Trường Sa thiêng liêng

Tất cả những phóng viên VOV khi thực hiện chuyến công tác tới Trường Sa đều đọng lại những kỷ niệm đặc biệt về mảnh đất đầy nắng và gió nhưng rất thiêng liêng này.

VOVNews giới thiệu những bài viết, mà thực chất là những cảm xúc không thể quên của phóng viên VOV may mắn được tới Trường Sa.

Nhà báo Nguyễn Thị Kim Cúc: Vẫn nghe đâu đó tiếng gà sang canh...

Tháng 3/1995, cùng với đồng nghiệp của 17 cơ quan báo chí Trung ương và địa phương, tôi có chuyến công tác đến 5 đảo thuộc quần đảo Trường Sa, vùng lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. 16 năm đã trôi qua, nhưng những cuộc gặp gỡ đầy xúc động với cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở Trường Sa, vẫn còn rõ nét và vô cùng ấm áp.

Lần đầu tiên ra đảo, thật khó nói hết cảm xúc dâng trào khi nhìn thấy cờ Tổ quốc tung bay trong gió dưới ánh nắng chan hoà của biển. Các cán bộ, chiến sĩ, với những khuôn mặt trẻ trung, những nụ cười hồn nhiên chào đón các nhà báo đến với đảo. Không có một khoảng cách nào giữa chúng tôi với những người lính đảo.

Ở nơi đầu sóng ngọn gió này, hằng ngày, thậm chí hằng giờ, những người lính canh biển luôn luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Chúng tôi gặp ở đây dù đó là một binh nhất mới ra đảo, hay những sĩ quan ở đảo lâu năm, các anh đều biết gạt nỗi riêng tư, sống vững vàng nơi đảo xa. Ở đảo Sơn Ca, tôi gặp Đại uý Nguyễn Minh Dương, người sĩ quan có tới 18 năm trong quân ngũ. Người sĩ quan trẻ ấy đã từng sống và công tác ở các đảo Phan Vinh, Nam Yết, Đá Giữa và Sơn Ca. Chúng tôi gặp Nguyễn Minh Dương đúng hôm anh có 2 niềm vui: Được phong quân hàm Đại uý và thư con trai từ xã Nam Hồng, Tiền Hải, Thái Bình. Anh nói rằng: 18 năm trong quân ngũ nhưng anh chỉ sống với gia đình vẻn vẹn 2 năm, cho nên khi nhận thư vợ và con, anh rất vui.

Còn ở Phân đội Hoả lực của đảo Trường Sa Lớn, tôi gặp Trần Tuấn Dương, con trai của nhà báo Trần Xuân Nhất, ở TTXVN. Dương kể cho tôi nghe, mùng 1 Tết năm ấy, Dương và các bạn của Dương được nghe bài của bố phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Mọi người vây quanh chiếc đài, nghe rất rõ tiếng phát thanh viên của Đài đọc bài của nhà báo Trần Xuân Nhất. Dương và đồng đội đón Tết rất vui, có cả hoa đào làm bằng giấy nhuộm đỏ, có bánh chưng gói bằng lá bàng vuông...

Ở Phân đội Hoả lực, tôi làm quen với các chiến sĩ có những cái tên rất ngộ: Xiêm “cá mập”, Kiệt “luộc”, Đang “cá bò”. Hỏi ra mới biết đấy là những chiến sĩ đánh cá giỏi và được gọi bằng cái tên đáng yêu như thế. Đêm ấy, sau khi xem văn công, các chiến sĩ Phân đội Hoả lực mời bằng được các nhà báo và diễn viên văn công về nơi ở của mình. Chúng tôi đã thức cùng các bạn trẻ chuyện trò, tâm tình. Nghệ sĩ ưu tú Hồng Ngát, diễn viên Đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam được chiến sĩ vây quanh, yêu cầu chị hát những làn điệu dân ca quan họ.

