“Vaccine miễn phí hiệu quả tương đương vaccine dịch vụ”
VOV.VN - Nếu cha mẹ không đưa con đi tiêm sớm mà vẫn chờ đợi vaccine dịch vụ sẽ dẫn đến trẻ bị tiêm muộn so với lịch tiêm chủng, tăng nguy cơ nhiễm bệnh.
Thời gian qua, lo lắng về độ an toàn của vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) nhiều phụ huynh đã đưa trẻ đi tiêm vaccine dịch vụ. Dù hiện tại, vaccine dịch vụ đang khan hiếm nhưng rất nhiều bà mẹ vẫn cố đợi tiêm bằng được cho con loại vaccine này.
Giải đáp về lo ngại này, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội khẳng định vaccine miễn phí trong chương trình TCMR hiệu quả phòng bệnh và an toàn tương tương so với vaccine dịch vụ, nên cha mẹ hoàn toàn yên tâm.
PV: Thưa ông, sau khi Bộ Y tế yêu cầu các điểm tiêm dịch vụ tổ chức tiêm vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng thay thế vaccine dịch vụ không có, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đã triển khai công tác này như thế nào?
Ông Nguyễn Nhật Cảm: Ngày 9/3, Bộ Y tế có công văn khẩn yêu cầu các điểm tiêm chủng dịch vụ phải tiêm vaccine miễn phí trong chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) tương ứng mà vaccine dịch vụ không có. Hiện vaccine dịch vụ không có là vaccine “5 trong 1” (phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib) và “6 trong 1” (phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, viêm màng não mủ do Hib).
Ngày hôm sau (10/3), Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội đã triển khai kế hoạch tiêm vaccine trong chương trình TCMR tương ứng với vaccine dịch vụ tại 2 điểm tiêm mà Trung tâm quản lý là: 70 Nguyễn Chí Thanh (quận Đống Đa) và 23 Nguyễn Viết Xuân (quận Hà Đông).
Chúng tôi nhấn mạnh rằng chất lượng và độ an toàn của vaccine miễn phí trong chương trình TCMR tương đương so với các vaccine dịch vụ. Vì vậy, Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội tổ chức tiêm miễn phí vaccine Quinvaxem trong chương trình TCMR thay thế vaccine dịch vụ "5 trong 1" và "6 trong 1".
Vaccine Quinvaxem được tiêm chủng thường xuyên, định kỳ hàng tháng tại tất cả các trạm y tế xã, phường của Hà Nội. Vaccine này đã được tiêm đến nay là năm thứ 5 với gần 2 triệu liều, đảm bảo chất lượng an toàn và hiệu quả với tỷ lệ bảo vệ cao (hiệu lực trên 95%).
Để tránh trường hợp quá tải, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đã có hướng dẫn và tuyên truyền để người dân đưa con em của mình đến các trạm y tế xã, phường, thị trấn (584 điểm tiêm) trên toàn thành phố để trẻ được tiêm vaccine trong chương trình TCMR thay thế vaccine dịch vụ tương ứng không có.
PV: Đến nay, đã có bao nhiêu trẻ em được tiêm vaccine Quinvaxem? Có bao nhiêu trẻ phản ứng sau khi tiêm, thưa ông?
Đến ngày 13/3, chưa ghi nhận trường hợp phản ứng nặng sau khi tiêm vaccine Quinvaxem. Còn phản ứng nhẹ như sốt, đau tại chỗ, quấy khóc… là những phản ứng thông thường. Ngày đầu tiên chúng tôi tiêm cho 114 trẻ thì có 3 gia đình gọi điện tới phản ánh là trẻ sốt, quấy khóc. Tuy nhiên, sau khi được cán bộ y tế hướng dẫn cách xử lý đến nay sức khỏe các cháu đã hoàn toàn bình thường.
Chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người dân không chờ đợi vaccine dịch vụ mà nên đưa con em đi tiêm vaccine trong chương trình TCMR tương ứng, đảm bảo trẻ được tiêm đầy đủ mũi, đúng lịch.
