Tuyển sinh năm 2023: Mở nhiều ngành học mới gắn với công nghệ số
VOV.VN - Trí tuệ nhân tạo AI đang thu hút sự quan tâm của dư luận trong thời gian gần đây. Nắm bắt nhu cầu xã hội, năm 2023, nhiều cơ sở giáo dục đại học mở thêm ngành học mới gắn với công nghệ số. Cùng với đó là nhóm ngành ngôn ngữ, chăm sóc sức khoẻ cũng được nhiều trường lựa chọn và giảm chỉ tiêu ở những ngành đào tạo truyền thống.
Theo thông tin mà các cơ sở giáo dục đại học đã công bố, năm 2023 nhiều đơn vị mở thêm ngành học mới và tăng chỉ tiêu tuyển sinh. Nhóm ngành được nhiều trường lựa chọn mở ngành học mới chủ yếu thuộc lĩnh vực kinh tế, công nghệ, ngôn ngữ…
Ông Trần Khắc Thạc, Phó trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Thuỷ lợi cho biết: "Ngoài những ngành đã tuyển sinh những năm 2022, nhà trường dự kiến sẽ tuyển sinh và đào tạo thêm ngành về Luật kinh tế và ngành Ngôn ngữ Trung. Nếu mà có thể kịp thì nhà trường có thể mở thêm ngành Ngôn ngữ Hàn và Ngôn ngữ Nhật trong năm nay. Đối với các ngành mở mới thì nhà trường sẽ chỉ tuyển từ 50 đến 60 chỉ tiêu cho một ngành".
Trong số các ngành học mới, các trường đều ưu tiên nhóm ngành liên quan đến lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, công nghệ số như: Robot và trí tuệ nhân tạo, Kinh tế số, Marketing số Công nghệ tài chính; Marketing công nghệ; Kinh doanh số; Công nghệ logistics… Lý giải việc mở thêm ngành học mới, đại diện các cơ sở giáo dục đại học cho biết, các ngành này có tính mới và phù hợp với bối cảnh hiện tại đó là công nghệ số đang phát triển mạnh mẽ và nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao ở những ngành này đang trở nên ngày càng cấp thiết.
Ông Trần Mạnh Hà, Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Ngân hàng cho biết, năm nay nhà trường đưa vào 4 chương trình đào tạo mới đó là Ngân hàng số, Công nghệ tài chính, Logictics và quản lý chuỗi cung ứng và Quản trị du lịch.
"Trước khi được phê duyệt, nhà trường đã nghiên cứu rất kỹ về nhu cầu của thị trường lao động và nhu cầu của các đơn vị tuyển dụng trong nhiều năm tới về nguồn nhân lực chất lượng cao và thấy rằng là 4 chương trình đào tạo trên nhận được sự quan tâm đặc biệt lớn của thị trường tuyển dụng. Có hai ngành nhấn mạnh rất nhiều đến lĩnh vực chuyển đổi số của ngành ngân hàng cũng là một trong lĩnh vực trọng điểm của ngành cũng như của Chính phủ. Đó là chương trình đào tạo về Ngân hàng số và Công nghệ tài chính, nó mang tính đào tạo liên ngành, tức là nó không mang tính truyền thống thuộc một ngành cụ thể, mà sẽ liên ngành giữa ngành Ngân hàng, ngành Tài chính với công nghệ thông tin", ông Hà cho biết.
Theo các chuyên gia, việc các cơ sở giáo dục đại học mở nhiều ngành mới được đánh giá là xu hướng dễ hiểu, nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực khi đất nước ngày càng hội nhập và hướng đến cách mạng công nghiệp 4.0; Đồng thời giúp các trường dễ thu hút học sinh để tuyển sinh tốt hơn. Xu hướng đầu tư mở ngành học mới cũng chứng tỏ rằng, các trường chuyển mình từ đào tạo những gì mình có sang đào tạo những gì thị trường cần. Vì thế, những ngành nghề đào tạo truyền thống, hay những ngành không được nhiều thí sinh lựa chọn cũng được các trường giảm dần chỉ tiêu tuyển sinh.
Ông Nguyễn Đức Khoát, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Mỏ- Địa chất cho biết, những năm gần đây, một số ngành truyền thống thuộc khối ngành Mỏ của trường rơi vào trạng thái khó tuyển sinh, mỗi khoá chỉ tuyển được 1 lớp do không có thí sinh đăng ký, điểm trúng tuyển cũng ở mức thấp: "Thực tế là doanh nghiệp khi họ về đặt hàng nhà trường ở những ngành nghề truyền thống thì nhu cầu là có. Tuy nhiên, do truyền thông xã hội, các em cũng có thể chưa nắm bắt được, hoặc vẫn bị đam mê theo xu thế, do đó vẫn đăng ký vào một số ngành hot, còn bản chất, những ngành nghề truyền thống là vẫn có nhu cầu cao của xã hội. Tuy nhiên, nhu cầu cao của xã hội, nếu phân tích thì nó rơi chủ yếu vào các doanh nghiệp nhà nước, lương trả theo lương cơ bản thấp. Do đó các em vẫn tập trung vào những ngành hot, có khả năng lương cao, thì đấy đang bất cập của tuyển sinh nói chung hiện tại của Việt Nam".
Theo bà Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc mở ngành đào tạo mới rất chặt chẽ, trong đó, việc mở ngành phải đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, giáo trình… theo yêu cầu từng nhóm ngành nghề khác nhau. Ngành đăng ký đào tạo phải phù hợp với nhu cầu xã hội và người học, với yêu cầu nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội và phù hợp chức năng, nhiệm vụ của trường. Vì thế, việc thí sinh lựa chọn ngành học nào cần căn cứ trên nhiều yếu tố.
"Khi một ngành đào tạo mới được mở ra thì các trường đều đã có sự nghiên cứu về nhu cầu của ngành đó. Việc lựa chọn một ngành nghề đào tạo mới mở ra hay đã mở từ những năm trước không phải là yếu tố quyết định, mà chúng ta cần phải có sự hiểu sâu, có sự định hướng căn cứ vào năng lực sở trường của mình, vào sở thích và thậm chí có khi cả vào điều kiện gia đình. Do đó việc nghiên cứu về xu hướng dự báo là rất quan trọng, nhưng đồng thời như tôi đã khẳng định các em đã lựa chọn một ngành nghề đó thì cái quan trọng nhất là chúng ta có học giỏi được lĩnh vực đó hay không", bà Thủy nói.
Báo cáo tổng kết công tác tuyển sinh năm 2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, 4 nhóm ngành có thí sinh trúng tuyển nhiều nhất là: Máy tính và Công nghệ thông tin, Kinh doanh và quản lý, Công nghệ kỹ thuật và nhóm ngành Nhân văn. Nhiều chuyên gia cho rằng, thực tế lựa chọn ngành nghề này của thí sinh cũng sẽ không thay đổi trong mùa tuyển sinh năm nay. Tuy nhiên, việc các trường mở thêm nhiều ngành khiến hệ thống ngành nghề bị trùng lặp; có nhiều ngành mới mở ra thực chất chỉ là dựa trên những ngành cũ hoặc cùng lĩnh vực nhưng mỗi trường đặt tên một kiểu nhằm thu hút thí sinh. Điều này ảnh hưởng và gây khó khăn trong việc tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh./.