Đoàn phóng viên cập đảo Song Tử Tây, Trường Sa ngày 23/3/2011

Ở đảo Song Tử Tây, tôi cũng có dịp làm quen và gặp gỡ nhiều cán bộ, chiến sĩ. Khi biết tôi là một trong số các biên tập viên, phóng viên thực hiện Chương trình Thời sự và Âm nhạc, mọi người rất vui vì hàng ngày đều nghe chương trình này và đã rất thuộc tên những người thực hiện chương trình như Đồng Mạnh Hùng, Tạ Toàn, Mai Hồng, Hồng Nhung... Tôi rất cảm động khi đọc bài của Đồng Mạnh Hùng (Phó Giám đốc Hệ Thời sự - Chính trị - Tổng hợp) đăng trên Báo TNVN. Trong chuyến công tác ra Trường Sa, Hùng đã ghi lại câu chuyện của đồng chí Nguyễn Tuấn Nhã, Trung tá, Phó đảo trưởng Phụ trách chính trị đảo Song Tử Tây về cuộc gặp gỡ giữa tôi và cán bộ, chiến sĩ ở đảo này. Đó là những kỷ niệm thật đẹp đối với tôi.

Trong một đêm liên hoan văn nghệ trên đảo Trường Sa Lớn, có một vị Đại tá tóc đã bạc lên đọc rất truyền cảm những bài thơ do ông sáng tác, đó là Đại tá Nguyễn Thuận, Tiến sĩ, Phó Giáo sư, Phó Chủ nhiệm Khoa Công nghệ Học viện Kỹ thuật quân sự, người đã gắn bó với Trường Sa Lớn gần 6 năm để cùng với những đồng nghiệp của mình nghiên cứu, khảo sát và thi công Cầu cảng Trường Sa. Khi chúng tôi ra đảo, Cầu cảng Trường Sa đã hoàn thành. Đi trên Cầu cảng ấy, tôi cảm nhận rõ hơn ý chí, nghị lực của đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, đã tạo nên một công trình mới cho đảo, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ kinh tế và quốc phòng ở Trường Sa. Và Đại tá Nguyễn Thuận, với 45 năm mặc áo lính, người đã từng tham gia chiến dịch Cao Bắc Lạng, Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa, người cũng đã có mặt ở Chiến trường C những năm chống Mỹ gian khổ, có lẽ chính ông cảm nhận rõ hơn ai hết giá trị của công trình mà ông và những đồng nghiệp của ông đã đổ những giọt mồ hôi đầu tiên…

Trong cuộc đời làm báo của mình, chuyến công tác ở các đảo thuộc quần đảo Trường Sa sẽ còn đọng mãi trong tôi với rất nhiều kỷ niệm khó quên. Tôi đã được gặp gỡ, trò chuyện với nhiều cán bộ, chiến sĩ, thấy rõ hơn phẩm chất cao đẹp của người lính đảo đang canh giữ biển trời của Tổ quốc. Những người lính ấy cùng với những người dân trên các đảo đã và đang giữ vững vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Như bài thơ của Đại tá Nguyễn Thuận viết mà tôi đã chép trong chuyến đi công tác ở Trường Sa năm ấy:

“Trường Sa một trăm mười đảo

Đảo nào cũng của chúng ta

Chân lý muôn đời còn ghi đó

Chỉ một Việt Nam, một mái nhà

Trường Sa, xa thật là xa

Vẫn nghe đâu đó tiếng gà sang canh”.

Nhà báo Tạ Toàn: Cờ Tổ quốc như vệt nắng căng buồm

“Anh về từ Trường Sa, mang theo nhành hoa đá, nở đầy góc ba lô.

Anh về từ Trường Sa, ngày đi như vội vội, ai bóc tờ lịch mới, mà sóng tràn mênh mông”.

Mấy câu thơ của lính đảo giản dị thế mà nghẹn thắt lòng người. Thấm thoắt đã 7 năm trôi qua, kể từ ngày tôi có chuyến công tác đầu tiên ra quần đảo Trường Sa thân yêu. Giờ nhớ lại, kỷ niệm ùa về, đầy ắp, vẹn nguyên như ngày nào.

