Trường nghề muốn tồn tại phải được nâng cấp đáp ứng nhu cầu người học
VOV.VN - TP.HCM hiện có hơn 370 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, các cơ sở này đã tuyển sinh được hơn 150.000 học viên, đạt hơn 50% kế hoạch. Tuy vậy, các cơ sở đào tạo nghề hiện nay vẫn còn gặp khó khăn, nhất là về thiết bị, cơ sở vật chất trong thực hành.
Xu hướng học nghề gia tăng
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM, năm 2022 có hơn 370.000 người tham gia học nghề, trong đó trình độ cao đẳng là hơn 177.000 người học, còn lại là trung cấp và sơ cấp đào tạo thường xuyên. Tỷ lệ học sinh lựa chọn học nghề cũng cao so với năm 2020 với các ngành được lựa chọn nhiều là: Cơ khí, Điện tử- Công nghệ thông tin, Chế biến tinh lương thực thực phẩm, Hóa dược - Cao su.
Ca Lê Thắng, sinh viên năm 2 trường Cao đẳng công nghệ Thủ Đức cho biết, Thắng lựa chọn học cao đẳng ngay từ khi tốt nghiệp cấp 3, ngành công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hoá. Thắng nhận thấy đây là ngành có khả năng phát triển trong tương lai, thời gian thực hành cũng chiếm phần lớn thời gian học nên đây cũng là ưu điểm để lựa chọn ngành.
“Em chọn hệ cao đẳng bởi học hệ này sẽ giúp cho em có tay nghề tốt hơn so với đại học và cũng phù hợp với mong muốn của em, nên em chọn hệ này”, Thắng nói.
Ông Phạm Quang Tuấn, Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức cho biết, những năm gần đây, xu hướng chọn học nghề có tăng nhẹ. Năm 2023, chỉ tiêu tuyển sinh của trường là hơn 3.800 và đã tuyển sinh vượt 8%. Lĩnh vực kỹ thuật công nghệ, kỹ thuật ô tô, logistics, thiết kế đồ hoạ, Marketing được rất nhiều thí sinh lựa chọn.
“Việc đạt được chỉ tiêu tuyển sinh mà nhà trường đặt ra chứng minh được xu hướng chọn trường, chọn ngành nghề của thí sinh, phụ huynh cũng có sự thay đổi”, ông Phạm Quang Tuấn cho biết.
Thiết bị đóng vai trò quan trọng trong đào tạo nghề
Khó khăn chung hiện nay khi tuyển sinh vào các trường nghề là phụ huynh, học sinh vẫn còn tâm lý phải học đại học. Ngoài ra, các em vẫn chưa có định hướng rõ ràng về nghề nghiệp sau này, có phần do công tác hướng nghiệp từ sớm chưa thực hiện hiệu quả.
Khó khăn tiếp theo có thể kể đến là trang thiết bị phục vụ cho việc thực hành của các trường nghề. Trong quá trình đào tạo tại các trường nghề, thời gian thực hành chiếm từ 50 - 70% nhưng đầu tư về cơ sở vật chất không phải lúc nào cũng theo kịp sự phát triển của công nghệ và nhu cầu của doanh nghiệp.
Ông Đặng Văn Đại, Hiệu trưởng Trường trung cấp Đông Sài Gòn cho rằng: “Trong đào tạo nghề, thiết bị rất quan trọng, đóng góp rất lớn đến công tác đào tạo về tay nghề cho học sinh. Tuy nhiên, trường nghề lại không thể đáp ứng thiết bị phù hợp với thị trường lao động”.
Ông Nguyễn Minh Chương, Trưởng Khoa Công nghệ tự động, trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức cũng cho biết, hiện tại, các thiết bị phục vụ cho việc thực hành của sinh viên trong khoa mặc dù đáp ứng đủ số lượng nhưng chất lượng lại chưa thực sự đồng đều. Ví dụ, ngành tự động hoá và cơ điện tử là một ngành rất hiện đại và thay đổi hàng năm, do đó phải thường xuyên cập nhật. Thế nhưng những thiết bị này không phải dễ dàng mua được vì cơ chế cũng như kinh phí đầu tư rất lớn.
“Các em học ngành kỹ thuật đòi hỏi trang thiết bị hỗ trợ cho việc thực hành rất quan trọng, cho nên khoa cũng có đề xuất làm sao để trang bị thêm, ví dụ như có nhà tài trợ hoặc chính sách để đầu tư trang thiết bị”, ông Nguyễn Minh Chương cho biết thêm.
Hiện nay, không ít doanh nghiệp đã hợp tác với các trường nghề để hỗ trợ công tác đào tạo cũng như việc làm. Thế nhưng để để nhà trường và doanh nghiệp gắn bó chặt chẽ hơn nữa, đáp ứng nhu cầu thực tế thì vẫn cần thêm sự hỗ trợ từ nhiều phía.
Ông Phạm Quang Tuấn, Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức đề xuất: “Rất mong có những chính sách hỗ trợ để các doanh nghiệp có quyền lợi trong quá trình phối hợp đào tạo. Ví dụ khuyến khích thông qua giảm thuế, chính sách khác để họ có khả năng tham gia hỗ trợ với nhà trường trong quá trình đào tạo thực tế cho sinh viên”.
Theo đánh giá của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM, người tốt nghiệp trường nghề có kiến thức chuyên môn, trình độ kỹ năng nghề ngày càng tiệm cận thực tế sản xuất, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Do đó để người học thích ứng với sự thay đổi nhanh của khoa học công nghệ thì cùng với nâng cao chất lượng đội ngũ giảng dạy, cần đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và tổ chức lại cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, hiệu quả hơn.