Tương lai hàng chục triệu người già không có hưu trí: Giải pháp nào?
VOV.VN - Trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid 19, nhiều người lao động mất việc làm dẫn đến số người rút BHXH gia tăng trong những năm gần đây, trung bình mỗi năm tăng 10%, đặc biệt trong tháng 6 và tháng 7/2023 tăng 18-20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước tương lai hàng chục triệu người già không có hưu trí, gây gánh nặng lên hệ thống an sinh xã hội thì việc giữ nguyên hay siết điều kiện hưởng BHXH một lần trở thành vấn đề cần quan tâm đặc biệt trong dự luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lần này.
Chị Nguyễn Thị Tường, ở xã Tiên Mỹ, huyện Tiên Phước, Quảng Nam làm công nhân được hơn 10 năm thì nghỉ việc do sức khỏe yếu. Cần tiền trang trải cuộc sống, chị Tường làm thủ tục rút BHXH một lần. Tuy nhiên, sau khi được tư vấn về quyền lợi tiếp tục tham gia BHXH, chị Tường bảo lưu và tiếp tục đóng khi có việc làm hoặc tham gia theo hình thức BHXH tự nguyện: “Khi nghỉ tôi tiếp tục đóng BHXH tự nguyện. Khi đến tuổi nghỉ hưu, bản thân cũng thường xuyên ốm đau nhưng khi có được sổ lương là một điều rất quý, bản thân cũng lo được một phần tài chính về tuổi già, nếu không sẽ phải sống phụ thuộc vào con cháu”.
Còn chị Lê Thị Hoa ở huyện Bố Trạch, Quảng Bình chia sẻ, sau khi rút hết BHXH một lần, chị muốn đóng lại từ đầu để sau này được hưởng lương hưu khi về gia và chế độ BHYT: “Lúc đi rút thì em cứ nghĩ rằng mình đang còn trẻ, mình sẽ làm một công ty khác rồi sẽ đóng lại nhưng bây giờ mới thấy hối hận vì quá trình mình đóng dài rồi, đóng lại từ đầu thì cũng là vấn đề khó khăn. Bây giờ thấy ba mẹ lớn tuổi rồi vẫn phải đi làm vất vả, lương hưu thì không có mà phải mua BHYT. Thấy ba mẹ như thế thì em suy nghĩ mình phải thay đổi”.
Thống kê đến cuối năm 2022, Việt Nam có khoảng 14,4 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu nhưng chỉ có 2,7 triệu người hưởng lương hưu; 0,6 triệu người hưởng trợ cấp hàng tháng từ Quỹ BHXH. Hơn 1,8 triệu người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ ngân sách nhà nước. Khoảng 9,6 triệu người già sau tuổi lao động không nhận được bất kỳ khoản nào và dự báo tăng lên 13 triệu vào năm 2030.
Khảo sát của Chương trình Quỹ dân số Liên Hợp Quốc cũng cho thấy, nguồn thu nhập của người già Việt Nam phần lớn đến từ sự hỗ trợ của con cái, khoảng 38%; 29% từ tiếp tục làm việc, chỉ 15% hưởng hưu trí và 10% nhận trợ cấp xã hội. Như vậy sẽ khó đảm bảo lưới an sinh xã hội.
Với mục tiêu hướng đến BHXH toàn dân, hạn chế rút BHXH một lần, trong dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đưa ra hai phương án rút BHXH một lần.
Phương án một, rút BHXH một lần được giải quyết với hai nhóm lao động khác nhau. Nhóm một là người đóng tham gia trước khi Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực (dự kiến 1/7/2025), sau 12 tháng nghỉ việc mà có nhu cầu thì được nhận BHXH một lần. Nhóm hai, với người bắt đầu đi làm và tham gia hệ thống từ sau ngày 1/7/2025 sẽ không được nhận BHXH một lần, trừ các trường hợp theo quy định.
Phương án hai, lao động đóng BHXH dưới 20 năm mà sau 12 tháng nghỉ việc không thuộc diện đóng bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện thì được rút một lần nếu có yêu cầu. Quyền lợi giải quyết tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ Hưu trí tử tuất, phần còn lại được bảo lưu để hưởng chế độ sau khi đủ điều kiện.
Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật BHXH (sửa đổi) cho biết: “Trong 2 phương án này thì cũng chưa phải tối ưu nhưng ít ra cũng có thể chấp nhận được. Nếu như nhìn lại thì đúng với tinh thần Nghị quyết 28 thì chúng ta chọn phương án 2, nó sẽ hài hòa với người đang tham gia với người tương lai tham gia. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, tính toán xem có thể thay việc rút này bằng các cơ chế, chính sách khác để người lao động không phải rút, ví dụ như tín dụng cho người lao động”.
Nhấn mạnh con số hơn 9,6 triệu người già hết tuổi lao động hiện không có an sinh, dự báo sẽ tăng lên hàng chục triệu người khi Việt Nam già hóa dân số. Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho rằng: “Nhà nước ban hành chính sách chính là để người lao động có trách nhiệm với chính mình, trách nhiệm với tương lai, chính vì vậy tôi nghĩ chúng ta theo xu hướng của các nước là phải quy định chặt chẽ lại vấn đề này và đồng thời có giải pháp như khi người lao động khó khăn, hệ thống tín dụng của Nhà nước có thể cho vay lãi suất thấp hoặc thậm chí là chúng ta phải có khoản trợ cấp xã hội để giúp cho những người khó khăn thực sự đó, mà người ta không còn con đường nào khác. Chính sách thì chúng ta phải tuyên truyền cho rõ”.
Thực tế, nhiều lao động sử dụng số tiền rút BHXH một lần để đối phó với các rủi ro trong cuộc sống xem như là nguồn thu nhập thay thế khi thất nghiệp... Do đó, nỗ lực giảm tình trạng rút BHXH một lần nên đi kèm với cung cấp thêm các chế độ trợ cấp ngắn hạn, giúp lao động có thêm nguồn thu nhập, tạo động lực để họ ở lại hệ thống.
Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam nêu ý kiến: “Một loạt các chính sách tổng thể giải quyết vấn đề này, có nghĩa là có 2 vấn đề: một là lợi ích của việc tham gia, lợi ích của giữ họ ở lại lâu dài nhưng đồng thời cũng phải có những cái để cho họ có niềm tin vào chính sách. Thứ hai là đưa ra các chế độ linh hoạt hơn, đặc biệt là quan tâm, bảo đảm việc làm bền vững. Chúng ta cứ chú ý đến chính sách BHXH nhưng nếu một người lao động có việc làm bền vững thì họ không bao giờ nghĩ đến chuyện rút ra khỏi hệ thống BHXH bằng việc nhận BHXH một lần”.
Dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi dự kiến được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp Quốc hội tháng 10/2023, thông qua tại kỳ họp tháng 5/2024 và có hiệu lực từ 1/7/2025. Vấn đề đặt ra, đó là phải xử lý hài hòa quyền và lợi ích của tập thể và cá nhân từng lao động. Chính sách cần khuyến khích người lao động ở lại hệ thống thông qua các chế độ, nhằm đảm bảo mục tiêu bao phủ BHXH toàn dân cũng như đảm bảo an sinh xã hội.