Đó là những ngày cuối năm 2004, khi nhóm phóng viên chúng tôi đi theo tàu HQ 996, vận chuyển quà Tết phục vụ các chiến sỹ đang làm nhiệm vụ thiêng liêng trên các đảo ở Trường Sa. Trước khi tàu nhổ neo ra đảo, chúng tôi tranh thủ ghi lại những hình ảnh, những cảm xúc trong phút chia tay của những người vợ, người yêu lính đảo trên cầu cảng Cam Ranh.  Người thì vừa mới cưới, người vừa có em bé đầu lòng được mấy ngày, và biết bao hoàn cảnh khác nữa… nghẹn ngào, xúc động trong cảnh kẻ ở, người đi. 

Con tàu dềnh lên mấy bận, tôi đã thấy nôn nao, lúc sau, mặt mũi tái dần. Anh Lê Bá Dương, đại diện của Báo Văn hóa tại Khánh Hòa vỗ vai tôi: Xuống hầm tàu nằm ngay, không thì phiền đấy. Là một phóng viên lăn lộn với biển đảo, anh Dương đã có khá nhiều tác phẩm để đời về những chuyến đi đảo. Đó là bộ ảnh “Sóng nước Trường Sa”, “Đất nước nhìn từ Trường Sa” đã đoạt Giải Ảnh báo chí về biển đảo của Tổng cục Chính trị. Những hình ảnh như doi cát, sóng nước, chim bồ câu và người chiến sỹ trên đảo là những “mục tiêu” săn tìm của anh. Khi đến các đảo Sơn Ca, Song Tử Tây, Sinh Tồn Đông, Len Đao, anh phát hiện ra một điều rất thú vị: những doi cát có hình chữ S giống như bản đồ Việt Nam. Và thế là những doi cát đó đã vào khuôn hình của ống kính Lê Bá Dương với câu thơ chú thích “Cát ở khơi xa cũng hình hài đất nước, tàu bồng bềnh trăng cũng nghiêng theo”.

Đảo Trường Sa lớn bạt ngàn cây phong ba. Đây là một loài cây thân mềm, mọc lúp xúp chỉ cao quá đầu người. Hoa phong ba mọc từng chùm, như hoa sữa. Đây là món quà tặng mà các chiến sỹ trên đảo thường hái tặng các cô gái văn công khi ra đảo. Chẳng thế mà nhà báo Kim Cúc của Đài TNVN đã có thơ rằng: “…ở trên đảo không trồng được hoa/ Nên chiến sỹ tặng nhành phong ba cho văn công sau câu hát/ “Lý thương nhau”, ngọt ngào giọng hát/ Và người ơi, người ở đừng về…”.

Một điều rất thú vị ở Trường Sa là đọc “báo tường” với những dòng thơ của lính đảo. Một người lính tên là Đạo ở đảo Sinh Tồn Đông viết “Tựa lưng đảo, hồng hào gương mặt lính; cờ Tổ quốc như vệt nắng căng buồm”… Anh lính trẻ Khánh Toàn ở đảo Tiên Nữ bày tỏ tâm trạng nhớ nhà qua mấy vần thơ: “Cuối năm chưa được phép về; chao ơi lính đảo nhớ quê quá chừng; con trai đâu dám rưng rưng; chỉ nghe bụng dạ bần thần vậy thôi; chiều ra hóng gió trông trời…”

Ngày ấy chưa có chương trình phủ sóng biển Đông nên các chiến sỹ Trường Sa thu được sóng đài rất khó. Anh em liền nghĩ ra cách nối ăng-ten bằng đoạn dây thép dài hàng chục mét, sau đó nối ăng-ten của radio vào, thế là bắt được rõ sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam. Lính đảo Trường Sa rất thích chương trình “Thông tin và âm nhạc” (trước là Thời sự và Âm nhạc) là một chương trình phát thanh vui nhộn vừa có tin tức vừa có âm nhạc và đặc biệt là có nhiều tiết mục giao lưu với các chiến sỹ. Sự gắn kết giữa Đài TNVN và lính đảo đã đơm hoa, kết trái với đám cưới của cô phóng viên nhà Đài Thu Hoa với Minh Hữu lính đảo Phan Vinh.  

