Trường THPT Ngô Quyền (Hà Nội) nói gì về việc “dừng đào tạo” 1 học sinh?

VOV.VN - Liên quan đến phản ánh của Báo Điện tử VOV về việc Trường THPT Ngô Quyền (Đông Anh, Hà Nội) đột ngột “dừng đào tạo” học sinh sau khi phụ huynh có ý kiến về chương trình đào tạo chất lượng cao, chiều tối 16/8, Trường THPT Ngô Quyền đã phát đi thông cáo báo chí phản hồi nội dung trên.

Trong đó, Trường THPT Ngô Quyền thừa nhận nhà trường đã nóng vội ra quyết định về việc dừng đào tạo đối với học sinh Nguyễn Ngọc Hương, mặc dù mục đích là tạm dừng học để thống nhất lại quan điểm giáo dục với phụ huynh học sinh.

Ban Giám hiệu Nhà trường cũng nhận thấy rằng việc làm như vậy là chưa hợp lý, quan tâm đến từng học sinh nhưng chưa đúng phương pháp.

Ngày 16/8, Trường THPT Ngô Quyền đã mời phụ huynh học sinh  Nguyễn Ngọc Hương đến trường để làm việc, trao đổi trực tiếp và thống nhất với phụ huynh vào để tránh hiểu nhầm trong dự luận.

Tại buổi làm việc, đại diện Ban Giám hiệu nhà trường đã trao đổi với phụ huynh của em Nguyễn Ngọc Hương về việc thu hồi Quyết định số 41/QĐ-NQĐA ngày 10/8/2024 về việc dừng đào tạo với em Nguyễn Ngọc Hương.

Nhà trường cũng đã gửi lại các hồ sơ (học bạ THCS, học bạ THPT và đầy đủ các giấy tờ liên quan), tạo điều kiện thuận lợi để em Nguyễn Ngọc Hương được chuyển trường nguyện vọng của gia đình

Mong nhà trường lắng nghe ý kiến phụ huynh

Trao đổi với phóng viên VOV.VN, một phụ huynh lớp 12A5 (đề nghị được giấu tên) Trường THPT Ngô Quyền (Đông Anh, Hà Nội) cho biết, 2 năm lớp 10 và 11, học sinh đều học theo chương trình thường. Đến năm học này, Trường THPT Ngô Quyền thông báo sẽ thành lập lớp chất lượng cao.

Tuy nhiên, khi cho học sinh đăng ký, nhà trường chưa hề nói rõ về chương trình học cũng như mức học phí sẽ tăng thêm 10 triệu/năm: “Sau khi biết thông tin về lớp chất lượng cao, phụ huynh có yêu cầu họp để hỏi rõ về chương trình này, thì được biết tiền học phí sẽ tăng thêm 10 triệu/năm. Chúng tôi có thắc mắc, nếu tăng học phí, thì chất lượng đào tạo có gì khác biệt, những giáo viên nào sẽ dạy lớp chất lượng cao, nhà trường cam kết đầu ra thế nào. Thông tin trong cuộc họp, nhà trường cho biết, lớp chất lượng cao sẽ tăng từ 6 tiết lên 8 tiết Toán/tuần, Tiếng Anh tăng từ 6 tiết lên 8  tiết, tập trung ôn các môn chính và được sử dụng bàn ghế mới, lắp thêm điều hòa mới. Bên cạnh đó, nhà trường cũng cam kết sau khi học xong sẽ thi tối thiểu được 18 điểm với tổ hợp 3 môn xét tuyển đại học. Trường hợp học sinh có điểm thấp hơn 18 sẽ được trả lại học phí”.

Phụ huynh này cho biết, tại cuộc họp một số phụ huynh sau khi nghe trường giải thích đã đăng ký cho con theo học lớp chất lượng cao, số còn lại vẫn đăng ký học lớp thường. Tuy nhiên, có nhiều phụ huynh vắng mặt trong buổi họp đó nên đã ủy uyền cho ông Nguyễn Đăng Bằng gửi câu hỏi và làm việc với nhà trường về những nội dung còn khúc mắc.

Phụ huynh này cho biết, những câu hỏi về chất lượng chương trình, giáo viên, học phí hoàn toàn là những câu hỏi chính đáng của tất cả phụ huynh trước khi quyết định cho con theo học chương trình chất lượng cao: “Tôi không nghĩ rằng những câu hỏi đó mang tính không tin tưởng giáo viên hay thiếu tôn trọng nhà trường”.

