Vẫn còn những điểm nóng về phá rừng, tàng trữ lâm sản trái phép
VOV.VN -Hiện vẫn còn những điểm nóng về phá rừng, vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái phép và chống người thi hành công vụ.
Hôm nay (17/3) tại Nghệ An, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Văn phòng Chính phủ, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức hội nghị tổng kết Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 – 2016 gắn với tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, triển khai chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì hội nghị.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giai đoạn 2011 – 2016 giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng trưởng nhanh, đạt bình quân 6,57%/năm; tỷ lệ che phủ rừng tăng từ 39,7% năm 2011 lên 41,19% năm 2016; giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản tăng gấp hơn 2 lần trong vòng 5 năm, từ bình quân 2,8 tỷ USD/năm giai đoạn 2006 – 2010, lên bình quân 6,52 tỷ USD/năm giai đoạn từ 2011 – 2015.
Đến nay có khoảng 1,2 triệu hộ gia đình với gần 5 triệu lao động tham gia các hoạt động quản lý, bảo vệ rừng, sản xuất kinh doanh lâm nghiệp. Đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất lâm nghiệp cho thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm…
Bên cạnh đó, vẫn còn những điểm nóng về phá rừng, vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái phép và chống người thi hành công vụ; kết quả trồng rừng phòng hộ, đặc dụng, trồng rừng thay thế còn thấp, chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch; đóng góp của ngành lâm nghiệp đối với phát triển kinh tế quốc dân chưa tương xứng với tiềm năng, năng suất trồng rừng thấp so với các nước trong khu vực, sản phẩm chủ yếu là gỗ nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu nguyên liệu gỗ cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu; việc bố trí hiện trường trồng rừng ven biển gặp nhiều khó khăn.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ rõ, bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên là nhiệm vụ quan trọng nhất của Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững.
Trước mắt, khẩn trương rà soát, nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, đặc biệt là ban hành, thực thi các sáng kiến tài chính mới để tạo thêm nguồn lực cho phát triển ngành lâm nghiệp, cụ thể như chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với các cơ sở công nghiệp, du lịch sinh thái và nuôi trồng thuỷ sản, bồi hoàn giá trị hệ sinh thái rừng.
Ngoài ra, phải nâng cao chất lượng công tác lập và quản lý thực hiện quy hoạch rừng và đất lâm nghiệp. Các Bộ, ngành, địa phương sớm hoàn thiện việc rà soát, đánh giá quy hoạch tổng thể rừng cấp quốc gia và cấp vùng, xác định rõ lâm phận ổn định.
Gắn quy hoạch phát triển rừng với tái cấu trúc ngành lâm nghiệp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành lâm nghiệp. Cả nước, mỗi địa phương phải xác định các sản phẩm lâm nghiệp chủ lực để tập trung bảo vệ, phát triển, đầu tư một cách bền vững./.
Lâm tặc táo tợn tông ghe và rượt đuổi kiểm lâm