PV: Hiện nay, tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM đang khan hiếm vaccine dịch vụ nhưng rất nhiều phụ huynh vẫn chờ đợi loại vaccine này. Ông đánh giá như thế nào về hiện tượng này?
Ông Nguyễn Nhật Cảm: Thời gian qua, vaccine dịch vụ “5 trong 1” (Pentaxim) và “6 trong 1” (Hexa Infarix) không được các nhà sản xuất cung cấp ổn định, dẫn tới tình trạng khan hiếm. Theo các nhà phân phối, nguyên nhân do việc sản xuất của họ bị giảm sút, đặc biệt trong năm 2014 nhiều nước đã đưa vaccine “5 trong 1”, “6 trong 1” vào chương trình TCMR và do trong năm trước, nhu cầu sử dụng vaccine trên thế giới tăng đột biến…làm cho việc cung ứng hai loại vaccine này không đủ so với nhu cầu của người dân Việt Nam nói chung và người dân Hà Nội nói riêng.
Trước tình hình đó, nhiều gia đình vẫn chờ đợi vaccine dịch vụ dẫn đến trẻ bị tiêm muộn so với lịch tiêm chủng và tiêm không đủ liều, không đủ mũi. Trong khi đó, giám sát dịch bệnh vừa qua cho thấy, phần lớn các trường hợp mắc các bệnh sởi, ho gà hay một số bệnh truyền nhiễm khác do không được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vaccine phòng bệnh. Việc cha mẹ không đưa con đi tiêm sớm mà chờ đợi tiêm vaccine dịch vụ là rất nguy hiểm.
Trước tình trạng đó, thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Y tế và Sở Y tế Hà Nội, ngành y tế Hà Nội đã triển khai chương trình tiêm vaccine trong chương trình TCMR tương ứng mà vaccine dịch vụ không có, đảm bảo tất cả trẻ em đều được tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch.
PV: Một số cha mẹ có tâm lý cho rằng, vaccine miễn phí trong chương trình TCMR thiếu an toàn hơn so với vaccine dịch vụ. Ông có lý giải gì về điều này?
Ông Nguyễn Nhật Cảm: Như tôi đã nói vaccine dịch vụ “6 trong 1” để phòng 6 bệnh thì trong vaccine chương trình TCMR đều có những thành phần đó.
Có thể nói rằng, tỷ lệ phản ứng nhẹ của vaccine Quinvaxem có cao hơn so với vaccine dịch vụ do vaccine Quinvaxem có 5 thành phần trong đó có thành phần ho gà toàn tế bào, tức là số lượng kháng nguyên cao hơn. Do đó phản ứng nhẹ của vaccine Quinvaxem cao hơn vaccine dịch vụ (vaccine dịch vụ có thành phần vô bào, tức là chỉ có một số kháng nguyên nhất định).
Còn hiệu quả phòng bệnh và độ an toàn của vaccine trong chương trình TCMR tương đương so với các vaccine trong tiêm chủng dịch vụ, thậm chí là cao hơn, vì lượng kháng nguyên cao thì đáp ứng miễn dịch sẽ tốt.
PV: Ông có lời khuyên nào đối với các phụ huynh có con trong độ tuổi tiêm chủng?
Ông Nguyễn Nhật Cảm: Tiêm chủng là để chủ động phòng các dịch bệnh nguy hiểm hiện nay ở trẻ em. Thực tế đã chứng minh hiệu quả của tiêm chủng rất tốt. Việc tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch là quan trọng nhất.
Do đó, nếu cha mẹ không đưa con đi tiêm sớm mà vẫn chờ đợi vaccine dịch vụ sẽ dẫn đến trẻ bị tiêm muộn so với lịch tiêm chủng và tiêm không đủ liều, không đủ mũi khiến nguy cơ nhiễm bệnh tăng lên.
PV: Xin cảm ơn ông./.