Từ việc Thủy Tiên quyên góp được 100 tỷ, ĐBQH thấy "có một số vấn đề phải tính toán"
VOV.VN - 100 tỷ là số tiền “khổng lồ” mà ca sĩ Thuỷ Tiên quyên góp được để ủng hộ người dân miền Trung khắc phục thiệt hại nặng nề vì thiên tai. Đến nay, có không ít ý kiến trái chiều xung quanh hành động thiện nguyện và số tiền này.
Con số 100 tỷ đồng đang khiến câu chuyện nữ ca sĩ Thuỷ Tiên kêu gọi ủng hộ và tới miền Trung, hỗ trợ bà người dân chịu ảnh hưởng nặng nề vì thiên tai nhận được nhiều sự quan tâm và cả những ý kiến trái chiều “khen-chê”.
Chia sẻ bên lề Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV về câu chuyện này, đại biểu Lê Thanh Vân - đại biểu tỉnh Cà Mau, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng, Nhà nước và nhân dân chung tay hỗ trợ đồng bào bị thiên tai là việc làm nên khuyến khích.
Đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng, Thủy Tiên cùng nhóm của mình sẽ biết lựa chọn đối tượng như thế nào cho đúng và sẵn sàng chịu trách nhiệm trước những nhà tài trợ quyên góp vào quỹ đó: "Chắc chắn họ sẽ sẵn sàng để minh bạch. Người dân nên lưu giữ lại các bằng chứng để sau này khi lũ lụt hết rồi, những ai muốn truy cứu hành vi có minh bạch hay không thì Thủy Tiên có căn cứ để giải trình. Tôi nghĩ đây cũng là một sự lo xa, nhưng cũng nhiều bạn khác nói rằng khi người ta đã gửi tiền quyên góp cho Thủy Tiên, người ta đã ủy thác rồi và họ tin tưởng rằng đấy là địa chỉ tin cậy, cô sẽ đưa số tiền đó nhanh nhất, đúng nhất tới đối tượng cần cứu trợ".
Tuy nhiên, từ câu chuyện ủng hộ cho đồng bào miền Trung, đại biểu Lê Thanh Vân cũng cho rằng, có một số vấn đề cần phải quy định cho minh bạch. Một là không nên máy móc quy định rằng chỉ có tổ chức Nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân mà mỗi cá nhân cũng đều có quyền kêu gọi quyên góp, ủng hộ trường hợp khó khăn, nhất là những người có tên tuổi và uy tín trong xã hội.
Nhưng chúng ta cũng cần xem xét khuôn khổ pháp lý quy định vấn đề này như thế nào? Đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng: "Thủ tục ta có thể đăng ký thôi, không nhất thiết là phải qua một trình tự thủ tục hành chính phức tạp, giống như doanh nghiệp, chỉ cần đăng ký một mã định danh với thông tin cá nhân và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Sau đó, quy định về phương thức quyên góp, hình thức đi cứu trợ như thế nào một cách công khai, minh bạch... để ràng buộc trách nhiệm".
Hai là vấn đề công khai tài chính, Nhà nước phải đưa ra quy định, định hướng hướng dẫn cho họ để khi phải đối mặt với sự cố, họ có cơ hội giải trình minh bạch. Đồng thời có những quy định ngăn cấm để mà xử lý những hành vi lạm dụng thiên tai, địch họa để trục lợi nhân danh cứu hộ quyên góp để cứu trợ.
Ngoài ra, nhà hảo tâm có thể lựa chọn phương thức cứu trợ nhưng phải đảm bảo an toàn, theo đó, rất cần có hỗ trợ về mặt chuyên môn của hoạt động cứu trợ, cứu nạn để hướng dẫn họ xử lý khi có tình huống nguy hiểm.
Còn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề Xã hội của Quốc hội cho rằng, câu chuyện kêu gọi hỗ trợ và ủng hộ người dân vùng lũ còn có một số vấn đề phải tính toán.
Hiện nay, Việt Nam có Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam là 2 tổ chức quan trọng, thực hiện nhiều hoạt động kêu gọi ủng hộ theo quy định pháp luật. Các cá nhân, đơn vị hoàn toàn có thể tiếp cận 2 tổ chức trên để nguồn quyên góp được chuyển đến người dân một cách chính xác và đúng người, đúng chỗ, đúng nơi, đúng lúc.
Các cá nhân hoàn toàn có thể đứng lên kêu gọi quyên góp, ủng hộ. Như câu chuyện thực tế của Thủy Tiên đang kêu gọi quyên góp được hơn 100 tỷ. "Nhưng tôi nghĩ rằng, một người điều hành 100 tỷ đồng không thể bằng một tổ chức có uy tín, sức mạnh tham gia vận hành, phân phối. Thực tế, bây giờ nếu yêu cầu Thủy Tiên chứng minh chi tiết về nguồn tiền và việc sử dụng là rất khó" - đại biểu Bùi Sỹ Lợi nhận định./.