Tuyến dưới điều trị Covid-19 đóng cửa, bệnh viện tuyến trên áp lực
VOV.VN - Theo thống kê của Bộ Y tế, trong ít tuần trở lại đây, mỗi ngày cả nước ghi nhận khoảng 2.700 ca mắc Covid-19, nhiều trường hợp nặng phải nhập viện.
Theo thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy, nếu như từ tháng 5 đến hết tháng 7/2022, bệnh viện không tiếp nhận, điều trị ca mắc Covid-19 nào thì bắt đầu từ tháng 8/2022, lượng bệnh nhân mắc Covid-19 tăng đột biến. Bác sĩ Tôn Thất Quang Thắng, Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, hiện có 41 ca mắc Covid-19 đang điều trị tại khoa, trong đó có 21 trường hợp nặng và nguy kịch.
“Hơn 60% bệnh nhân được chuyển lên từ các tỉnh lân cận với bệnh nền nặng. Mỗi ngày có 3-4 ca nặng phải thở máy. Áp lực điều trị tại bệnh viện đang tăng trở lại. Tỷ lệ tử vong vì Covid-19 hiện nay là 30%, đặc điểm chung là người trên 70 tuổi, 100% có bệnh nền, chưa tiêm hoặc tiêm vaccine chưa đủ liều”, bác sĩ Tôn Thất Quang Thắng thông tin.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, hai tháng qua, trung bình mỗi tháng có khoảng 30 bệnh nhi mắc Covid-19 đến khám và điều trị. Bác sĩ Võ Thành Luân, Phó khoa Hồi sức Covid-19 - Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết, số trẻ mắc Covid-19 cần phải nhập viện theo dõi cũng tăng lên 5-8 ca/ngày. Đa số trẻ có bệnh nền kèm theo, như viêm đường hô hấp trên, có bệnh nền. Một số ít bị viêm phổi phải thở oxy, tuy nhiên không có trẻ thở máy hay chạy ECMO.
Còn tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương những ngày gần đây, số bệnh nhân Covid-19 nhập viện liên tục tăng mạnh. Theo các bác sĩ, trong số các bệnh nhân Covid-19 nặng đang điều trị tại bệnh viện, có hàng chục trường hợp phải thở máy, thở oxy. Hầu hết bệnh nhân nặng là người cao tuổi hoặc có nhiều bệnh nền như: phổi tắc nghẽn mãn tính, suy giảm miễn dịch, bệnh tim mạch...
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, dù tới thời điểm này, số bệnh nhân Covid-19 nặng đang tăng nhưng các khu điều trị của bệnh viện chưa bị quá tải. Tuy nhiên, điều này cũng gây ra áp lực không nhỏ đối với y, bác sĩ. Các trường hợp mắc Covid-19 đang điều trị hầu hết là người không tiêm vaccine, hoặc tiêm chưa đủ liều dẫn tới diễn biến nặng hơn.
Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân của việc gia tăng bệnh nhân Covid-19 ở bệnh viện tuyến trên là do nhiều cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 ở tuyến dưới có xu hướng đóng cửa. Cùng với đó, do thời gian tiêm vaccine Covid-19 mũi 3 đối với nhiều người đã qua hơn 6 tháng nên hiệu lực vaccine giảm, bệnh nhân dễ mắc Covid-19 trở lại, khi mắc sẽ nặng hơn. Vì vậy, việc tiêm vaccine Covid-19 mũi 4 rất quan trọng với người có yếu tố nguy cơ cao, người có bệnh nền./.