Trường học lúng túng trong giảng dạy phòng chống tham nhũng
VOV.VN -Nhiều giáo viên lo ngại chưa hiểu kỹ về pháp luật cũng như lúng túng khi chọn ví dụ minh họa.
Sáng 3/4, Bộ GD-ĐT tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 12/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc đưa nội dung phòng, chống tham nhũng (PCTN) cho các Sở GD-ĐT, trường THPT năm 2014.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, để hướng triển khai Chỉ thị trên, Bộ hướng dẫn các Sở GD-ĐT, trường THPT thực hiện nội dung chương trình PCTN theo hướng tích hợp, lồng ghép vào môn học Giáo dục công dân với thời lượng là 6 tiết (được phân bổ trong 3 năm học từ lớp 10 đến lớp 12).
Đối với trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), nội dung PCTN được giảng dạy 4 tiết trong môn học Pháp luật TCCN với tổng số tiết của chương trình không thay đổi, trong đó đã chuyển 4 tiết tự chọn (trong số 6 tiết tự chọn) thành 4 tiết bắt buộc và được bổ sung vào phần kiến thức bắt buộc 2 bài học về PCTN của chương trình môn học này.
Tài liệu giảng dạy về PCTN của từng cấp học do Bộ GD-ĐT chỉ đạo biên soạn. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tiến hành biên tập, xuất bản đảm bảo chất lượng. Tài liệu giảng dạy về PCTN dùng cho các cấp học và các nội dung liên quan được đăng tải trên trang thông tin của Bộ GD-ĐT.
Tuy nhiên, việc được nội dung PCTN vào chương trình giáo dục ở bậc THPT là nội dung mới nên nhiều trường còn lúng túng trong giảng dạy, hướng dẫn học sinh hiểu kỹ được vấn đề.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM cho rằng, theo khảo sát của địa phương, nhiều trường THPT bày tỏ lo ngại đối với việc chọn lọc tư liệu, lấy ví dụ những vụ việc tham nhũng trong đời sống kinh tế-xã hội để phục vụ giảng dạy cho học sinh. Bởi nếu không chọn lọc kỹ tư liệu, sự kiện để giảng dạy thì sẽ khiến cho học sinh hoang mang, lo lắng đối với tình hình tham nhũng của đất nước.
Để giúp cho việc giảng dạy nội dung PCTN được hiệu quả, ông Nguyễn Tiến Đạt đề nghị trong lộ trình cải cách sách giáo khoa THPT sau năm 2015, Bộ GD-ĐT cần có những bài giảng về nội dung này PCTN một cách cụ thể, rõ ràng, cũng như đưa ra tư liệu, ví dụ điển hình về những vụ việc tham nhũng đã được xử lý nghiêm để học sinh không hoang mang, lo lắng nhưng việc giảng dạy nội dung này vẫn đạt hiệu quả cao nhất.
Xung quanh nội dung chương trình giảng dạy PCTN, cô giáo Nguyễn Thị Phương Thảo, trường THPT Ba Vì, Hà Nội nêu ý kiến, một số bài học trong sách giáo khoa môn Giáo dục công dân nên được giảm tải và thay vào đó là nội dung dạy PCTN.
Bên cạnh yêu cầu về nội dung sách giáo khoa, cô giáo Nguyễn Thị Kim Nhung, trường THPT Thăng Long, Hà Nội cho rằng, hiện nay, nhiều giảng viên dạy môn Giáo dục công dân chưa có kiến thức nền về pháp luật nên gặp khó khăn truyền tải kiến thức pháp luật trong giảng dạy PCTN cho học sinh. Vì thế, trong những đợt tập huấn về nội dung PCTN, Sở GD-ĐT ở các địa phương nên lưu tâm đến bổ sung kiến thức pháp luật cho giáo viên./.