Từ vụ nổ tại Hà Đông: Cảnh báo những “quả bom” trong khu dân cư
VOV.VN -Vụ nổ ở Hà Đông là hồi chuông báo động về nguy cơ nổ, kể cả vật liệu cháy, đang tiềm ẩn trong các khu dân cư ở các thành phố lớn.
Như đã thông tin, hồi 15h10 chiều 19/3, tại vỉa hè TT9 khu đô thị Văn Phú, Hà Đông, thành phố (TP) Hà Nội xảy ra một vụ nổ lớn khiến 5 người chết, 10 người bị thương, thiệt hại nhiều tài sản.
Theo kết quả giám định sơ bộ của Cục Kỹ thuật Hình sự Bộ Công an, thuốc gây ra vụ nổ là loại thường sử dụng để chế tạo bom mìn. Công an TP Hà Nội kết luận, vật liệu gây ra vụ nổ dạng bom do anh Cường (chủ cửa hàng mua phế liệu) mua về nhà, rồi dùng đèn khò phá với mục đích lấy sắt vụn bán. Trong quá trình cắt phá bằng đèn khò, nhiệt lượng đã kích nổ gây ra vụ nổ kinh hoàng này.
Vụ nổ kinh hoàng khiến nhiều người thương vong, trong đó có 1 trẻ em |
Sau vụ việc, dư luận dấy lên lo ngại về nguy cơ cháy nổ từ những cơ sở thu mua phế liệu, cũng như có thể gặp “tai bay vạ gió” nếu chẳng may một vụ nổ tương tự xảy ra.
Trao đổi với phóng viên bên lề kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII, đại biểu Trương Minh Hoàng (đoàn Cà Mau) cho biết, khi nghe thông tin về vụ nổ tại Hà Đông, ông cảm thấy rất xót xa cho những người gặp nạn, kể cả người trực tiếp gây ra tai nạn. Sự việc là một vụ tai nạn lao động thực sự đáng tiếc, là một hồi chuông báo động về nguy cơ nổ, kể cả vật liệu cháy đang tiềm ẩn trong các khu dân cư ở các thành phố lớn.
Đại biểu Trương Minh Hoàng thừa nhận, việc kiểm tra kiểm soát, quá trình vận chuyển, mua bán, quản lý phế liệu, vật liệu cháy nổ trên thực tế chưa thật nghiêm ngặt. Đối với những vật liệu cháy như gas, xăng dầu, đã có quy định rõ ràng như không ở gần khu chung cư, dân cư, không ở ngoài phố… Thế nhưng dễ dàng nhận bắt gặp ở bất cứ thành phố nào, địa điểm nào, tồn tại nhiều cây xăng nằm ở trung tâm. Những cơ sở bán bình gas cũng rất gần khu dân cư, hoặc ngay trong khu dân cư, kể cả vật liệu nổ.
Ông Trương Minh Hoàng khẳng định, đây chính là những “quả bom nổ chậm” mà chúng ta không thể kiểm soát được. Không ai dám khẳng định các loại bình gas 100% mới, đảm bảo 100% chất lượng. Tương tự với vật liệu nổ, nhiều điểm thu mua phế liệu nằm ngay khu dân cư. Những người kinh doanh mặt hàng này cho rằng đó là những thứ hoàn toàn bỏ đi. Còn người đi nhặt phế liệu thì vì miếng cơm manh áo, vì lợi nhuận mà làm, đến quả bom cũng tưởng là cục sắt như trường hợp ở Hà Đông.
“Nếu không có kiểm soát, không cương quyết xử lý thì trường hợp tương tự còn có thể xảy ra. Tôi còn nhớ cách đây một vài năm, ở trung tâm Hà Nội đã xảy ra cháy nổ ở cây xăng. Vụ việc ở Hà Đông vừa qua tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo để các ngành chức năng có giải pháp cương quyết hơn, mạnh tay hơn, tránh xảy ra trường hợp đáng tiếc tương tự” – ông Trương Minh Hoàng cảnh báo.
Về giải pháp, theo đại biểu, trước tiên chính những người trực tiếp tham gia quá trình mua bán, vận chuyển hay thu gom phế liệu, kể cả những người kinh doanh những vật liệu dễ cháy, dễ nổ như xăng dầu, bình gas phải nâng cao nhận thức về tác hại nếu tai nạn xảy ra. Cơ quan chức năng nếu kiểm tra nghiêm nghiêm ngặt sẽ phát hiện ra ngay, cần thiết phải xử phạt hành chính để răn đe.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác kiểm tra. “Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng đòi hỏi đội kiểm tra cấp quận, huyện, tỉnh, thành phố mà kiểm tra ngay trên địa phương. Ví dụ chính quyền địa phương, cơ sở hàng ngày đi qua phát hiện phải xử lý ngay. Người dân khi phát hiện sự bất ổn cũng nên có sự cảnh báo” – ông Hoàng đề xuất.
Ông Trương Minh Hoàng cũng chia sẻ thêm câu chuyện của ông Nguyễn Văn Tới (Vĩnh Bảo, Hải Phòng) vừa giao nộp 3 quả bom có tổng trọng lượng hơn 300kg, chiều dài mỗi quả là 1,1m, rộng 0,2m. Tất cả 3 đều đã han gỉ, không còn nguyên trạng.
Ông Tới mua về với mục đích lấy sắt để bán lại. Tuy nhiên, sau khi xảy ra vụ nổ kinh hoàng do cưa lấy phế liệu ở Hà Nội, ông đã trình báo với chính quyền địa phương mong muốn được giao nộp lại 3 quả bom trên.
Từ đó, đại biểu Trương Minh Hoàng nhấn mạnh, cần phát huy ý thức của người dân để tự bảo vệ chính bản thân họ trước tiên và bảo vệ cộng đồng./.