Trường CĐ Phát thanh- Truyền hình I vững bước đi lên
(VOV)- Với truyền thống 55 năm và quyết tâm đổi mới, sáng tạo, Trường Cao đẳng PT-TH I sẽ vững bước đi lên trên con đường hội nhập.
Sau Hiệp định Geneve năm 1954 về Đông Dương được ký kết, cùng với các bộ, ngành Trung ương, Đài Tiếng nói Việt Nam từ chiến khu Việt Bắc về tiếp quản Đài Phát thanh của chế độ cũ ở trụ sở 56-58 Quán Sứ- Hà Nội.
Để kịp thời có đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật quản lý và khai thác các thiết bị chuyên dùng cho Phát thanh, lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam đã tổ chức các lớp công nhân kỹ thuật vô tuyến điện tử đầu tiên của ngành Phát thanh vào năm 1957.
Đây vừa là sự quan tâm có ý nghĩa hết sức quan trọng vừa là tầm nhìn xa của Đảng và Nhà nước ta đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp Phát thanh của nước nhà. Trường đạo tạo ngành Phát thanh- sau này là Trường Cao đẳng Phát thanh- Truyền hình I đã ra đời như thế.
Nhà trường trao phần thưởng cho tân sinh viên đạt điểm thi cao tại Lễ khai giảng năm học 2012-2013 |
Hơn nửa thế kỷ xây dựng và phát triển của trường Cao đẳng Phát thanh- Truyền hình I gắn liền với những giai đoạn lịch sử hào hùng của đất nước và của ngành Phát thanh- Truyền hình.
Trước năm 1975, Nhà trường tập trung cho nhiệm vụ đào tạo ngắn hạn, cung cấp kịp thời hàng nghìn cán bộ kỹ thuật cho các đài phát thanh mới được xây dựng cũng như các đơn vị kỹ thuật của ngành bưu điện. Những năm chống chiến tranh phá hoại, mặc dù phải sơ tán nhiều lần, hoạt động trong những điều kiện hết sức khó khăn về nguồn lực, về cơ sở vật chất song Nhà trường vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Từ năm 1975 đến 1990, Nhà trường đã mở thêm các khóa đào tạo công nhân kỹ thuật hệ 3 năm và bồi dưỡng nâng cao cho cán bộ các đài địa phương, đài cơ sở. Bước sang giai đoạn của thời kỳ đổi mới, Trường Cao đẳng Phát thanh- Truyền hình I mở rộng quy mô với nhiều hình thức đào tạo, liên kết tại các địa phương. Đặc biệt, từ khi được nâng cấp lên hệ Cao đẳng vào năm 2003, trường Cao đẳng Phát thanh- Truyền hình I ngày càng mở rộng cả về quy mô và hình thức đào tạo với nhiều hệ, chuyên ngành phong phú.
Thấy rõ tầm quan trọng của công tác đào tạo, lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam đã không ngừng tập trung đầu tư về con người, cơ sở vật chất kỹ thuật cho nhà trường. Chỉ tính từ năm 2003 đến nay, Đài Tiếng nói Việt Nam đã đầu tư cho khu giảng đường, khu học tập với các trang thiết bị hiện đại, đồng bộ. Hiện nay Nhà trường đã có một cơ ngơi khang trang, bề thế đáp ứng tốt yêu cầu đào tạo các ngành học.
Bên cạnh sự đầu tư về cơ sở vật chất, lãnh đạo Đài cũng luôn chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cho hàng trăm lượt cán bộ, giảng viên của Nhà trường đi học tập và tham gia các khóa học nâng cao trình độ ở trong nước, ngoài nước. Nhiều chuyên gia, nhà báo giỏi của ngành phát thanh đã được lãnh đạo Đài tạo điều kiện tham gia giảng dạy tại Trường.
Cùng với sự nghiệp đổi mới của đất nước, nền giáo dục nước ta cũng đang trên con đường đổi mới để có thể vừa hội nhập vừa thích ứng với cơ chế chính sách của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Điều kiện dễ nhận thấy là ngày nay, truyền thông đại chúng mà đặc biệt là Phát thanh – Truyền hình đang có sự phát triển cực kỳ mạnh mẽ, tiếp tục khẳng định vị trí đặc biệt trong xã hội. Sự phát triển này dựa trên ba nền tảng chính là: xu hướng của quá trình toàn cầu hóa, sự phát triển của khoa học công nghệ và nhu cầu được đáp ứng thông tin của con người ngày càng cao. Sự phát triển mạnh mẽ của ngành Phát thanh – Truyền hình Việt Nam nói chung và của Đài Tiếng nói Việt Nam nói riêng cũng không nằm ngoài xu thế này. Nói như vậy để thấy nhiệm vụ của trường Cao đẳng Phát thanh – Truyền hình I trong thời gian tới là hết sức nặng nề. Để hoàn thành tốt trọng trách đó, đáp ứng tình hình và yêu cầu mới, Nhà trường cần tiếp tục làm tốt hơn nữa một số nội dung sau:
Thứ nhất là, tiếp tục đổi mới về mô hình đào tạo. Ngay từ bây giờ Nhà trường cần chú trọng tập trung xây dựng nguồn lực về con người và cơ sở vật chất đảm bảo cả về số lượng và chất lượng để đến năm 2020 sẽ là trường đượng nâng cấp ở quy mô, tầm vóc cao hơn đủ điều kiện để đào tạo đội ngũ kỹ sư thực hành theo phương châm: Học đi đôi với hành, nhà trường gắn liền với xã hội; học viên tốt nghiệp có trình độ và kỹ năng thực hành giỏi, có chuyên môn và bản lĩnh chính trị, nghề nghiệp vững vằng.
