Ưu tiên phân bổ ngân sách xây 73.000 nhà cho người có công
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Cần cân đối phân bổ ngân sách, giải quyết nhanh việc xây dựng nhà cho người có công với cách mạng.
Nên tăng mức phân bổ ngân sách xây nhà cho người có công và phải làm nhanh !
Tờ trình về phương án sử dụng nguồn dư dự toán chi và vượt thu Ngân sách Trung ương (NSTW) năm 2011 do Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ trình bày chiều 4/5 cho biết: tạm bố trí kinh phí 300 tỷ đồng hỗ trợ người có công với cách mạng để cải thiện nhà ở theo quyết định của UBTVQH tại kỳ họp thứ 7.
Báo cáo cho rằng, đây là chủ trương mới nên tại thời điểm này chưa có cơ sở để xác định tổng nhu cầu kinh phí phải đảm bảo từ NSNN nói chung và từ NSTW nói riêng để thực hiện chính sách. Tạm tính trên cơ sở số hộ trong diện hỗ trợ là trên 73.000 hộ, mức chi bình quân 60 triệu đồng/căn, trong đó ngân sách hỗ trợ 40 triệu đồng/hộ, huy động đóng góp cộng đồng 10 triệu đồng và gia đình đối tượng chi 10 triệu đồng, thì nhu cầu chi hỗ trợ từ NSNN khoảng 2.900 tỷ đồng.
Về nội dung này, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội (UBTCNS) cho rằng, việc thực hiện chính sách về nhà ở cho người có công với cách mạng là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, UBTVQH đã ban hành Nghị quyết về vấn đề này. Do vậy, đề nghị dành thêm 700 tỷ đồng để đảm bảo kinh phí 1.000 tỷ đồng bố trí xây dựng.
Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng cho rằng, số phân bổ 300 tỷ đồng là quá thấp và đồng ý với mức đề nghị của UBTCNS. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa cũng có ý kiến cho rằng cần tăng mức phân bổ ngân sách hỗ trợ nhà ở cho người có công.
Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, từ nay đến năm sau, phải giải quyết xong vấn đề hỗ trợ nhà ở cho người có công; Cần tăng mức chi và có thể cắt một số khoản phân bổ khác để bù vào.
Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, cần xem xét kỹ đối tượng được hưởng chính sách này, cũng như cân nhắc mức hỗ trợ để đảm bảo công bằng, ổn định xã hội.
Bù giảm thu cho địa phương có vi phạm Luật NSNN?
Một nội dung khác cũng được các thành viên UBTVQH cho ý kiến nhiều là việc phân bổ khoản kinh phí 686,5 tỷ đồng hỗ trợ bù giảm thu cân đối NSĐP năm 2011 do nguyên nhân khách quan cho 8 địa phương: Lạng Sơn, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Ngãi và Đắk Lắk.
Đa số ý kiến trong UBTCNS đề nghị cân nhắc không bố trí khoản kinh phí hỗ trợ này vì việc bố trí nguồn tăng thu NSTW để bù hụt thu cho các địa phương là chưa phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 59 Luật NSNN.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến của các thành viên UBTVQH cho rằng, trong tình hình khó khăn như hiện nay, việc hỗ trợ địa phương là cần thiết. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, việc giảm thu cả trăm tỷ sẽ khiến địa phương rất khó khăn, ảnh hưởng đến nhiều mặt như văn hóa, y tế, môi trường…
Bà Trương Thị Mai cho biết, việc bù hụt thu cho địa phương đã có tiền lệ. Một số năm gần đây tình hình rất khó khăn, Thường vụ Quốc hội đã cho phép có khoản hỗ trợ, do đó, không có lý gì năm nay các địa phương vẫn gặp khó khăn do các yếu tố khách quan thì lại không được hỗ trợ.
Làm rõ thêm về việc giảm thu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết, các địa phương được xem xét nêu trên phần lớn bị giảm thu do nguyên nhân khách quan, chủ yếu vì tình hình kinh tế khó khăn đã tác động không tốt đến hoạt động sản xuất- kinh doanh của các doanh nghiệp có đóng góp số thu lớn trên địa bàn, làm giảm thu ngân sách; hoặc khoản thu đã dự kiến đầu năm nhưng không phát sinh vì dự án chưa đi vào sản xuất.
