Trường Sa hướng tới phát triển kinh tế biển toàn diện

Lãnh đạo huyện đảo Trường Sa đang nghiên cứu định hướng và đề xuất để từng bước thực hiện khai thác tiềm năng dịch vụ trên biển. Có thể tổ chức khai thác tuyến du lịch ra các đảo Trường Sa cho du khách, kiều bào

Với vị thế ở giữa biển Đông, huyện đảo Trường Sa có thế mạnh về dịch vụ hàng hải, nghề cá đối với tàu thuyền đi lại và đánh bắt trong khu vực, đồng thời là địa điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách…

PV VOVNews tại Trường Sa đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Viết Thuân - Phó Chủ tịch UBND huyện Trường Sa về những đổi mới và định hướng xây dựng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

PV: Xin ông cho biết những nét mới trong công tác chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội của huyện đảo Trường Sa trong những năm gần đây?

Ông Nguyễn Viết Thuân - Phó Chủ tịch UBND huyện Trường Sa

Ông Nguyễn Viết Thuân: Từ năm 1975 trở về trước, ở từng giai đoạn khác nhau, đời sống kinh tế của người dân tại đây tuy đã được quan tâm, nhưng do nhiều yếu tố, việc đầu tư vẫn thiếu tính tổng thể.

Sau giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975, thực hiện đường lối chủ trương đẩy mạnh phát triển Trường Sa toàn diện hơn nên việc phát triển kinh tế - xã hội ở đây cũng mang tính tổng thể, thể hiện ở từng dự án đã đem lại hiệu quả cao.

Đặc biệt, những năm gần đây ở Trường Sa có nhiều đổi mới và đạt nhiều kết quả trong phát triển mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội. Đó là cơ sở hạ tầng, nhà cửa được đổi mới khang trang, đẹp đẽ hơn. Nhà ở của quân và dân được xây dựng bảo đảm chịu được sóng gió giữa biển khơi. Công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo mọi lúc đều gắn với đời sống người dân và quốc phòng. Hệ thống đường sá trên các đảo nổi, đường chính, đường nhánh, ngõ xóm được xây dựng khang trang thông thoáng hơn trước kia.

Cơ sở hạ tầng, nhà ở của nhân dân ngày càng khang trang

Gần đây, chúng tôi triển khai Dự án Năng lượng sạch do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tài trợ. Dự án này đã làm thay đổi cách nghĩ và nếp sinh hoạt của quân và dân trên đảo, đem đến cho đời sống của bộ đội và người dân nhiều khởi sắc, đưa Trường Sa tiến gần với đất liền hơn. Có điện, người dân có thể xem TV, nghe đài, dễ dàng cập nhật các chủ trương chính sách của Nhà nước. Đồng thời giúp ngư dân có điều kiện bảo quản lâu hơn lượng hải sản đánh bắt được, không bị hỏng sớm như trước đây.

Với đặc điểm điều kiện thời tiết khắc nghiệt của quần đảo Trường Sa, công tác chăm sóc sức khỏe của bộ đội và người dân được đặc biệt quan tâm. Quân y của Quân chủng Hải quân ở một số đảo kết hợp với các bệnh viện lớn của quân đội thường xuyên khám chữa bệnh cho quân và dân ở quần đảo Trường Sa. Ngoài ra, do đặc thù bác sĩ quân y thường là nam giới nên hàng năm, Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa cử cả bác sĩ nữ theo tàu ra khám bệnh cho nhân dân, khám bệnh phụ khoa cho chị em.

Thăm khám bệnh cho trẻ em ở thị trấn Trường Sa

Dạy và học cho trẻ em, những thế hệ tương lai của các đảo cũng được chú trọng. Toàn huyện hiện có ba trường học chính ở 2 xã và 1 thị trấn. Đó là thị trấn Trường Sa gồm: đảo Trường Sa và tất cả các đảo, hòn lân cận; xã Song Tử gồm: đảo Song Tử Tây và tất cả các đảo, hòn lân cận; xã Sinh Tồn gồm: đảo Sinh Tồn và tất cả các đảo, hòn lân cận. Các trường học này đều được xây dựng chính quy như trong đất liền. 

Hiện nay, đội ngũ giáo viên trên đảo còn thiếu. Một giáo viên đứng lớp phải dạy các cháu ở nhiều trình độ khác nhau từ mầm non cho đến tiểu học. Tuy nhiên, điều đáng nói là chất lượng dạy học được đảm bảo, khi các cháu chuyển cấp vào đất liền vẫn theo kịp các bạn. Qua đó cho thấy tâm huyết của người giáo viên với thế hệ tương lai của đảo. Vì điều kiện, một giáo viên trên đảo phải kiêm nhiệm dạy học sinh của nhiều lớp, nên việc đầu tư xây dựng giáo án giảng dạy cũng nhiều hơn, thời gian giảng dạy nhiều hơn.

