Tự chủ đại học vẫn là bài toán khó
VOV.VN - Nhiều trường đại học tại TPHCM và chuyên gia giáo dục phấn khởi với khái niệm tự chủ đã dần rõ ràng hơn, cơ chế đã thoáng hơn, nhưng vẫn còn những bất cập
Tỏ ra khá ngạc nhiên trước những thay đổi liên quan đến vấn đề tự chủ của các trường đại học trong dự thảo lần này, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lộc, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho rằng, mọi thứ đã có tiến triển.
Điều Giáo sư Nguyễn Lộc cùng đại diện nhiều trường đại học tại TP HCM cảm thấy phấn khởi là trong bản dự thảo mới nhất, các mức độ và nội dung liên quan đến khái niệm tự chủ đại học được mở tới mức tối đa.
Các trường đại học mong chờ một cơ chế tự chủ sát với nhu cầu thực tế, không chồng chéo. |
Tuy nhiên, nhiều người còn dè dặt khi yếu tố quản trị đại học vẫn chưa có nhiều thay đổi để tương đồng với độ mở của cơ chế tự chủ.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lộc nhận định: “Về quản trị đại học hiện nay dường như không thay đổi nhiều. Liên quan đến công tác quản trị trong các dự thảo lần trước tương ứng với mức độ tự chủ của các trường thấp hơn. Lần này, vấn đề tự chủ của các trường được mở rộng. Rõ ràng vấn đề liên quan đến công tác quản trị trong dự thảo cần được gia cố thêm để đáp ứng được mức độ tăng tính tự chủ của các trường đại học hiện nay theo sự cho phép của nhà nước”.
Mặc dù chủ trương tự chủ đại học đã có từ mấy năm nay và rất nhiều trường đại học công đang theo mô hình này, tuy nhiên theo ông Bùi Xuân Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP HCM, việc tự chủ tại các trường hiện vẫn còn nhiều gò bó, bất cập.
Tham gia mô hình tự chủ, đồng nghĩa với việc các trường đại học sẽ mất đi nguồn chi phí không hề nhỏ từ ngân sách. Để bù vào khoản này, nhiều trường chọn phương án tăng học phí.
Thế nhưng ông Bùi Xuân Hải cho rằng đó không phải là cách hay vì học phí cao quá thì các trường đại học tự chủ sẽ khó cạnh tranh với các trường cùng hạng nhưng chưa tự chủ: “Trường đại học mà chỉ chăm chăm vào thu học phí, không lo những vấn đề khác thì lấy đâu ra nguồn thu. Đụng đến vấn đề gì cũng vậy từ cho thuê tài sản đến đầu tư kinh doanh, hợp tác thì vướng Luật Đầu tư công và một loạt các quy định về tài sản công. Vì vậy trường đại học công khi được tự chủ thì bản thân chúng tôi thấy rất khó. Khó khăn lắm chứ không phải dễ, nhất là việc kiếm cho ra tiền để bù vào khoản mà nhà nước đã cắt”.
Làm sao để cân đối thu chi, tăng thu nhập cho giảng viên, cán bộ là điều khiến không ít trường đại học tự chủ hiện nay cảm thấy mỏi mệt.
Tín hiệu vui là trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học lần này, các vấn đề liên quan đến sử dụng tài sản của cơ sở giáo dục đại học tự chủ đã được cởi trói phần nào.
Theo đó dự thảo có nội dung cho phép các trường được sử dụng một phần tài sản vào kinh doanh, cho thuê và liên kết.
Thế nhưng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP HCM Bùi Xuân Hải thắc mắc “một phần” ở đây là bao nhiêu thì ổn.
Do vậy dự thảo nên cần có sự rõ ràng hơn trong câu chữ và cần có sự tính toán kỹ lưỡng trước khi giao quyền quyết định này cho các trường.
Bên cạnh yếu tố về tài chính, theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, quyền tự chủ của các trường đại học còn thể hiện ở chức năng hoạt động của nó.
Cho rằng việc Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học lần này có nội dung đồng ý để tất cả các trường đại học có thể trở thành đại học nếu đáp ứng được một số tiêu chí về đa ngành dễ dẫn đến việc xuất hiện tràn lan đại học 2 cấp, Giáo sư Nguyễn Ngọc Trân đề xuất việc duy trì đại học 1 cấp, tức là trường đại học.
Nếu cần hãy giữ lại 2 đại học lớn là Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP HCM nhưng đừng phổ biến thêm mô hình này vì rất khó quản cũng như không đảm bảo tính tự chủ thực sự cho các trường: “Bây giờ mình làm đại học rồi có trường đại học. Đại học thì gồm có những trường đại học thành viên mà mình muốn cho các trường đại học thành viên độc lập, tự chủ nữa thì không biết tự chủ với ai khi trường đó đã là thành viên trực thuộc một đại học rồi. Nhất là trong cách giải thích tôi thấy trường đại học phải phù hợp với quy định tổ chức của đại học thì làm sao các trường tự chủ được.”.
Góp ý sửa đổi, hoàn thiện Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học lần này, đại diện nhiều trường cho rằng ban soạn thảo cần bổ sung thêm nhiều nội dung và rõ ràng hơn trong câu chữ để luật sát với thực tế, giúp các trường có được môi trường tự chủ đúng nghĩa, tránh trường hợp được mở cái này lại bị thắt cái kia./.
"Tự chủ đại học không có nghĩa là để các trường tự lo, tự bơi"
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Tự chủ đại học gốc là tự chủ học thuật
Tự chủ đại học: Các trường muốn thoát khỏi cơ chế xin – cho