Từ những vụ tai nạn thảm khốc, cần nâng cấp quốc lộ 1A
(VOV) -Quốc lộ 1A qua đường tránh Huế đang thực sự là nỗi kinh hoàng đối với người tham gia giao thông.
Trên địa bàn các tỉnh miền Trung, tai nạn giao thông xảy ra chủ yếu trên Quốc lộ 1 A. Quốc lộ 1A qua miền Trung dài cả ngàn cây số và là xương sống của mạch giao thông quốc gia, đi qua các thị trấn, thị tứ, thị xã, thành phố các khu đông dân cư. Thế nhưng, đây cũng là quãng đường hẹp nhất trên toàn tuyến, phần đường dành cho người đi xe máy, xe thô sơ hầu như không có. Sau vụ tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra tại Khánh Hòa vào sáng ngày 8/3, có ý kiến cho rằng, nếu Quốc lộ 1A được mở rộng, có dải phân cách thì 2 xe khách khó có thể đối đầu gây ra tai nạn thảm khốc như vậy. Vì vậy, việc mở rộng nâng cấp Quốc lộ 1A qua miền Trung đang là đòi hỏi cấp thiết nhất hiện nay.
Quốc lộ 1A qua đường tránh Huế thực sự là nỗi kinh hoàng đối với người tham gia giao thông. Mặt đường chi chít những hố sâu, ổ gà, ổ voi. Quãng đường chỉ hơn 30 cây số mà ô tô phải đi mất hơn 2 giờ đồng hồ. Không riêng đường tránh thành phố Huế hiện rất nhiều đường tránh qua các tỉnh miền Trung đã xuống cấp nghiêm trọng như đường tránh thị xã Sông Cầu, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên; đường tránh thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn, tuyến tránh thị trấn Phù Cát, tỉnh Bình Định cũng lồi lõm, sụt lún gây mất an toàn. Mặt đường nhiều nơi lồi lõm khiến tài xế không làm chủ được tay lái.
Lái xe Trần Lâm Sanh, chạy tuyến Nha Trang- Phan Rang than phiền: "Đây vô Cam Ranh có 3 cua khuất điểm, là nó bị khuất tầm nhìn, nó bị cua chõ. Mình không thấy được hướng xe ngượi lại. Mình chạy mà lấn qua phần đường, khi gặp xe ngược lại thì mình không còn chỗ nào mình vô nữa. Đằng này đường còn nhỏ, lại khuất ruộng nữa thì không thấy bên nhà nữa, không thấy xe ngược chiều tới".
Chỉ tính từ đỉnh đèo Hải Vân đến hết địa phận tỉnh Khánh Hòa hiện đã có 68 cây cầu yếu. Nhiều chiếc cầu trên dưới 50 năm tuổi vẫn phải gồng mình gánh phương tiện quá tải, quá khổ như cầu…. cầu Kế Xuyên, cầu An Tân, tỉnh Quảng Nam, Châu Ổ, cầu Bà Ngà, cầu Bà Tòa, tỉnh Quảng Ngãi, cầu Quán Cau, tỉnh Phú Yên, cầu Rọ Tượng, tỉnh Khánh Hòa, nhưng chưa có kinh phí xây mới chỉ được gia cố tạm hàng năm. Khu quản lý đường bộ 5, Tổng cục Đường bộ Việt Nam tốn nhiều kinh phí cho việc xử lý nhiều điểm đen về tai nạn giao thông, tuy nhiên vẫn chưa triệt để.
Cụ thể như điểm đen tại Km 1031-Km1034, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi liên tục xảy ra tai nạn, ngành giao thông đã có dự án mở rộng đoạn cua từ năm 2009 nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.
Về nguyên nhân khiến mặt đường Quốc lộ 1 A đoạn qua miền Trung lồi lõm sụt lún, ông Phan Thái, Phó Tổng Giám đốc Khu Quản lý đường bộ 5 cho rằng: Có một số đoạn đi qua vùng ruộng lúa, rồi qua những vùng trũng trước đây thì lún võng. Từ lún võng gây ra rạn nứt, đặc biệt nhiều là ở tỉnh Phú Yên, Bình Định. Ở trong đó tuy rằng đường qua vùng trũng nhưng phải nói rằng địa chất Bình Định, Phú Yên phức tạp, nước ngầm.
Một vụ tai nạn giao thông làm xe ô tô bị hỏng nghiêm trọng |
Trong khi cả nước có những cây cầu dây văng hoành tráng, cầu vượt biển dài nhất Đông Nam Á thì trên Quốc lộ 1A vẫn còn nhiều điểm đen nguy hiểm. Chính quyền các địa phương ở dải đất hẹp miền Trung đã chủ động xử lý điểm đen nhưng vì nguồn lực còn hạn chế đành "lực bất tòng tâm".
Ông Trần Sơn Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, địa phương vừa xảy ra vụ tai nạn giao thông thảm khốc cho biết: Để hạn chế về tai nạn giao thông xảy ra nói chung trên địa bàn tỉnh cũng như ở đoạn đường này thì chúng tôi cùng với Bộ GTVT mà cụ thể là lãnh đạo Bộ đã cử Tổng Giám đốc Khu quản lý đường bộ 5 vào cùng với chúng tôi để kiểm tra lại toàn bộ kết cấu hạ tầng giao thông, để có thể xử lý kịp thời những chỗ không đảm bảo đối với quy định đảm bảo an toàn giao thông
Đã đến lúc ngành Giao thông Vận tải phải tính ngay đến việc mở rộng Quốc lộ 1A qua miền Trung mới mong giảm thiểu những cái chết thương tâm vì tai nạn giao thông./.