Trường Sa, dấu xưa đất Phật

Không chỉ có cát trắng và san hô, sừng sững giữa muôn trùng sóng gió Trường Sa là những công trình dân dụng, đặc biệt còn có cả những ngôi chùa

Đặt chân lên đảo Song Tử Tây, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa sau 3 ngày lênh đênh trên biển, chúng tôi ai nấy đều mệt mỏi vì say sóng. Nhưng khi nghe tiếng chuông chùa văng vẳng vang lên rồi tan dần trong không gian tĩnh mịch, mọi mệt mỏi bỗng chốc tan biến. Bất kỳ ai cũng cảm thấy lòng an nhiên, tự tại như đang đứng trước một ngôi chùa trên đất liền. Chúng tôi vào chùa để cầu cho chuyến đi thuận buồm xuôi gió.

Chùa trên Trường Sa lớn (Ảnh: Ngọc Thành)

Chùa xây dựng theo kiến trúc truyền thống, ba gian hai trái, tường đỏ, mái đỏ cong cong với những đầu đao, Chùa Song Tử Tây uy nghi, trầm mặc là ngôi chùa lớn nhất ở Trường Sa. Khuôn viên chùa có cả một vườn cây xanh tỏa bóng mát. Không phải nhãn, cũng chẳng phải hồng xiêm, hay mít như các chùa ở trên đất liền, ở đây chỉ có bàng vuông và phong ba đang mùa nở hoa thơm mát quyện lẫn với hương trầm nồng ấm, tạo nên một mùi hương đặc trưng, chỉ có trong những ngôi chùa ở Trường Sa. Chùa có ban thờ các anh hùng liệt sĩ. Những hoành phi, câu đối được sơn son thếp vàng ghi bằng chữ quốc ngữ, vừa nói lên sức cảm hóa to lớn của đạo Phật, vừa khẳng định được chủ quyền của ta đã có tự ngàn xưa trên mảnh đất nơi tiền tiêu hải đảo.

“Mây lành che đông hải, một trời cam lộ tưới Trường Sa.

Thắng tích ánh đảo xa, vạn cổ danh lam truyền Song Tử”.

Vẫn biết ở đâu có con dân đất Việt, ở đó có đền, chùa vì đó là tín ngưỡng bao đời của ông cha, nhưng trước cảnh chùa chiền thân thuộc ở một nơi xa đất liền hàng trăm dặm sóng nước, các nhà tu hành cũng không khỏi trào dâng niềm xúc động. Đại đức Thích Giác Vũ, Phó trụ trì chùa Vọng Cung, TP.Nam Định bày tỏ sự cảm mến những phật tử đã công quả góp sức trùng tu những ngôi chùa u tịch mà uy nghi nơi trùng trùng sóng gió biển Đông: “Những ngôi chùa được xây dựng trên đất liền đã là khó khăn rồi. Nên chúng tôi rất bất ngờ khi trên đảo Trường Sa, giữa bốn bề là sóng biển cũng có những ngôi chùa như thế. Quả là một sự kỳ công, tốn rất nhiều công sức, mồ hôi của các cán bộ chiến sĩ và nhân dân trên đảo. Đây là chỗ dựa về tinh thần cho mọi người hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn”.

Ngoài Song Tử Tây, ở Trường Sa còn có chùa trên đảo Sinh Tồn và Trường Sa Lớn. Đi chùa để cầu may, cầu cho mưa thuận gió hòa, đất nước hưởng thái bình, đã trở thành thói quen của người dân trên các đảo. Dịp lễ Tết hoặc hằng tháng, cứ đến ngày rằm, mồng một, nhiều người dân lại lên chùa thắp nén nhang thành kính.

Chị Lương Thị Tình ở căn hộ số 2, thị trấn Trường Sa, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa tâm sự: “Trước đây ở đất liền, tôi thường đi chùa để cầu cho gia đình được bình an. Nay sống ở đảo, chúng tôi rất mừng vì đã có một ngôi chùa để thỉnh thoảng ngày rằm hay mùng một tôi lại cùng gia đình tới thắp nhang”.

Nhận trọng trách trông coi ngôi chùa ở đảo Trường Sa Lớn, anh Nguyễn Ngọc Thi luôn tâm niệm phải hoàn thành tốt nhiệm vụ mà chính quyền và quân dân trên đảo đã tin tưởng giao cho: “Mình là người được các sư thầy và đảo trưởng cho làm công việc chăm nom chùa. Việc chăm nom vừa là tín ngưỡng, vừa có một phần đóng góp cho xã hội”.

Mỗi một ngôi chùa là một trường học tâm linh, là nơi con người tìm đến với cái thiện, hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn. Những ngôi chùa ở Trường Sa không chỉ là chỗ dựa về mặt tinh thần mà còn khẳng định chủ quyền bền vững có từ xa xưa của dân tộc Việt Nam trên vùng biển đảo phên dậu của đất nước./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên