Vận dụng có hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển Thủ đô

VOV.VN - Phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài đề nghị HĐND thành phố tiếp tục nghiên cứu, vận dụng có hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù mà Bộ Chính trị và Quốc hội đã ưu tiên dành cho thành phố (như Luật Thủ đô 2024) để sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển.

Sáng 9/12, HĐND thành phố Hà Nội khai mạc kỳ họp thứ 20. Kỳ hpj diễn ra trong 3,5 ngày từ ngày 9/12-12/2/2024. Tới dự kỳ họp có Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn,  Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài.

Phát biểu khai mạc kỳ họp ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch HĐND thành phố nhấn mạnh: Kỳ họp thứ 20 HĐND Thành phố là kỳ họp thường lệ cuối năm để thực hiện các nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền. Xem xét tình hình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, thu, chi ngân sách, đầu tư công năm 2024, nhiệm vụ, giải pháp năm 2025; xem xét, ban hành một số quy định, cơ chế, chính sách để kịp thời cụ thể hoá Luật Thủ đô 2024 đã được Quốc hội thông qua và quyết nghị nhiều nội dung quan trọng khác.

Kỳ họp dự kiến xem xét, thông qua 55 nội dung, gồm 25 báo cáo và 30 Nghị quyết. Thường trực HĐND Thành phố tiếp tục đổi mới chương trình kỳ họp theo hướng giảm thời gian trình bày báo cáo, bố trí nhiều thời gian thảo luận tại các tổ và Hội trường; dành 1 ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn.

Xem xét, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, thu chi ngân sách, đầu tư công năm 2024 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2025.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, năm 2024, là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ 17 và Nghị quyết của HĐND Thành phố về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025. Là năm thứ 3 triển khai thực hiện Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thành phố dự kiến cơ bản hoàn thành 23/24 chỉ tiêu kinh tế xã hội; tăng trưởng GRDP dự kiến tăng 6,52%; thu ngân sách ước đạt 492.309 tỷ đồng, đạt 120,5% dự toán, tăng 19,6% so với cùng kỳ. Các ngành, lĩnh vực kinh tế tăng trưởng ổn định. Du lịch và lượng khách quốc tế tăng trưởng cao. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI đạt khoảng 2 tỷ USD.. Các chính sách xã hội được thực hiện kịp thời, đầy đủ với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa dịp kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô và các sự kiện quan trọng của đất nước. Công tác quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh.

Năm 2024 cũng là năm Thành phố tập trung hoàn thành nhiều nhiệm vụ có tính chất quan trọng, chiến lược để hoàn thiện thể chế, chính sách tạo lập không gian phát triển mới với tầm nhìn dài hạn cho phát triển Thủ đô. Đó là: Luật Thủ đô 2024 đã được Quốc hội thông qua ngày 28/6; trình Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch Thủ đô và điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; tập trung, khẩn trương triển khai Nghị quyết số 1286 ngày 14/11/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.

Tập trung ứng phó và khắc phục thiệt hại của cơn bão số 3 và tình hình mưa lũ sau bão; Đẩy nhanh tiến độ dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; xây dựng Đề án đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị; các dự án trọng điểm lĩnh vực giao thông, môi trường, công viên, vườn hoa; Nghị quyết của HĐND Thành phố về đầu tư 3 lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế và tu bổ các di tích. Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 24 của Ban Thường vụ Thành uỷ về “tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị”; tập trung công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ 18 và nhiều nhiệm vụ quan trọng khác.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, qua giám sát của HĐND, Thường trực HĐND Thành phố, ý kiến, kiến nghị của cử tri và ý kiến chỉ đạo quan trọng của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành uỷ ngày 27/11/2024 vừa qua cho thấy Thành phố còn một số khó khăn, thách thức và tồn tại, hạn chế, cần được tập trung khắc phục trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị: "Các vị đại biểu HĐND Thành phố nghiên cứu kỹ các báo cáo, tài liệu để phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện những kết quả đạt được; thẳng thắn chỉ ra các tồn tại hạn chế, bất cập, nguyên nhân và đề xuất các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, khả thi để tháo gỡ các ách tắc, điểm nghẽn, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế xã hội năm 2025 và giai đoạn tiếp theo để xây dựng Thủ đô phát triển nhanh, bền vững, cùng đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới của dân tộc".