Hai là, nâng cao chất lượng đào tạo “dạy tốt” và “học tốt”. Chỉ khi chất lượng đào tạo và sản phẩm “đầu ra” có giá trị cao thì đấy mới là chữ “tín” của Nhà trường với xã hội. Hơn ai hết, từng thầy giáo, cô giáo phải là những người đi đầu, những tấm gương tốt cho học sinh, sinh viên trong nghiên cứu khoa học, rèn luyện nâng cao tay nghề. Đội ngũ giảng viên cần bám sát sự phát triển của ngành và của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Nhà trường cần phải có kế hoạch và lộ trình để xây dựng đội ngũ giáo viên cơ hữu đủ về số lượng, mạnh về kiến thức làm nền tảng vững chắc cho công tác đào tạo lâu dài. Trong 5 năm tới, phấn đấu Nhà trường có 2/3 giảng viên có trình độ thạc sỹ và tiến sỹ. Đài Tiếng nói Việt Nam đã có lịch sử 67 năm, hiện đang có đội ngũ phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên chuyên nghiệp, giàu kinh nghiệm, có trình độ cao và các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật, thiết bị hiện đại, đồng bộ. Do đó Nhà trường cần hợp tác để phục vụ cho công tác đào tạo, đây sẽ là môi trường sinh động và hữu hiệu cho quá trình đào tạo – thực hành của học sinh – sinh viên.
Ba là, xây dựng tập thể Nhà trường luôn đoàn kết, sang tạo, kỷ cương; đổi mới mạnh mẽ phương thức giảng dạy; xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, than thiện trên cơ sở phát huy tinh thần dân chủ, ý thức tự giác của mỗi cán bộ, giảng viên, nhân viên và học sinh, sinh viên kết hợp với việc tang cường hiệu lực quản lý nhà nước trong các lĩnh vực hoạt động của nhà trường.
Bốn là, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của Lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam; đồng thời giữ vững mối quan hệ mật thiết với cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương. Tăng cường hợp tác với các tổ chức, cơ quan trong và ngoài nước, với các ngành, các cấp nhằm tạo điều kiện để Nhà trường phát triển theo xu hướng vừa hội nhập, vừa hợp tác.
55 năm qua Trường Cao đằng Phát thanh – Truyền hình I đã nỗ lực phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, thử thách để đào tạo, bồi dưỡng và cung cấp cho ngành Phát thanh – Truyền hình, các ngành kỹ thuật và xã hội và hơn 20.000 học viên tốt nghiệp trong đó có trên 6.000 học viên hệ trung cấp, 7.500 học viên hệ cao đẳng. Đánh giá cao những thành tích đạt được, Đảng, Nhà nước đã trao tặng nhiều phần thưởng cao quý cho Nhà trường như: Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba và nhiều phần thưởng khác cho tập thể, cá nhân Nhà trường.
Quá trình xây dựng và phát triển của Trường Cao đẳng Phát thanh – Truyền hình I là quá trình liên tục phát huy nội lực của nhiều thế hệ cán bộ, giảng viên, nhân viên và học sinh, sinh viên nhà trường. Các chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng “coi giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu” và “đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển”; sự quan tâm của Bộ Giáo dục và Đào tạo; sự chỉ đạo trực tiếp của Lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam; sự giúp đỡ, hỗ trợ của các Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh Hà Nam chính là kim chỉ nam, là động lực khích lệ Trường Cao đẳng Phát thanh – Truyền hình I phát triển, để có dược cơ ngơi, vị thế như ngày hôm nay. Tin tưởng rằng, với truyền thống tốt đẹp của 55 năm qua và sự quyết tâm đổi mới, sáng tạo, Trường Cao đẳng Phát thanh – Truyền hình I sẽ vững bước đi lên trên con đường hội nhập./.
Nguyễn Đăng Tiến
Tổng Giám đốc Đài TNVN