Phụ huynh này cũng cho rằng, trước những khúc mắc của phụ huynh, nhà trường hoàn toàn có thể giải thích và thông tin rõ ràng để phụ huynh hiểu, việc bất ngờ cho dừng đào tạo với học sinh, nhất là thời điểm sát năm học mới của năm cuối cấp là không hợp lý.

“Học sinh không có lỗi gì trong sự việc này nhưng cuối cùng lại là người chịu tổn thương nhiều nhất. Cách làm của nhà trường khiến nhiều phụ huynh bức xúc. Dù sự việc được giải quyết, nhưng sau cùng, học sinh vẫn chịu tổn thương, phải chuyển sang môi trường mới vào năm học cuối cùng bậc phổ thông - thời điểm đáng ra các con cần được yên tâm, ổn định tâm lý để chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng sắp tới”, phụ huynh này cho biết.

Một phụ huynh cũng có con đang học lớp 12A5 cũng bức xúc cho rằng cách làm của Trường THPT Ngô Quyền không đúng cả về quy định lẫn đạo đức của ngành giáo dục: “Những câu hỏi phụ huynh Nguyễn Đăng Bằng gửi đến nhà trường đều là ý kiến của tập thể phụ huynh, không phải ý kiến cá nhân ai. Chúng tôi thấy rằng việc hiểu rõ về chương trình học, giáo viên, học phí, hay mong muốn cải thiện chất lượng giáo dục là điều chính đáng. Phụ huynh có quyền hỏi nhà trường những thông tin này, nhà trường cũng có quyền trả lời thắc mắc của phụ huynh hoặc từ chối trả lời nếu thấy không thỏa đáng. Nhưng cách dừng đào tạo với 1 học sinh vì phụ huynh có ý kiến là không đúng, khiến phụ huynh bức xúc”.

Ngay sau khi thông tin vụ việc được VOV.VN đăng tải, ngay dưới bài viết và các diễn đàn mạng xã hội có không ít ý kiến về sự việc này. Nhiều ý kiến cho rằng, việc nhà trường tự ý dừng đào tạo với học sinh không đúng theo tinh thần của ngành giáo dục là lấy học sinh làm trung tâm, tất cả vì học sinh thân yêu.

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), Trưởng văn phòng Luật Kết nối cho biết, quyết định dừng đào tạo với học sinh của Trường THPT Ngô Quyền – Đông Anh là quyết định trái pháp luật và không đúng tiêu chí của ngành giáo dục

“Thứ nhất, nhà trường chỉ có thể thực hiện giáo dục, hoặc xử lý kỷ luật học sinh khi học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện. Vì vậy, việc nhà trường ra quyết định dừng đào tạo với học sinh với lý do “nhà trường không đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu đào tạo theo yêu cầu của phụ huynh học sinh” là hoàn toàn vô lý, không có căn cứ.

Thứ hai, nhà trường không có thẩm quyền dừng đào tạo đối với học sinh ngay cả khi học sinh vi phạm kỷ luật.

Căn cứ theo khoản 2 Điều 38 Thông tư 32/2022/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020, học sinh chỉ bị xử lý kỷ luật theo 03 hình thức, bao gồm:Nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm; Khiển trách, thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm; Tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Như vậy, Khi áp dụng hình thức kỷ luật đối với học sinh vi phạm mức cao nhất là "Tạm dừng học ở trường có thời hạn". Đồng nghĩa, dừng đào tạo đối với học sinh không phải là một trong các hình thức xử lý kỷ luật được quy định, nhà trường không được dừng đào tạo với học sinh, buộc học sinh thôi học hay đuổi học đối với học sinh theo quy định pháp luật trên”.

Luật sư Hùng cũng cho rằng, quy định của pháp luật chỉ có tạm dừng học trong thời gian nhất định. Không có quy định nào về dừng đào tạo. Về ý nghĩa, căn cứ là 2 quy định khác nhau. Dừng đào tạo là việc chấm dứt việc giảng dạy. Tạm dừng học được hiểu là một biện pháp giáo dục, để cảnh tỉnh, để học sinh nhận thức rõ hành vi của mình là sai trái. Trong thời gian tạm dừng học học sinh vẫn có trách nhiệm học tập tại nhà theo chương trình học.

Dừng đào tạo thể hiện chấm dứt việc đào tạo, cũng tương đương với buộc thôi học. Trong thời gian này học sinh không có quyền được tiếp cận, tham gia học.

