Vận hội mới cho đô thị Huế
VOV.VN - Đầu năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố thứ 6 của cả nước trực thuộc Trung ương với tên gọi thành phố Huế, mở ra vận hội mới cho quá trình phát triển.
Ngày 30/11/2024, Quốc hội thông qua Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, có hiệu lực từ 1/1/2025. Sự nỗ lực của vùng đất với bề dày di sản, lịch sử và văn hóa đã được ghi nhận.
Bước vào năm 2025, cả tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố thứ 6 của cả nước trực thuộc Trung ương với tên gọi thành phố Huế, mở ra vận hội mới cho quá trình phát triển. Ông Nguyễn Thanh Tùng, người dân thành phố Huế kỳ vọng, khi thành phố Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thì sẽ được thụ hưởng chính sách đặc thù, hướng đến kiến tạo Huế thành một trung tâm kinh tế, văn hóa của Việt Nam: “Huế lên được thành phố trực thuộc trung ương là một mong muốn rất lớn của người dân nhiều thế hệ. Bây giờ đạt được điều đó là một thành quả đáng quý, sẽ có rất nhiều cơ hội để phát triển thành phố. Mong muốn là bên cạnh việc đô thị càng lúc càng đẹp hơn, càng phát triển hơn thì làm sao tạo được nhiều công ăn việc làm cho con em người dân Huế, để người dân Huế có thu nhập xứng đáng hơn”.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, thành phố Huế trực thuộc Trung ương không chỉ là sự chuyển dịch về không gian đô thị mà còn tạo lập không gian kinh tế, động lực phát triển mới cho địa phương. Chất lượng cuộc sống của người dân sẽ được nâng cao, bảo đảm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế.
Trong phong thái mới, Huế sẽ tiếp cận và thu hút các nhà đầu tư lớn, tiềm lực mạnh đến nghiên cứu đầu tư, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như lấp đầy các khu công nghiệp, Khu kinh tế Chân Mây Lăng Cô... Huế có lợi thế phát triển du lịch di sản văn hóa và nhiều khu du lịch để phát triển thành chuỗi du lịch, dịch vụ trải nghiệm đa dạng.
Hiện thành phố Huế là địa phương duy nhất trên cả nước có 8 di sản được UNESCO vinh danh là di sản thế giới. Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho rằng, đây là những thế mạnh rất đặc thù và vượt trội so với các thành phố khác ở miền Trung và trên cả nước.
“Khu vực đô thị, chắc chắn là những giá trị di sản sẽ được đề cao hơn. Mấy năm trở lại đây, chúng ta thấy việc giải tỏa khu vực Kinh thành Huế, việc khôi phục lại vẻ đẹp của hai bờ sông Hương, phục hồi Điện Kiến Trung, khôi phục Điện Thái Hoà và rất nhiều giá trị về di sản đang được nâng cao và những chuyển biến về kinh tế đô thị khu vực Huế cũng như khu vực phụ cận, kể cả những trung tâm xa như là Chân Mây, Phong Điền, đang có một chuyển động, chắc chắn sẽ tạo ra chuyển động có tính toàn diện hơn nữa”.
Trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố Huế có diện tích gần 5.000km² và hơn 1,2 triệu dân với 9 đơn vị hành chính cấp huyện gồm 2 quận, 3 thị xã và 4 huyện, 133 đơn vị hành chính cấp xã. Cố đô Huế được đánh giá là nơi bảo tồn tốt nhất các giá trị di sản truyền thống của Việt Nam, cả về di sản vật thể, phi vật thể, cảnh quan môi trường, lối sống, phong tục tập quán...
Những năm qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực sự biến di sản thành các lợi thế cho sự phát triển địa phương. Đến nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tạo nên các thương hiệu ấn tượng như: “Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam”, “Thành phố văn hóa ASEAN”...
Khi trở thành thành phố Trung ương, đô thị Huế sẽ mở rộng với trục cảnh quan "xương sống" là sông Hương, kéo dài từ phía tây Bình Điền về biển; kết nối biển Thuận An, đầm phá Tam Giang với trung tâm Huế. Với điều chỉnh mở rộng này, đô thị cổ với khu di sản thế giới - Kinh thành Huế ở bờ bắc sông Hương và đô thị ở bờ nam sông Hương sẽ được bảo tồn. Trong khi đó, các vùng đã đô thị hóa quanh Huế sẽ chính thức trở thành đô thị.
Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Hiện tỉnh đang tập trung vào việc đầu tư cho kết cấu hạ tầng, bố trí, tổ chức không gian phát triển để đảm bảo sự phát triển đồng bộ giữa bảo tồn di sản và xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại. “Tỉnh tập trung vào các giải pháp, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của các ngành kinh tế dựa trên các lợi thế ngành dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển. Trong đó, chúng tôi chọn du lịch là mũi nhọn, dịch vụ y tế chuyên sâu, giáo dục chất lượng cao và đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế cho phát triển kinh tế, xã hội…”
Theo Quy hoạch chung, đô thị Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mô hình, cấu trúc không gian đô thị của Huế sẽ phát triển theo mô hình “Chuỗi đô thị theo hành lang kinh tế, hành lang giao thông kết hợp với các trung tâm động lực”. Các đô thị được phát triển đồng bộ, có vai trò hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội, bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc Cố đô và di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đã được UNESCO công nhận.
Ông Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định, tỉnh đang tập trung bảo tồn, phát huy các giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế. Đây là tài sản vô giá của các thế hệ tiền nhân để lại, có ý nghĩa trong việc giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử văn hóa, tạo nền tảng cho phát triển du lịch, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội.“Trở thành thành phố trực thuộc Trung ương có một ý nghĩa đặc biệt, không chỉ riêng đối với Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh mà cả khu vực. Qua đó, thể hiện chiến lược phát triển Việt Nam, tạo ra bước chuyển mới về phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội. Huế cùng với Đà Nẵng là hai thành phố động lực của khu vực miền Trung, tạo ra sức lan tỏa mới, tạo động lực cho phát triển vùng. Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương cũng tạo điều kiện cho Huế giữ gìn, bảo tồn tốt hơn di sản văn hoá, di sản cố đô và góp phần phát triển bản sắc văn hóa của Việt Nam”.