Uống thuốc diệt cỏ sau khi cãi nhau với người yêu
VOV.VN - Đây là một trong số ca nhập viện do uống thuốc diệt cỏ trong những ngày Tết.
Uống rượu đi xe "kẹp ba" phóng nhanh vượt ẩu
Mặc dù cơ quan chức năng và các phương tiện thông tin đại chúng liên tục cảnh báo về tác hại của việc lạm dụng rượu bia, nhưng trong những ngày nghỉ Tết vừa qua, số vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia vẫn ở mức cao.
Chăm sóc em chồng đang bất tỉnh tại khoa Cấp cứu Bệnh viện Việt Đức, chị Bùi Thị V. ở huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang cho biết, bệnh nhân mới chỉ 15 tuổi. Ngày mùng 3 Tết vừa qua, sau khi tụ tập bạn bè, uống rượu, em chồng chị đã đi xe máy “kẹp ba”, phóng nhanh, vượt ẩu nên đâm vào ô tô.
Bệnh nhân bị tai nạn giao thông tại Bệnh viện Việt Đức |
“Gia đình tôi không cho em tôi đi xe máy nhưng khi tụ tập bạn bè, chú ấy đi xe máy, không đội mũ bảo hiểm và còn kẹp 3 nữa, phóng nhanh nên đâm vào ô tô, bị kéo lê trên đường, rất nặng. Hai người bạn đi cùng bị nhẹ hơn. Em tôi hiện nay bị chấn thương sọ não, dập não, dập phổi, gẫy xương háng và mắt cá chân”.
Mặc dù cơ quan chức năng và các phương tiện thông tin đại chúng liên tục cảnh báo về tác hại của việc lạm dụng rượu bia, nhưng trong những ngày nghỉ Tết vừa qua, số vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia vẫn ở mức cao.
Từ ngày 30 Tết đến mùng 5 Tết, chỉ riêng Bệnh viện Việt Đức đã tiếp nhận gần 600 ca tai nạn giao thông, trong đó mỗi ngày có từ 50 đến gần 100 trường hợp chấn thương sọ não. Trong số những bệnh nhân chấn thương nặng do tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia chủ yếu là thanh niên.
“Em vợ của tôi đi họp lớp, liên hoan uống rượu, rồi đi hát karaoke, lại uống rượu tiếp. Khi về đi tốc độ nhanh, đâm vào cột điện. Ngoài ra, còn có thanh niên mới lớn đi uống rượu, khi về quá chén hai bên cùng đi ngược chiều nhau và đâm thẳng vào nhau”, một người dân chia sẻ.
Bác sỹ Vũ Văn Hà, khoa Phẫu thuật Tiết niệu, Bệnh viện Việt Đức cho biết, đối với những bệnh nhân tai nạn giao thông do rượu bia, việc theo dõi sức khỏe và chỉ định mổ gặp nhiều khó khăn. Bởi bệnh nhân thường có những biểu hiện kích thích hoặc tri giác bất tỉnh. Bác sĩ sẽ khó xác định bệnh nhân bệnh nhân bất tỉnh do rượu hay do chấn thương sọ não. Thông thường, phải chờ từ 1 đến 2 ngày để bệnh nhân tỉnh cơn say rượu mới xác định được chính xác nguyên nhân.
“Bệnh nhân vào viện cấp cứu do uống rượu bia thì chiếm tỷ lệ hầu hết vào ngày Tết. Đặc biệt tai nạn giao thông chiếm đến 80%, trong đó có đến 60% có nồng độ cồn trong máu. Việc cấp cứu bệnh nhân tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia rất vất vả” - Bác sỹ Vũ Văn Hà cho biết.
Cũng liên quan đến rượu, bia, trong những ngày nghỉ Tết, Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận 5 ca ngộ độc rượu, trong đó 1 trường hợp tử vong. Khoa Cấp cứu của bệnh viện này cũng tiếp nhận hàng trăm trường hợp liên quan đến rượu, bia như chấn thương do tai nạn giao thông, xuất huyết tiêu hóa, viêm tụy cấp và xơ gan do lạm dụng rượu, bia.
Bác sĩ Dương Đức Hùng, Trưởng phòng kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Bạch Mai cho biết, không chỉ ngày Tết mà ngày thường cũng có nhiều bệnh nhân nhập viện do uống rượu, bia.
"Chỉ khi có nhiều trường hợp ngộ độc rượu tử vong tại bệnh viện thì xã hội mới quan tâm, chứ bình thường thói quen uống nhiều rượu bia, ép nhau uống say đã len lỏi vào từng hang cùng, ngõ hẻm từ thành thị đến nông thôn Uống nhiều rượu bia sẽ làm tổn thương tế bào gan một cách ghê gớm khiến men gan tăng cao. Giải quyết vấn đề này không chỉ riêng ngành Y tế mà đòi hỏi nhiều ngành khác cùng vào cuộc và ý thức của mỗi người dân đối với sức khỏe của mình” - Bác sĩ Dương Đức Hùng nhấn mạnh.
Số bệnh nhân uống thuốc diệt cỏ tăng
Bên cạnh số bệnh nhân liên quan đến rượu, bia gia tăng, tại một số bệnh viện còn ghi nhận sự gia tăng số trường hợp ngộ độc do uống thuốc diệt cỏ. 13 trường hợp ngộ độc chất Paraquat do uống thuốc diệt cỏ là điều bất thường đã xảy ra tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, chiếm 1/3 số ca ngộ độc tại Trung tâm này trong những ngày nghỉ Tết vừa qua.
Điều trị cho bệnh nhân trong ngày Tết tại Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai (ảnh: ANTĐ)
Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trung tâm chống độc cho biết, có nhiều lý do dẫn đến uống thuốc diệt cỏ. Chẳng hạn, một nam thanh niên 19 tuổi uống thuốc diệt cỏ sau khi cãi nhau với người yêu; một nam thanh niên 31 tuổi uống thuốc diệt cỏ do làm ăn thua lỗ; một phụ nữ uống thuốc diệt cỏ do mâu thuẫn với gia đình… Thật đau lòng là có cả thai phụ cũng uống thuốc diệt cỏ, khiến người mẹ và thai nhi đều tử vong.
Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng cho biết thêm: “Khi người ta có vấn đề về mặt tâm lý thì rất dễ dẫn đến tiêu cực. Trong khi đó, việc mua thuốc diệt cỏ lại rất dễ dàng. Bộ NN&PTNT sẽ cấm lưu hành thuốc diệt cỏ có chứa chất Paraquat vào tháng 2 năm 2019. Có nghĩa là cho phép lưu hành thêm 2 năm nữa để xử lý những vấn đề còn lại. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ còn có nhiều người ngộ độc do uống thuốc diệt cỏ. Do vậy, chúng tôi mong Bộ NN&PTNT quyết định cấm lưu hành chất Paraquat ngay từ bây giờ”./.