Lúc chia tay, trong số quà mà lính đảo gửi về đất liền có những hạt bàng vuông, loài cây cho nhiều bóng mát nhất và cũng là loài cây có hoa đẹp nhất trên đảo. Loài hoa chỉ nở về đêm, e ấp và nồng hậu như tình người hậu phương với lính đảo xa.

Phóng viên Trần Lệ Chiến: Sẽ lại đi Trường Sa

Nếu có cơ hội, tôi sẽ lại đi Trường Sa. Trường Sa đã để lại quá nhiều ấn tượng trong ký ức của tôi và đó sẽ là những kỷ niệm không bao giờ quên trong suốt cuộc đời làm báo của mình.

Tôi yêu biển, đảo quê hương từ ngày còn thơ bé và rất thích bài “Biển hát chiều nay” của nhạc sĩ Hồng Đăng, bởi ca khúc có giai điệu đẹp, lãng mạn, bay bổng và ca từ cũng đẹp như một bài thơ với những câu thơ giàu hình ảnh vừa nhân văn, vừa triết lý sâu sắc. Tình yêu biển, đảo cứ lớn dần trong tôi theo thời gian. Đến khi tôi trở thành phóng viên của Hệ Phát thanh Đối ngoại (VOV5) của Đài TNVN, cách đây 15 năm đã nhen lên trong tôi ý nghĩ: “Trong cuộc đời làm báo, nhất định tôi phải đến Trường Sa”.

Trước khi ra Trường Sa, tôi đã có rất nhiều những chuyến công tác tại các vùng biển đảo của Tổ quốc. Mỗi một nơi có cơ hội đặt chân đến đều cho tôi những cảm xúc thật đặc biệt. Riêng chuyến đi Trường Sa, quả thực, mới chỉ thấy tên mình trong danh sách được cử đi công tác, tôi đã thấy vui lắm rồi. Tôi thấy mình may mắn… Sau những đêm thao thức, khó ngủ, cuối cùng cũng đến ngày xuống tàu ra đảo - đó là ngày 20/3/2011.

Cột mốc chủ quyền trên đảo Trường Sa

Tôi vốn không phải là người mau nước mắt, nhưng chuyến đi ấy, tôi đã khóc, khóc không phải vì mệt, vì say sóng, tôi khóc để thấy lòng mình nhẹ hơn… Lần đầu tiên tôi khóc là buổi sáng sớm khi rời Sinh Tồn Đông trong điều kiện thời tiết không mấy thuận lợi, trời mưa. Trước khi ra tàu, tôi tìm gặp để chia tay các chiến sĩ. Trong số đông ấy, tôi thấy vẫn thiếu những gương mặt mà tôi đã gặp, đã trò chuyện. Trong lòng không vui, nhưng tôi lại nghĩ có lẽ em đang làm nhiệm vụ nên nhấc điện thoại gọi. Máy không có người trả lời. Tôi nhắn vội mấy dòng chào tạm biệt và dặn em giữ sức khỏe. Xuồng chạy được khoảng 5 phút, tôi đã bật khóc khi nhìn thấy 10 “tiêu sống” đang trầm mình dưới nước, tay giơ cao vẫy chúng tôi với những nụ cười rạng rỡ. Lúc này tôi mới hiểu, để những chiếc xuồng chở chúng tôi đi ra nơi tàu neo đậu ngoài khơi được an toàn, không va phải san hô do nước buổi sớm cạn, 10 chiến sĩ, trong đó có em đã phải đứng dưới nước như thế từ rất lâu rồi. Lòng tôi nặng trĩu, mặc cho nước mắt rơi và tôi cũng chỉ kịp giơ tay lên vẫy tạm biệt và nói với các em hãy giữ sức khỏe…