Nhận thấy rõ những khó khăn này, chúng tôi đã có đề xuất, kiến nghị với Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Khánh Hoà điều chỉnh trong thời gian tới.

PV: Với đặc thù của một huyện đảo xa bờ nhất so với các huyện đảo trong cả nước, huyện Trường Sa đã chọn hướng đi nào để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương?

Ông Nguyễn Viết Thuân: Hiện nay, trong lĩnh vực kinh tế, được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư, chúng tôi đang thực hiện Dự án Đóng âu tàu ở đảo Song Tử Tây. Đây là một dự án lớn, sẽ đem lại hiệu qua cao. Chúng tôi cũng đang nghiên cứu để đóng âu tàu ở một số đảo lớn nhằm đạt mục tiêu phát triển kinh tế toàn diện trong khu vực đảo. Có âu tàu sẽ đảm bảo cho các tàu thuộc dự án đánh cá xa bờ của Chính phủ và ngư dân từ miền Trung đến Nam Trung bộ khi ra khơi gặp sóng gió to có thể vào trú đậu.

Về kinh tế dịch vụ, chúng tôi đã thực hiện ở đảo Đá Tây một số dự án rất thành công, trong đó có dự án nuôi cá chim trắng lớn nhanh, chất lượng thịt ngon hơn trong đất liền. Trong điều kiện thời tiết ở quần đảo Trường Sa sóng to gió lớn, chúng tôi vừa học vừa thử nghiệm nuôi tu hài, khi thành công sẽ nhân rộng mô hình tới các đảo.

Ngoài ra, việc trồng cây xanh trên đảo để bảo vệ các công trình, tạo môi trường sinh thái cũng được chú trọng. Trước đây, trên đảo toàn cát trắng, đến nay, cây mắm đã phủ xanh ở một số đảo như Trường Sa Đông. Đây cũng là một bước mạnh dạn đầu tư của huyện trong thời gian qua.

Khai thác hải sản ven đảo

Một mô hình mới kinh tế mới hiện nay của huyện là việc bộ đội và nhân dân phối hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trên từng điểm đảo, bộ đội và nhân dân chủ động chăn nuôi bò ở đảo Song Tử, nuôi lợn ở các đảo nổi. Một số đảo chìm cũng nuôi được từ 1 đến 2 con lợn. Gà, vịt, ngan, ngỗng phát triển trên các đảo nổi rất tốt. Ở đảo Trường Sa Đông, số lượng con gia cầm nuôi tính bình quân từ 10-15 con/người. Riêng đảo Đá Tây A, là đảo chìm, việc nuôi thử nghiệm các loại thuỷ cầm cũng cho kết quả tốt.

PV: Được biết, hiện đang có nhiều nghiên cứu định hướng khai thác tiềm năng mặt biển ở Trường Sa trong lĩnh vực du lịch. Ông có khẳng định tính khả thi của dự án này?

Ông Nguyễn Viết Thuân: Hiện chúng tôi đang nghiên cứu định hướng và đề xuất cấp trên để từng bước thực hiện khai thác tiềm năng dịch vụ trên biển. Có thể tổ chức khai thác tuyến du lịch ra các đảo Trường Sa cho du khách trong nước, và kiều bào khi có nhu cầu.

Chúng ta có nhiều điều kiện để tổ chức loại hình du lịch dịch vụ này. Thực tế, trước đây, chúng ta cũng đã tổ chức những tour du lịch ra Trường Sa nhưng căn cứ vào điều kiện thực tế thời tiết sóng gió, thuỷ triều…  nên tạm dừng. Trong tương lai nếu được trên quan tâm đầu tư, tôi tin tưởng dự án này sẽ thành công và đạt hiệu quả kinh tế.

Tuy nhiên, Trường Sa là huyện đặc thù nên sẽ có sự kết hợp giữa quân đội, dân sự, kể cả tài trợ kinh phí mới xây dựng huyện đảo phát triển vững mạnh.

Theo tôi để thành công thì cũng cần phải kêu gọi các thành phố lớn, tập đoàn kinh tế và doanh nghiệp đầu tư xây dựng dự án. Gần đây, đoàn công tác Sở Du lịch TP.HCM đã ra thăm đảo để khảo sát nghiên cứu dịch vụ du lịch giàu triển vọng. Hiện nay mô hình kết hợp này đã có một số dự án như: lắp đặt hệ thống chiếu sáng cho các đảo ở Trường Sa sử dụng năng lượng gió và mặt trời của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Nhà khách Thủ đô của Thành phố Hà Nội; các công trình di tích văn hoá của các địa phương và doanh nghiệp đang được triển khai tại đây./.

PV: Xin cảm ơn ông!

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên