Từ vụ sập nhà Cửa Bắc: Người dân hoang mang lo sợ
VOV.VN - Sau sự cố sập nhà số 43 Cửa Bắc, Hoàn Kiếm, Hà Nội, nhiều người dân hoang mang khi sống trong những ngôi nhà cổ xuống cấp.
Khoảng 3h30 sáng ngày 4/8, căn nhà số 43 Cửa Bắc, Hoàn Kiếm, cao 3 tầng đã bị đổ sập hoàn toàn, khiến 2 người chết và 3 người bị thương. Sau sự việc này, nhiều người dân sống quanh khu vực và trong các căn nhà xuống cấp tại Hà Nội bày tỏ lo ngại về sự an toàn trong những ngôi nhà cũ, nhà cổ.
Nhiều người dân hoảng sợ khi căn nhà đổ sập sau một đêm. |
Chị Thái, sống tại số 45, Cửa Bắc cho biết căn nhà bị đổ được xây từ thời bao cấp, đã xuống cấp lại nằm ngay sát bên cạnh một nhà đang đào móng xây mới nên có thể bị chịu tác động. Sau khi nhà số 43 bị sập hoàn toàn, nhà chị cũng đã xuất hiện những vết nứt dài, tường bị xé toạc. “Chính quyền đã đến và nói rằng chúng tôi cần di chuyển đến nơi khác để đảm bảo an toàn, người già và trẻ nhỏ đã chuyển hết đi rồi. Chỉ khi nhà đổ sập xuống thì mọi người mới biết, nên thấy hoang mang và sợ lắm. Chính quyền địa phương cũng cần phải vào cuộc để chúng tôi có thể yên tâm sống trong nhà mình, chứ lúc nào cũng nơm nớp lo sợ thì không ổn”, chị Thái cho biết thêm.
Chị Tuyết ( Trúc Bạch, Hà Nội) nhân viên một quán ăn gần hiện trường vẫn chưa hết sợ hãi chia sẻ: “Tôi làm thuê ở gần đây đã lâu, nhưng chưa thấy vụ sập nhà nào lại đáng sợ như vậy. Rạng sáng khi nghe thấy tiếng đổ rầm, rồi tiếng còi cứu hỏa inh ỏi, chạy ra thì thấy căn nhà kia chỉ còn là 1 đống đổ nát. Còn chưa hiểu có chuyện gì đang xảy ra. Sợ lắm. Thực sự tôi cũng thấy rất hoang mang”.
Anh Lê Thanh Hải, một người dân sông tại Cửa Bắc, có mặt tại hiện trường từ 6h sáng chia sẻ: “Ai chứng kiến cảnh này cũng thấy hoảng sợ. Nhà này đã xuống cấp, lại thêm việc nhà bên cạnh đang xây máy móc chạy ầm ầm thế kia chả đổ. Chỉ là người bên ngoài chứng kiến tôi đã thấy kinh hãi. Từ vụ đổ nhà lần này tôi thấy vấn đề quy hoạch, xây sửa tại các khu phố cổ thế này cần được làm nghiêm ngặt, vì có những ngôi nhà xây mới cạnh những nhà cũ sẽ tác động rất lớn”.
Bà Trần Thị Điều ( Phúc Xá, Hoàn Kiếm) cho biết: “Hà Nội có bao nhiêu là nhà cũ, nhà cổ, nhà xuống cấp, mà lại không có điều kiện tu sửa hay không được sửa thì quá nguy hiểm. Chúng tôi vẫn phải sống thế bao nhiêu năm nay, cũng chả biết trước lúc nào sẽ đổ”.
Một người dân sống trong ngôi nhà được xây dựng cách đây hàng trăm năm tại Ô Quan Chưởng, chia sẻ: “Thỉnh thoảng lại nghe tin nhà cổ đổ thế này tôi cũng thấy hoang mang lắm chứ. Ngôi nhà này được xây cách đây hàng trăm năm, nói chung là cũng đã xuống cấp nghiêm trọng rồi, cũng phải sửa chữa, gia cố nhiều lần. Gia đình chúng tôi thì ở tầng dưới, nếu có dột nát, đều sửa lại cho kiên cố. Còn tầng 2, tầng 3 thì rêu mốc, vỡ lở, nhưng là hộ khác sống, chúng tôi cũng thấy nguy hiểm, nhưng chả thể làm gì được”.
Không chỉ tại quận Hoàn Kiếm, mà không ít người dân Hà Nội tại các khu vực khác cũng đang sống trong những khu nhà tập thể xuống cấp trầm trọng.
Một người dân sống tại khu tập thể E6 Thành Công, cho hay: “Mỗi lần mưa, đứng trong gian bếp cũng phải mặc áo mưa đội nón. Có bao nhiêu nồi, chậu cũng phải mang ra hết mà hứng nước mưa. Đã thế nhà hàng xóm đóng đinh vào tường nhà tôi cũng bị đổ hết bát đũa ở tủ treo trong gian bếp do tường bị rung. Cũng thấy nguy hiểm lắm, đêm nằm chỉ cần có tiếng động mạnh cũng đã giật mình”.
Trong 2 năm, Hà Nội liên tiếp xảy ra các vụ sập nhà tại các khu phố cổ. Hồi tháng 9/ 2015 cũng đã xảy ra vụ sập nhà tại số 107 Trần Hưng Đạo( quận Hoàn Kiếm) khiến 2 người tử vong làm người dân hoang mang lo sợ. Một lần nữa những người dân phố cổ lại phải run rẩy trước những âm thanh ghê rợn./.