Cảm xúc thật khó diễn tả bằng lời, nhưng cả 2 lần tàu neo lại giữa biển khơi để tiến hành “Lễ tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ hy sinh trên vùng biển và thềm lục địa” không chỉ tôi mà hầu như 153 con người có mặt trên tàu HQ 957 đều khóc. Mọi người kính cẩn nghiêng mình thắp nén tâm nhang trong tiếng nhạc “Hồn tử sĩ” và tiếng còi tàu tri ân rền vang giữa biển khơi. Giây phút ấy xúc động đến nghẹn đắng cổ họng. Trong lòng tôi lúc ấy chỉ cầu mong các anh được thanh thản, bình yên trong lòng Tổ quốc, Dân tộc.

Người ta thường bảo: “Tháng 3 bà già đi biển” để chỉ thời điểm mà sóng yên, biển lặng, nhưng chuyến đi của chúng tôi đã bị ảnh hưởng của bão, biển động, gió giật mạnh cấp 7, cấp 8, khi nhà dàn DK 1 hiện ra trước mặt. Từ xa, nhìn Nhà dàn nhỏ xíu như chao nghiêng bởi những đợt sóng dội vào không ngớt. Dường như mọi người ai nấy đều lo lắng và buồn vì có lệnh của Chuẩn đô đốc  Phạm Ngọc Chấn, Chủ nhiệm Quân chủng hải quân: “Không đưa người lên nhà dàn, chỉ chuyển hàng và quà lên cho bộ đội”. Các phóng viên chen nhau ra boong để chụp ảnh, quay phim, rồi tiếng bộ đàm vang lên, tiếng chỉ huy tàu, tiếng gọi xen lẫn tiếng bước chân vội vã, ai vào việc nấy một cách khẩn trương. Rồi tiếng trưởng đoàn Nguyễn Khắc Hưng - Phó Bí thư Tỉnh ủy Nam Định, lệnh cho các ca sĩ hát qua bộ đàm để phục vụ bộ đội. Quả thực, lúc đó mặt ai nấy đều nhợt nhạt vì sóng dữ, mọi người phải bám vào thành tàu hoặc dựa vào nhau cho khỏi bị xô nghiêng vì ai cũng muốn được lên buồng chỉ huy để được nhìn rõ hơn, để được nghe những cuộc trò chuyện vội vã qua bộ đàm với các chiến sĩ ở nhà dàn. Tiếng hát, cùng những tiếng nấc nghẹn khi Hằng, diễn viên Nhà hát Chèo Nam Định nói: Các anh ơi! Em hát để các anh nghe nhé, các anh có nghe rõ không? Như chờ đợi điều này từ rất lâu rồi, không ai bảo ai, phía bên nhà dàn mọi người đồng thanh nói: Các em hát đi, nói đi, chỉ cần nghe thấy tiếng các em là bọn anh vui, thấy đất liền ở thật gần…”.

Đúng đất liền ở rất gần, các anh và cả quần đảo Trường Sa ở trong lòng dân tộc, nhưng còn biết bao khó khăn, gian khổ và cả sự hiểm nguy mà các anh đã không quản ngại hy sinh cả tuổi xuân của mình hiến dâng cho Tổ quốc…

Có quá nhiều kỷ niệm, quá nhiều những câu chuyện trong suốt 10 ngày lênh đênh trên biển với: Song Tử Tây, Nam Yết, Sinh Tồn Đông, Len Đao, Đảo Đá Lớn, Nhà dàn DK1, Trường Sa Lớn… mà tôi không thể kể hết được, chỉ biết rằng mỗi khi ai đó nhắc tới Trường Sa là lòng tôi lại nhớ, lại đau đáu những nỗi niềm mà tôi chưa thể thực hiện được “vì Trường Sa thân yêu!”. Và tôi mong sao những người làm báo như chúng tôi có cơ hội được đi nhiều hơn nữa để có thể cảm nhận một cách chân thực về cuộc sống, con người trên mỗi tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Cờ Tổ quốc tung bay trên Nhà dàn DK1, thềm lục địa phía nam

