng ta, cốt lõi là chúng ta đánh giá đúng địch và ta. Mà đánh giá đúng ở đây không chỉ là lực lượng của Mỹ, mà cả âm mưu. Bác Hồ đã chỉ ra là Mỹ thế nào cũng thua, nhưng chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội. Và Bác đã chỉ ra “Thế nào rồi Mỹ cũng phải dùng B52 đánh ra Hà Nội”.
Chính vì đã nhìn ra trông rộng như vậy, nên trong nghệ thuật chiến dịch, nghệ thuật tác chiến của chúng ta đều lồng ghép tất cả vào đấy và đều chứa đựng nội dung chúng ta phải đánh bằng được B52 trên bầu trời Hà Nội. Đó là tư tưởng chỉ đạo cốt lõi và có điểm nhấn để chúng ta có chiến thắng sau này. Nhưng phải nói rằng: So sánh về lực lượng, lực lượng tổng thể của chúng ta thì không thể, nhưng về mặt binh, kỹ thuật, đứng về mặt không quân thì chúng ta kém Mỹ.
Thế nhưng, chúng ta thắng được là vì sao? Đó là sức mạnh tổng hợp của chúng ta. Đầu tiên là: Con người Việt Nam chúng ta chiến đấu trên đất nước của mình, bảo vệ bầu trời của mình với tinh thần “Không có gì quý hơn Độc lập- Tự do. Đấy là niềm tin sắt đá, niềm tin chiến thắng, tạo tiền đề cho mọi thứ sau này.
Có niềm tin đó rồi, chúng ta mới đi vào huấn luyện, học tập, cải tiến, xây dựng nghệ thuật, chiến thuật tác chiến. Địch vào tầm thấp, chúng ta có pháo tầm thấp. Địch vào tầm trung có tên lửa. Tầm cao có máy bay. Thế trận lòng dân lớn như vậy. Chúng ta có sức mạnh tổng hợp nên chúng ta chiến thắng được.
PV: Thưa Trung tướng, như vậy rõ ràng với sự chuẩn bị chu đáo, cho nên ngay ngày đầu tiên Mỹ mở chiến dịch Linebacker II, ta đã tiêu diệt được máy bay B52 của địch. Qua đó đã khẳng định được ý chí, bản lĩnh của quân và dân ta. Tuy nhiên, được biết trong khoảng 10 ngày đầu tiên lực lượng Không quân gặp rất nhiều thách thức, khó khăn. Trung tướng có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
Trung tướng Phạm Tuân: Phải nói là những ngày đầu của chiến dịch B52 đánh vào Hà Nội thì Không quân hết sức khó khăn. Như tôi nói ở trên là địch chủ động tấn công mình trước. Nó đánh vào tất cả các sân bay, sở chỉ huy, trạm rada, Mỹ đón mình từ lúc mình cất cánh, chặn mình trên đường đi, đặc biệt là hệ thống nhiễu của Mỹ thì cực kỳ dầy đặc.
Tuy chúng ta tập luyện miệt mài, gian nan, nhưng phương tiện hạn chế nên gặp khó khăn. Tôi là người đầu tiên gặp B52. Tuy nhiên, quân Mỹ, ngay trước đó, chứ không phải đến chiến dịch, rất sợ Không quân của ta.
Không quân của ta tính cơ động rất cao, có thể lúc này ở chỗ này, lúc sau lại ở chỗ khác. Khi không quân đã có mặt ở trên trời địch phải đối phó. Thứ nhất, nếu ở gần thì địch phải tản ra để chạy. Chạy như thế trường rada không bảo vệ mục tiêu B52, lúc đó sẽ lộ rõ mục tiêu B52. Điều thứ hai là khi muốn vào mục tiêu mà bị đuổi ra đằng sau thì phải cơ động.
Mục tiêu của Mỹ là đánh thẳng vào Hà Nội nhưng không đánh được vào Hà Nội coi như là ta thắng. Đó là hai yếu tố quan trọng. Một mặt là cơ động tản nhiễu rada địch để cho Phòng không đánh tốt hơn. Thứ hai là ta làm giãn đội hình của để địch không đánh trúng mục tiêu. Không quân thời điểm đó khó khăn như vậy, nhưng chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ.
PV: Như lúc đầu Trung tướng nói, so sánh lực lượng về vũ khí, trang bị của ta thì kém hơn so với Mỹ. Thế nhưng cuối cùng chúng ta cũng dành thắng lợi! Vậy Trung tướng có thể cho biết, yếu tố quyết định đến thắng lợi đó là yếu tố nào?
Trung tướng Phạm Tuân: Tôi nói ở đây, ta có phần nào kém. Đó là vũ khí, trang bị của không quân. Nhưng chúng ta đã thắng, thì thể hiện rõ ràng, chúng ta mạnh hơn nên chúng ta thắng. Quy luật của chiến tranh “Mạnh thắng, kém thua”. Tất nhiên, mạnh ở đây là chúng ta mạnh toàn diện, mạnh tổng hợp.
Ở đây, tôi muốn nói, ngay từ đầu tiên chúng ta đã phải xác định đối tượng tác chiến của chúng ta như thế nào? Từ đó, chúng ta xây dựng bản lĩnh chính trị cho bộ đội của chúng ta. Cái đó hết sức quan trọng. Bản lĩnh chính trị gồm hai vấn đề lớn. Thứ Nhất là ý chí quyết tâm. Nghĩa là phải quyết định: Gian khổ đến mấy cũng phải đánh. Nhưng ý chí chưa phải là đủ mà phải nắm vững Khoa học kỹ thuật. Hai cái này nó mới xây dựng nên bản lĩnh của Quân đội ta lúc đó.
Cùng với đó, là phải làm tốt công tác huấn luyện cho Bộ đội. Huấn luyện càng gian khổ bao nhiêu, thì vào trong cuộc chiến càng thuận lợi bấy nhiêu. Cuối cùng là hợp đồng tác chiến, tất cả các thành phần. Phi công là mũi nhọn chiến đấu, bắn rơi máy bay, nhưng nếu không có mặt đất, không có dẫn đường, không có tất cả mọi thứ thì không làm được.
Nghĩa là sự phối hợp, sự hợp đồng, đoàn kết tác chiến giữa tất cả các thành phần. Đó là các yếu tố tạo nên sức mạnh tổng hợp, đó là điều xây dựng niềm tin cho chúng ta, niềm tin lẫn nhau. Đó cũng chính là động cơ thôi thúc mọi người chiến đấu, mình vì mọi người làm nên chiến thắng.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Trung tướng!/.
Hà Nội 60 ngày đêm khói lửa: Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh
Những di tích gắn liền với cuộc kháng chiến chống Pháp ở Hà Nội