Vận dụng có hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển Thủ đô

Phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài cho biết, tại kỳ họp, HĐND thành phố sẽ thảo luận, quyết nghị các nội dung quan trọng của năm 2025 và những năm tiếp theo.

Trong đó cần đặc biệt quán triệt các quan điểm, chủ trương của Đảng được thể hiện qua các bài viết, bài phát biểu, nội dung chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về chuyên đề Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam; xây dựng hệ thống chính trị “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”, về chuyển đổi số, về phòng, chống lãng phí.

Bà Bùi Thị Minh Hoài đề nghị HĐND thành phố Hà Nội tiếp tục nghiên cứu, vận dụng có hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù mà Bộ Chính trị và Quốc hội đã ưu tiên dành cho thành phố (như Luật Thủ đô 2024) để cải thiện mạnh mẽ hơn môi trường đầu tư kinh doanh, góp phần thu hút, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển. Tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra theo Kết luận của Trung ương về kinh tế - xã hội năm 2025, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và các văn bản liên quan; đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế và thực hiện các mục tiêu phát triển năm 2025.

Đối với các nghị quyết chuyên đề, cơ chế, chính sách đặc thù, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị HĐND thành phố đi sâu vào làm rõ các tác động, tính hiệu quả, các giải pháp đột phá, tầm nhìn xa hơn, bảo đảm phù hợp, khả thi để triển khai nhanh, góp phần khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế to lớn của Thủ đô về nguồn lực con người, khoa học và công nghệ, giải phóng các nút thắt về hạ tầng, thể chế và phát huy tính năng động, sáng tạo, tự chủ của cơ sở, thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo tốt an sinh xã hội".

Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và các công trình trọng điểm nhất là các dự án hạ tầng giao thông, xử lý, giải quyết ô nhiễm môi trường. Tiếp tục cải cách hành chính, sắp xếp bộ máy, siết chặt kỷ cương; tăng cường phân cấp, ủy quyền theo hướng “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm” gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát. Tiếp tục thực hiện cuộc cách mạng chuyển đổi số với những giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ, toàn diện, đưa số hóa vào trong sản xuất, kinh doanh, hướng tới chuyển đổi số trong toàn xã hội.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

HĐND thành phố Hà Nội khai mạc xem xét nhiều nghị quyết theo Luật Thủ đô
HĐND thành phố Hà Nội khai mạc xem xét nhiều nghị quyết theo Luật Thủ đô

VOV.VN - Sáng nay (9/12), HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tổ chức kỳ họp thứ 20 (kỳ họp thường lệ cuối năm 2024), kỳ họp dự kiến diễn ra từ ngày 9-12/12/2024

HĐND thành phố Hà Nội khai mạc xem xét nhiều nghị quyết theo Luật Thủ đô

HĐND thành phố Hà Nội khai mạc xem xét nhiều nghị quyết theo Luật Thủ đô

VOV.VN - Sáng nay (9/12), HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tổ chức kỳ họp thứ 20 (kỳ họp thường lệ cuối năm 2024), kỳ họp dự kiến diễn ra từ ngày 9-12/12/2024

Hà Nội thực hiện 299 cuộc kiểm tra công vụ, luân chuyển, điều động 300 cán bộ
Hà Nội thực hiện 299 cuộc kiểm tra công vụ, luân chuyển, điều động 300 cán bộ

VOV.VN - Năm 2024, Hà Nội thực hiện luân chuyển, điều động, biệt phái, chuyển đổi vị trí công tác cán bộ các ban, ngành, sở Thành phố và các quận, huyện, thị xã, cấp ủy trực thuộc Thành ủy giai đoạn 2024-2025 là 300 trường hợp và 299 cuộc kiểm tra công vụ.

Hà Nội thực hiện 299 cuộc kiểm tra công vụ, luân chuyển, điều động 300 cán bộ

Hà Nội thực hiện 299 cuộc kiểm tra công vụ, luân chuyển, điều động 300 cán bộ

VOV.VN - Năm 2024, Hà Nội thực hiện luân chuyển, điều động, biệt phái, chuyển đổi vị trí công tác cán bộ các ban, ngành, sở Thành phố và các quận, huyện, thị xã, cấp ủy trực thuộc Thành ủy giai đoạn 2024-2025 là 300 trường hợp và 299 cuộc kiểm tra công vụ.