Từ vụ mô tô nước phát nổ: Phương tiện thủy tại khu du lịch được quản lý thế nào?
VOV.VN - Vụ nổ mô tô nước xảy ra tại vùng biển khu du lịch Cô Tô (Quảng Ninh) xảy ra mới đây khiến dư luận rất lo ngại. Đáng chú ý, theo khẳng định của chính quyền địa phương, mô tô nước phục vụ khách du lịch này hoạt động không có giấy phép.
Vậy, hoạt động của mô tô nước trong các khu du lịch được quản lý như thế nào? Vai trò của các bên ra sao trong việc đảm bảo an toàn các phương tiện thủy trong khu vui chơi, khu du lịch?
PV VOV Giao thông đối thoại với ông Hoàng Minh Toàn, Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam xung quanh nội dung này.
PV: Thưa ông, xin ông cho biết quy trình quản lý phương tiện thủy trong các khu du lịch, khu vui chơi giải trí đang được thực hiện như thế nào?
Ông Hoàng Minh Toàn: Hiện nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định 19/2024 về quản lý hoạt động của các phương tiện vui chơi giải trí dưới nước. Theo đó, đã phân cấp thẩm quyền chấp thuận vùng hoạt động vui chơi giải trí và đăng ký phương tiện vui chơi, giải trí dưới nước cho địa phương, cụ thể là Sở GTVT và chính quyền địa phương cấp huyện và cấp xã.
Cũng theo Nghị định này, để hoạt động vui chơi giải trí dưới nước, phương tiện phải được đăng ký, đăng kiểm, đồng thời chỉ được hoạt động trong vùng nước được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, công bố là vùng nước hoạt động vui chơi giải trí dưới nước.
PV: Trong quy định quản lý các phương tiện thủy này thì trách nhiệm của chính quyền địa phương và cơ sở du lịch đến đâu?
Ông Hoàng Minh Toàn: Như trên đã nêu, Sở Giao thông vận tải chấp thuận hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước trên đường thủy nội địa quốc gia và vùng nước, cảng biển; UBND cấp huyện sẽ tổ chức đăng ký phương tiện phục vụ cho vui chơi giải trí dưới nước và UBND cấp xã sẽ tổ chức quản lý phương tiện vui chơi giải trí dưới nước thuộc diện không phải đăng ký, không phải đăng kiểm.
Đối với các đơn vị thực hiện việc khai thác hoạt động và cung cấp dịch vụ vui chơi giải trí dưới nước thì phải có trách nhiệm: Thường xuyên kiểm tra các điều kiện an toàn của phương tiện, thiết bị, bố trí đầy đủ áo phao, thiết bị cứu sinh, thiết bị phòng cháy, chữa cháy theo quy định và phải có phương án đảm bảo an ninh, an toàn cứu hộ, cứu nạn và ngăn ngừa ô nhiễm môi trường và đồng thời cũng phải tập huấn, hướng dẫn kỹ năng an toàn cho người tham gia hoạt động vui chơi giải trí…
PV: Với vụ việc nổ mô tô nước như tại Quảng Ninh vừa rồi, phương tiện này hoạt động không phép. Vậy trách nhiệm của chính quyền và cơ sở quản lý du lịch đến đâu trong vụ việc này?
Ông Hoàng Minh Toàn: Thứ nhất là chủ sử dụng phương tiện phải chịu trách nhiệm. Thứ hai là đơn vị khai thác, quản lý khu vui chơi giải trí đó phải chịu trách nhiệm.
Thứ ba là các cơ quan có trách nhiệm được giao quản lý khu vực đó cũng phải chịu trách nhiệm trong việc để vụ việc đó xảy ra trong khu vực vui chơi giải trí.
PV: Trước những nguy cơ mất an toàn do phương tiện mô tô nước gây ra thì đơn vị có đề xuất giải pháp gì để quản lý các phương tiện thủy khu du lịch?
Ông Hoàng Minh Toàn: Ngay sau khi nghị định được ban hành, Cục đã chủ động triển khai các văn bản thông báo đến các Sở GTVT trên cả nước, trong đó cũng đề nghị Sở GTVT phải tăng cường công tác quản lý hoạt động của các phương tiện trong khu vực vui chơi giải trí, đồng thời cũng chú trọng đến công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động vui chơi giải trí dưới nước để thực hiện đúng theo các quy định của Nghị định 48 của Chính phủ.
Hiện nay cũng như thời gian tới, nhu cầu vui chơi giải trí dưới nước rất cao, đặc biệt là trong các dịp nghỉ hè, các dịp cao điểm của mùa du lịch. Do đó, Cục cũng tiếp tục đề nghị các địa phương tổ chức quản lý hoạt động này theo đúng quy định và đúng theo thẩm quyền. Đặc biệt là tăng cường về công tác tuyên truyền, phổ biến về đảm bảo trật tự an toàn giao thông đến chủ khai thác khu vui chơi giải trí, rồi chủ phương tiện tham gia khu vui chơi giải trí dưới nước.
Thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp phương tiện không đảm bảo điều kiện hoạt động theo quy định; thuyền viên, người điều khiển phương tiện không có bằng, chứng chỉ chuyên môn và yêu cầu các khu vui chơi giải trí phải có phương án đảm bảo an toàn giao thông phòng, chống cháy nổ để phòng ngừa và sẵn sàng ứng cứu với những sự cố xảy ra.
Trước diễn biến hiện nay, thời gian tới, để tăng cường công tác quản lý đối với khu vực vui chơi giải trí, Cục sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra việc triển khai thực hiện các khu vui chơi giải trí tại một số các địa phương.
PV: Xin cảm ơn ông.