Phóng viên Hoàng Minh: Câu cá ở Trường Sa

Chuyến hải trình 10 ngày, đến thăm 11 điểm đảo Trường Sa trước Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/2011), đối với chúng tôi, quả thực là một thử thách không nhỏ. Nắng, gió, mưa bão, sóng biển làm những anh chàng phóng viên chốn thị thành như tôi trở nên đen sạm, gầy rộc đi. Ngoài những thời gian ngắn ngủi lên các đảo thăm hỏi, động viên chiến sỹ, còn lại là ở trên tàu. Lúc hối hả di chuyển từ đảo này sang đảo khác, lúc lại thả neo ngoài xa đợi thủy triều lên để tàu cặp mạn. Cũng nhờ thế, tôi có được khoảng thời gian quý giá để làm một việc mà có nằm mơ tôi cũng không thể nghĩ ra trước khi lên tàu đi công tác Trường Sa.

Câu cá. Nhất là khi tàu neo ban đêm trên biển Đông. Bóng tối bao trùm bốn phía, ánh đèn neon trên tàu bật sáng, cũng là lúc từng đàn cá chuồn, cá mực nối đuôi nhau lao về phía mạn tàu. Không cần buông câu, việc của tôi là dùng vợt, vớt từng con, từng con đang lao tới. Những con cá say đèn, bay vọt lên boong tàu, đâm sầm vào cửa sắt, giãy đành đạch, rồi nằm im bất động. Chẳng mấy chốc, đã đầy cả chiếc chậu sắt quân dụng cá chuồn, cá mực. Chúng được chia đều cho cả khách và thủy thủ để mắc vào lưỡi làm mồi câu cá thu, cá hồng, cá mú…

Không giống như câu ao, câu hồ, đồ nghề câu biển toàn hàng “khủng”. Vốn không xa lạ với nghề câu, nhưng với tôi, đây là lần đâu tiên được câu trên biển. Thả tới... 300m cước với gần nửa cân chì thì mồi mới chạm đáy. Hồi hộp liếc ngang, thấy cả mạn tàu với hàng chục dây câu và người câu ngồi yên như tượng đá chờ cá ăn mồi…

Bựt!.. Tiếng dây câu giật mạnh. Cá cắn câu. Tiếng hò reo vang cả mặt biển. Phải 2-3 người đồng tâm mới đủ sức kéo chú cá thu bè to, khỏe vừa mắc câu từ biển lên. Hàng chục ánh mắt háo hức dõi theo con cá trong muôn ngàn ánh bạc lấp lánh trên mặt nước. Rồi lần lượt những chú cá hồng, đổng cờ, mó xanh… liên tiếp cắn câu. Các thủy thủ trẻ phải “làm việc” hết công suất, chạy từ dây này sang dây kia, dùng câu liêm móc từng con lên mặt boong. Đội nhà bếp đã sẵn sàng dao, thớt, phi lê từng con, rửa sạch bằng dấm, vắt chanh pha mù tạt. Những chai rượu “nước mắt quê hương” được cánh văn công Hậu Giang mang theo từ quê nhà nhanh chóng tập trung lại. Một tiệc gỏi cá tươi với tiếng hát, tiếng đàn văn công chuyên nghiệp hòa cùng tiếng sóng âm vang trên biển trong đêm.

Cứ như vậy, mỗi hải lý trôi qua sau lưng, đối với tôi, đều là sự trải nghiệm quý giá, là những kỷ niệm khó quên. Đi để biết biển quê hương thật rộng lớn, để thêm yêu tha thiết vùng đất, vùng trời, vùng biển của Tổ quốc ta, và để biết ơn hơn những người con đất Việt đang kiên cường ngày đêm bám biển, bám đảo vì chủ quyền thiêng liêng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên