Từ việc Minh Béo bị bắt, ngẫm nạn xâm hại tình dục trẻ em ở Việt Nam
VOV.VN -Từ vụ diễn viên Minh Béo bị bắt tại Mỹ do quấy rối tình dục trẻ em, dư luận cho rằng những vụ tương tự ở Việt Nam xử lý chậm, thậm chí "chìm xuồng".
Thông tin từ Cục cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an cho biết: Trong 5 năm (2011-2015), cả nước phát hiện trên 8.200 vụ xâm hại trẻ em với gần 10.000 nạn nhân, tăng 258 nạn nhân so với 5 năm trước đó. Số vụ bị xâm hại tình dục chiếm tới 5.300 vụ (khoảng 65%) và gia tăng xâm hại tình dục nam.
Gần đây nhất, trường hợp diễn viên hài Minh Béo bị bắt tại Mỹ vì dính líu đến bê bối tình dục trẻ em và diễn viên này được nhận định sẽ nhận mức án tù rất cao theo luật pháp Mỹ. Dư luận hết sức lo ngại về loại tội phạm này, bởi theo đánh giá, hầu hết nghi can phạm tội xâm hại tình dục trẻ em là những người gần gũi nạn nhân như người quen của bố mẹ, hàng xóm, thậm chí là giáo viên, bố dượng, bố đẻ...
Phóng viên VOV.VN đã có cuộc trao đổi với bà Trịnh Thị Thanh Bình, đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre, nguyên Nguyên Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre về việc phát hiện, xử lý các vụ xâm hại tình dục trẻ em ở Việt Nam.
ĐBQH Trịnh Thị Thanh Bình |
PV: Thưa đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Thanh Bình, theo đánh giá ở nước ta mỗi năm xảy ra gần 2.000 vụ xâm hại trẻ em, nhưng số trường hợp được đưa ra ánh sáng ít. Bà đánh giá như thế nào về điều này?
Bà Trịnh Thị Thanh Bình: Là người làm công tác bảo vệ pháp luật, từ lâu tôi rất quan tâm tới tình trạng lạm dụng tình dục trẻ em. Tôi cho rằng từ việc tuyên truyền, phòng ngừa cho đến xử lý vi phạm, bảo vệ, hỗ trợ các em sau khi bị xâm hại, cả xã hội phải quan tâm.
Dư luận nói tình trạng này vẫn xảy ra, thậm chí gia tăng. Thực tế các vụ án xâm hại tình dục trẻ em ở các tòa án xử lý cũng khá nhiều. Ở Bến Tre, có năm lên tới hàng chục vụ, phổ biến nhất là hành vi hiếp dâm trẻ em, giao cấu với người chưa thành niên. Còn hành vi dâm ô đối với trẻ em trên thực tế có xảy ra, nhưng để làm rõ và xử lý ở mức độ hình sự, theo tôi nghĩ như “tảng băng trôi”. Tức là việc xử lý, phát hiện tương đối khó.
Đối tượng gây ra tình trạng này thường là người rất thân thiết, gần gũi với các em, thậm chí là những người thân trong gia đình, những người chăm sóc, giáo dục hay bảo vệ trẻ em. Tình trạng này khó phát hiện hoặc khi phát hiện ra nhưng đây lại là vấn đề liên quan đến danh dự, nhân phẩm; đúng ra là danh dự, nhân phẩm của người bị hại. Nhưng người có hành vi đó cũng rất sợ tai tiếng trước công luận.
Có nhiều gia đình bị hại phải ngậm đắng nuốt cay, không muốn đưa ra trước ánh sáng pháp luật để bảo vệ con mình. Điều này bị ảnh hưởng từ quan niệm, nhìn nhận của xã hội. Các em đã bị xâm hại tình dục, lại gặp nhận thức của một số ít người theo cách nhìn thiếu văn hóa và thiếu tính bảo vệ, coi như nhân phẩm của em đó bị xúc phạm. Cho nên những điều đó tác động đến tâm lý gia đình các em rất lớn.
Cá biệt có bậc phụ huynh hay người giám hộ tham tiền, khi người ta thỏa thuận bằng giá trị vật chất thì cũng không cộng tác với cơ quan bảo vệ pháp luật để bảo vệ nạn nhân. Thậm có trường hợp khi chuyện đã lỡ, hai bên lại thỏa thuận bằng cách hứa hẹn hợp thức hóa bằng cuộc hôn nhân. Tất cả những biểu hiện đó làm cho việc xử lý rất khó khăn.
PV: Luật pháp đã đứng về phía nạn nhân và trẻ em trong những trường hợp này ra sao, thưa bà?
Bà Trịnh Thị Thanh Bình: Tôi muốn nhấn mạnh thêm về quy định tố tụng của ta. Vấn đề mang tính kỹ thuật của việc giải quyết loại án này, đó là trợ giúp pháp lý, tư vấn tâm lý và kỹ năng của người tiến hành điều tra, truy tố xét xử, cách thức tổ chức phiên tòa nếu làm không khéo sẽ khiến các em – vốn đã là bị hại, bị tổn thương thêm.
Các em không những bị tổn thương một lần mà nhiều lần nữa, ví dụ như khi điều tra gặp bị hại nhưng cách giao tiếp trao đổi giống như với bị cáo, hoặc thiếu tế nhị. Thậm chí ra phiên tòa, các em lại phải là nhân chứng, trình bày trước phiên tòa. Đây là điều quá sức đối với các em.
Cho nên tôi rất ủng hộ việc xây dựng Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em lần này có bổ sung nội dung về tư pháp người chưa thành niên. Bên cạnh đó, Luật tổ chức toàn án đã có quy định tổ chức tòa chuyên trách về gia đình người chưa thành niên. Rất mừng là hiện nay Tòa án Tối cao đang chỉ đạo các địa phương hình thành, trước mắt là thí điểm, như phía Nam là tại TP HCM.
Theo đó, cách thức tổ chức phiên tòa làm sao để người dân tiếp cận dễ hơn, nhất là những vấn đề mang tính tế nhị. Nếu như người làm tố tụng không khéo có thể làm tổn thương những người có liên quan, đặc biệt là bị hại và nhân chứng.
Chúng tôi mong muốn, cùng với việc triển khai thành lập Tòa gia đình và người chưa thành niên, Quốc hội sẽ thông qua Luật giáo dục, chăm sóc và giáo dục trẻ em lần này (tên mới là Luật trẻ em). Đây sẽ có nền tảng pháp lý tốt hơn để xử lý các trường hợp làm dụng tình dục trẻ em.
Còn những vấn đề bảo vệ trẻ em trước những hành vi đó; việc tuyên truyền, phòng ngừa, cộng tác với các cơ quan bảo vệ pháp luật để đưa các trường hợp đó ra ánh sáng, chúng tôi nghĩ phải đồng bộ.
PV: Trở lại vụ diễn viên Minh Béo bị bắt tại Mỹ. Dư luận nhận thấy nước sở tại rất công khai và đã có kế hoạch nhanh chóng đưa ra xét xử. Trong khi ở ta, những vụ việc tương tự diễn ra chậm chạp, thậm chí “chìm xuồng”. Bà có ý kiến gì?
Bà Trịnh Thị Thanh Bình: Chuyện của diễn viên Minh Béo tôi cũng chỉ nghe qua các phương tiện thông tin, tình tiết cụ thể như thế nào không nắm được. Do đó, để so sánh khi không biết rõ sự việc cũng sợ khập khiễng.
Tuy nhiên, trong tố tụng hình sự của Việt Nam, tôi nghĩ có những điểm hơi khác ở chỗ luật của chúng ta cố gắng theo hướng tranh tụng. Nhưng trên thực tế vừa tranh tụng, vừa kết hợp với thẩm vấn, chính vì thế nó chi phối toàn bộ quá trình giải quyết một vụ án. Hàng loạt nữ sinh bán trú tiểu học nghi bị bảo vệ của trường dâm ô
Ví dụ khi có hành vi vi phạm xảy ra thông qua tin báo tố giác tội phạm, qua khâu xử lý tin báo xong, cơ quan có thẩm quyền mới nghiên cứu để xử lý. Nếu thấy có đủ điều kiện mới có thể khởi tố vụ án. Khi khởi tố vụ án, xem xét vụ việc xong mới khởi tố bị can hoặc có thể là đồng thời. Và chỉ khi có quyết định khởi tố bị can thì mới có thể bắt đến tạm giam và tiến hành các hoạt động tố tụng.
Trong trường hợp không có quyết định khởi tố bị can thì cơ quan điều tra không bắt được. Chỉ bắt người trong trường hợp khẩn cấp hoặc quả tang thì thủ tục nhanh hơn. Cái này phải theo một quy trình.
Còn để bắt được bị can, cơ quan tố tụng cũng phải có những chứng cứ tương đối tin tưởng. Bởi cái chính là giữa yêu cầu xử lý nhanh chóng tội phạm với việc sợ oan sai, đây là thách thức rất lớn đối với người làm công tác tố tụng. Cho nên người làm tố tụng phải tuân thủ chặt chẽ để vừa xử lý được tội phạm, vừa tránh oan sai.
Việc giằng co giữa hai vấn đề này làm cho trong một số trường hợp việc xử lý không nhanh chóng như ở nước khác.
PV: Xin cảm ơn bà!./.