Ví dụ Vĩnh Phúc là tỉnh có số thu ngân sách lớn, nhưng việc Thái Lan phải chịu trận lũ lịch sử đã ảnh hưởng đến sản xuất của một số công ty sản xuất phụ kiện xe máy của Thái Lan tại Vĩnh Phúc, dẫn đến giảm thu. Hay như Nhà máy lọc dầu Dung Quất phải ngừng hoạt động một thời gian để bảo dưỡng, trong khi dự toán ngân sách dự kiến không tính đến yếu tố này…
Về việc bố trí 436,2 tỷ đồng cho nguồn vốn đối ứng của các dự án ODA quan trọng, các ý kiến UBTCNS và Thường vụ Quốc hội đều nhất trí. Về việc phân bổ sử dụng nguồn vượt thu NSTW năm 2011, đa số ý kiến trong Ủy ban nhất trí việc phân bổ 47.500 tỷ đồng cho một số nội dung như tờ trình của Chính phủ: như gảm bội chi NSTW năm 2011 là 9.100 tỷ đồng; tăng chi trả nợ 15.000 tỷ đồng; chuyển nguồn đảm bảo cân đối ngân sách 2012 là 22.400 tỷ dồng; đầu tư các dự án khắc phục bão lụt cấp bách tại 16 địa phương 1.000 tỷ đồng đã được UBTVQH cho ý kiến.
Đa số ý kiến trong ủy ban TCNS thống nhất việc bố tí 2.581,9 tỷ đồng thưởng vượt thu phân chia giữa NSTW và NSDP cho 10 địa phương như tờ trình của Chính phủ.
Về hỗ trợ các địa phương kinh tế trọng điểm 2.860 tỷ đồng, đa số ý kiến của UBTCNS cho rằng đây là mức hỗ trợ cho các địa phương có điều tiết về NSTW và thực hiện Nghị quyết 47 của Bộ Chính trị để phát triển cơ sở hạ tầng ở các tỉnh trọng điểm, do đó, tán thành với đề nghị của Chính phủ.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, một số khoản dự kiến hỗ trợ chưa phù hợp với quy định tại Luật Ngân sách Nhà nước vì các địa phương này đã được thưởng vượt thu Ngân sách hàng năm. Ngoài ra, đối với một số tỉnh, thành phố có Nghị quyết của Bộ Chính trị trong kế hoạch hang năm đều được chính phủ hỗ trợ với tỷ lệ ưu tiên so với các địa phương khác. Do đó, đề nghị đối với các địa phương này không nên bổ sung khoản hỗ trợ riêng theo đề nghị của Chính phủ.
Phát biểu ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, đây là những địa phương đóng góp ngân sách rất lớn và áp lực thu ngân sách cũng rất lớn. Do đó, cần được hỗ trợ để tăng cường năng lực cơ sở hạ tầng, giao thông…, đảm bảo sự phát triển.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng có thể trích một phần từ khoản đề xuất trên đầu tư cho việc hỗ trợ nhà ở cho người có công.
Về hỗ trợ thực hiện các dự án 2.301,6 tỷ đồng, UBTCNS cho rằng, cần thiết phải hỗ trợ vốn cho các dự án cấp bách của các địa phương. Tuy nhiên, đề nghị việc phân bổ phải thực hiện đúng các nguyên tắc: Đảm bảo tính minh bạch, công bằng giữa các đợt phân bổ số tăng thu NSTW năm 2011; Ưu tiên cho lĩnh vực thủy lợi, giao thông thật sự cấp bách; không bố trí vốn cho các dự án khởi công mới, chưa có đủ thủ tục đầu tư, các dự án đã được bố trí bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ…
Cũng trong chiều nay, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về việc lập dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2013, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012.
Về cơ bản, các ý kiến đồng ý với nội dung Dự thảo Tờ trình Quốc hội. Tuy nhiên, có một số ý kiến băn khoăn về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú, Luật Bảo hiểm xã hội.
Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng Luật Cư trú cần mở rộng phạm vi điều chỉnh chứ không chỉ tập trung vào khu vực thành thị. Còn về Luật Bảo hiểm xã hội, có ý kiến cho rằng cần làm rõ việc trình xin ý kiến điều chỉnh trong 1 hay 2 kỳ họp Quốc hội./.