Tùy hứng lý.. trạm cân!
Câu chuyện hiệu quả của trạm cân Dầu Giây là sự tùy hứng trong việc xây dựng và thực hiện các dự án dân sinh.
Sau hai năm hoạt động, trạm cân Dầu Giây, trạm cân xe điện tử hiện đại nhất Việt Nam mang về cho ngân sách 13 tỷ đồng tiền phạt nhưng tổng số tiền phải chi ra để sửa chữa cầu đường do xe chạy quá tải vẫn lên tới 95 tỷ đồng. Đó là chi tiết được báo Pháp luật TP HCM giật tít trong bài tường thuật hội nghị tổng kết công tác thí điểm trạm cân này. Chỉ chi tiết đó thôi, chưa kể số tiền khổng lồ chi phí để vận hành, bảo dưỡng… cũng đủ thấy việc đầu tư xây dựng trạm cân Dầu Giây không mang lại hiệu quả và là một sự lãng phí lớn.
Về bản chất, việc xây dựng một trạm cân xe điện tử không hề là một sự lãng phí. Đó là điều kiện tiên quyết để đảm bảo những con đường không bị phá hoại bởi các loại xe quá tải, quá khổ, hạn chế tối đa chi phí sửa chữa, bảo dưỡng cầu đường. Song, thực tế quá trình hoạt động thí điểm đã chứng minh ngược lại.
Vì sao chỉ một cái việc xây dựng trạm cân thôi mà từ kết quả từ lý thuyết đến thực tiễn lại cách xa nhau như thế?
Lý do đầu tiên người ta nghĩ đến là năng lực quản lý và bệnh tham nhũng khiến cho trạm cân không
Tại hội nghị tổng kết thí điểm trạm cân Dầu Giây vừa qua, 5 lý do được chính người phụ trách trạm cân này đưa ra để giải thích những bất cập của trạm cân này, gồm: sự thiếu đồng bộ của công nghệ, vị trí đặt trạm không phù hợp; thiếu thực tế trong việc nhận định các quy luật tham gia giao thông; thiếu thực tế trong việc huy động nhân lực; cuối cùng là vận hành mà không có những tiêu chí, tiêu chuẩn chính xác.
Cả 5 yếu tố này đều chứng minh một thực tế là trạm cân Dầu Giây đã được xây dựng nên mà không có một phương án khả thi với những đánh giá chính xác về tác động, hiệu quả, những khó khăn, trở ngại khi vận hành. Như vậy, rõ ràng trước khi xây dựng trạm cân này, người ta đã không hề có những báo cáo nghiên cứu, đánh giá kỹ thuật để đảm bảo tính hiệu quả của dự án. Hoặc nếu có, thì đó cũng chỉ là những bản báo cáo được thực hiện lấy lệ, không hề được phản biện nghiêm túc.
Nếu như cách đây hai năm, trước khi xây dựng trạm cân Dầu Giây, 5 nguyên nhân dẫn đến việc nó hoạt động thiếu hiệu quả như đã đề cập trên đây được đưa ra, chắc chắn câu chuyện đã diễn ra hoàn toàn khác. Và 5 yếu tố ấy, liệu có cần phải trải qua hai năm thất bại người ta mới nhìn ra?
Ông Phan Hiền, Phó Tổng Giám đốc Khu Quản lý đường bộ 7, đơn vị phụ trách Trạm cân Dầu Giây đã dễ dàng chỉ ra những nguyên nhân thất bại ấy sau 2 năm. Vậy câu hỏi được đặt ra ở đây là 2 năm trước, ông đã ở đâu, và tại sao không đưa ra những câu hỏi về các yếu tố này?
Câu trả lời là ông Phan Hiền và những đồng sự của ông có thể vẫn ở đó, thậm chí có thể ông đã nhìn ra những vấn đề bất hợp lý kể trên. Nhưng ông ta không thể hoài nghi một dự án khi nó chưa thực hiện. Bởi phản biện chưa được coi là một hoạt động cần thiết trong quy trình thực hiện một dự án như xây dựng trạm cân Dầu Giây và rất nhiều dự án khác, thậm chí có mức độ quan trọng lớn hơn cả ngàn lần.
Câu chuyện về trạm cân Dầu Giây được nhiều tờ báo đồng loạt đưa tin ngày hôm qua khiến người đọc giật mình bởi những con số. Song, có lẽ, không ít người trong số những người đang sửng sốt đó đã thực sự biết rằng đó là một hậu quả tất yếu khi mà các dự án, các siêu dự án vẫn cứ được ra đời mà không hề dựa trên những căn cứ khoa học đã được bảo vệ trước những ý kiến phản biện nghiêm túc. Điều này chỉ có thể được chấm dứt khi mà việc phản biện được coi là quyền, và trách nhiệm bắt buộc của mỗi người trước những vấn đề liên quan đến công việc của mình./.