Văn hoá truyền thông trong thời kỳ hội nhập
Làm sao để giữ được báo chí phát triển lành mạnh và có ảnh hưởng tích cực đến đời sống xã hội trong bối cảnh toàn cầu hoá truyền thông đại chúng hiện nay?.
- Tham luận của nhà báo Phan Quang tại hội thảo
- AVG: “Người hâm mộ không thiệt vì hợp đồng VFF - AVG”
- Hợp đồng giữa VFF và AVG không trái pháp luật
Hội thảo khoa học "Văn hoá truyền thông trong thời kỳ hội nhập", do Hội nhà báo Việt Nam phối hợp với trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn tổ chức ngày 22/2 tại trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐHQG Hà Nội.
Hơn 150 đại biểu là các nhà khoa học, các lãnh đạo quản lý báo chí, các nhà báo, nghiên cứu sinh, sinh viên báo chí... đã đến dự. Tham dự hội thảo còn có Nhà giáo Nhân dân Hà Minh Đức, nhà báo lão thành Phan Quang, nhà báo Hà Đăng, nhà thơ- nhà báo Trần Đăng Khoa...
Phát biểu đề dẫn hội thảo, ông Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch thường trực Hội nhà báo Việt Nam nhấn mạnh: đây là cuộc hội thảo khoa học báo chí - truyền thông, vừa mang tính lý luận chuyên ngành, vừa mang tính thực tiễn sâu sắc, có ý nghĩa thiết thực đối với hoạt động báo chí, cả trong tác nghiệp, quản lý báo chí, cả trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học... Văn hoá và báo chí truyền thông có mối quan hệ khăng khít, biện chứng. Báo chí là bộ phận của văn hoá nhưng báo chí cũng sáng tạo và phổ biến văn hoá, lưu truyền văn hoá. Do vậy người làm báo phải hiểu văn hoá, có văn hoá, coi hoạt động báo chí không những là hoạt động chính trị-xã hội mà còn là hoạt động mang đậm tính văn hoá.
Hơn 50 tham luận được gửi đến và trình bày tại 2 tiểu ban của hội thảo tập trung vào những nội dung chính: những vấn đề mang tính lý luận về văn hoá báo chí và văn hoá truyền thông, về mối quan hệ hai chiều giữa văn hoá và báo chí truyền thông; những vấn đề đặt ra trong thực tiễn về văn hoá báo chí- truyền thông trong hoạt động nghề nghiệp của đội ngũ nhà báo Việt Nam hiện nay và khuyến nghị, đề xuất các giải pháp nhằm góp phần nâng cao tính văn hoá của đội ngũ người làm báo Việt Nam, trong bối cảnh toàn cầu hoá truyền thông đại chúng hiện nay.
Các nhà lý luận, các nhà báo đã chỉ ra những hiện tượng thiếu văn hóa đang xuất hiện nhiều trong lĩnh vực truyền thông đại chúng, gây ảnh hưởng tiêu cực cho xã hội và bàn luận về trách nhiệm của cơ quan báo chí: tổng biên tập, phóng viên, biên tập viên trong việc tạo ra và truyền bá tới công chúng những sản phẩm thông tin đó. Các ý kiến đều thống nhất rằng, người đứng đầu cơ quan báo chí có vai trò rất lớn trong việc định hướng thông tin, đào tạo và chỉ đạo cách làm việc của phóng viên- biên tập viên. Các phóng viên cần đọc nhiều hơn, liên tục học hỏi để nâng cao trình độ nghiệp vụ, để trở thành nhà báo có văn hóa, mới có thể làm tròn trách nhiệm xã hội của mình, đưa những thông tin lành mạnh, bổ ích, có tính xây dựng tới công chúng./.