Đối chiếu văn bản do nhà trường cung cấp được hiểu là dừng không đào tạo tiếp, không có thời hạn, tương đương buộc thôi học. Nhà trường cũng không có kế hoạch sắp xếp, tạo điều kiện cho học sinh học tiếp. Như vậy đã ghi nhận rõ ý chí của nhà trường là chấm dứt đào tạo.

“Dừng đào tạo” đối với học sinh hay “đuổi học”/”buộc thôi học đối với học sinh” đều là hình thức kỷ luật nặng nề, cơ sở giáo dục sẽ không tiếp tục đào tạo học sinh và mọi quyền lợi của học sinh sẽ không còn tại cơ sở giáo dục đó. Chính nhà trường đang xâm phạm quyền học tập của công dân theo Điều 39 Hiến pháp 2013.

Như vậy nhà trường đang sử dụng một thuật ngữ khác, khiến mọi người hiểu lầm đây không phải là “quyết định đuổi học”. Đây là một lối ứng xử không đúng trong giáo dục, chính nhà trường đã đẩy học trò ra khỏi vòng tay người thầy, người cô”, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng nói.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Vụ học sinh bất ngờ bị dừng đào tạo: Yêu cầu đảm bảo quyền lợi chính đáng của HS
Vụ học sinh bất ngờ bị dừng đào tạo: Yêu cầu đảm bảo quyền lợi chính đáng của HS

VOV.VN - Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu Trường THPT Ngô Quyền (Đông Anh) thực hiện nghiêm túc các quy định của ngành Giáo dục, bảo đảm quyền lợi và nguyện vọng chính đáng của học sinh nhà trường. Đồng thời, nhà trường báo cáo kết quả thực hiện về Sở GD-ĐT Hà Nội (qua phòng Giáo dục Trung học và Thanh tra Sở) trước ngày 16/8/2024.

Vụ học sinh bất ngờ bị dừng đào tạo: Yêu cầu đảm bảo quyền lợi chính đáng của HS

Vụ học sinh bất ngờ bị dừng đào tạo: Yêu cầu đảm bảo quyền lợi chính đáng của HS

VOV.VN - Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu Trường THPT Ngô Quyền (Đông Anh) thực hiện nghiêm túc các quy định của ngành Giáo dục, bảo đảm quyền lợi và nguyện vọng chính đáng của học sinh nhà trường. Đồng thời, nhà trường báo cáo kết quả thực hiện về Sở GD-ĐT Hà Nội (qua phòng Giáo dục Trung học và Thanh tra Sở) trước ngày 16/8/2024.

Vụ học sinh bất ngờ bị nhà trường "dừng đào tạo": Sở GD-ĐT Hà Nội nói gì?
Vụ học sinh bất ngờ bị nhà trường "dừng đào tạo": Sở GD-ĐT Hà Nội nói gì?

VOV.VN - Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết đã nắm được thông tin vụ việc Trường THPT Ngô Quyền (Đông Anh, Hà Nội) dừng đào tạo với một học sinh ngay trước thềm năm học mới và đang xác minh làm rõ.

Vụ học sinh bất ngờ bị nhà trường "dừng đào tạo": Sở GD-ĐT Hà Nội nói gì?

Vụ học sinh bất ngờ bị nhà trường "dừng đào tạo": Sở GD-ĐT Hà Nội nói gì?

VOV.VN - Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết đã nắm được thông tin vụ việc Trường THPT Ngô Quyền (Đông Anh, Hà Nội) dừng đào tạo với một học sinh ngay trước thềm năm học mới và đang xác minh làm rõ.

Hơn 200 học sinh không thể đến trường vì cầu treo bị lũ cuốn
Hơn 200 học sinh không thể đến trường vì cầu treo bị lũ cuốn

VOV.VN - Trường Tiểu học Chiềng Nơi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La chưa biết đến trường bằng cách nào khi cầu treo qua suối bị lũ cuốn trôi vào cuối tháng 7 vừa qua

Hơn 200 học sinh không thể đến trường vì cầu treo bị lũ cuốn

Hơn 200 học sinh không thể đến trường vì cầu treo bị lũ cuốn

VOV.VN - Trường Tiểu học Chiềng Nơi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La chưa biết đến trường bằng cách nào khi cầu treo qua suối bị lũ cuốn trôi vào cuối tháng 7 vừa qua