Về làng mới sau 2 năm trốn “ma rừng”
VOV.VN -Sau gần 2 năm lẩn trốn vào núi vì sợ con “ma rừng”, bà con đã thấm thía nỗi cơ cực ở chốn rừng thiêng nước độc.
Những ngày này, niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt đồng bào Bh’noong ở thôn 8B, xã Phước Lộc, Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam. Sau gần 2 năm lẩn trốn vào núi vì sợ con “ma rừng” gây ra nhiều cái chết xấu đối với dân làng, bà con đã thấm thía nỗi cơ cực ở chốn rừng thiêng nước độc. Giờ đây, trên mặt bằng vừa mới san ủi, dân làng rủ nhau về đây dựng nhà, lập làng, sống đầm ấm, quây quần bên nhau.
Lâu lắm rồi mới được chứng kiến nhịp sống hối hả ở một nơi “thâm sơn cùng cốc” của huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam. Đàn ông Bh’noong thì vào rừng chặt cây, đẽo gỗ mang về dựng nhà, chị em tất bật lau chùi xoong nồi, bát đĩa cất vào tủ.
Những đứa trẻ mặt mày nhem nhuốc lục tìm quần áo chuẩn bị đến trường. Thật đáng thương, cha mẹ các em vì sợ cái chết ám hại gia đình mà dẫn con vào rừng. Hai năm qua, các em không được tiếp xúc với thế giới bên ngoài, không được đi học, nhiều em bị suy dinh dưỡng.
Ông Hồ Văn Biên, thôn 8B, xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam ngượng ngùng kể lại, hồi đó trong làng xảy ra liên tiếp mấy trường hợp chết không rõ nguyên nhân. Bà con nghi ngờ có “ma ám” nên cứ thế bỏ làng ra đi. Ban đầu gia đình anh cứ chần chừ, nhưng rồi thấy dân làng bỏ đi hết, mình ở lại nhỡ bị ma nhập vào thì sợ lắm. Nghĩ vậy, nên anh cùng theo dân làng vào rừng. Bây chừ được về làng mới, vợ chồng anh cảm thấy vui cái bụng.
Để đưa toàn bộ 16 hộ dân thôn 8B, xã Phước Lộc về làng mới, các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam nhiều lần vào rừng vận động, giải thích cho dân hiểu nguyên nhân dẫn đến cái chết. Đó là do dân làng quá tin vào cúng bái, không đưa người bệnh đi khám tại bệnh viện. Đồng thời, thể theo nguyện vọng của dân làng, huyện Phước Sơn bố trí khu đất ở vị trí thuận lợi, tránh nền đất cũ.
Gần 3 tháng qua, xã Phước Lộc tiến hành san ủi mặt bằng, đưa toàn bộ dân làng về đây. Về làng mới, mỗi hộ dân được hỗ trợ 10kg gạo để có cái ăn trong những ngày đầu, sau khi ổn định chỗ ở, xã cho dân làng 1 con heo đen để cúng giải hạn.
Ông Nguyễn Đức Toàn, Chủ tịch UBND xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam cho biết: “Chúng tôi cùng với nhà trường và các ban ngành, đoàn thể họp vận động bà con khẩn trương về trước mùa mưa bão để con em trở lại đi học. Bước đầu xã cũng mua một số công cụ thô sơ như búa, xà beng hỗ trợ để bà con chuyển về làm nhà. Còn về lâu dài sẽ bố trí đất sản xuất cũng như ruộng lúa nước, hướng dẫn cho bà con tăng gia sản xuất, chăn nuôi trồng trọt, ổn định cuộc sống”.
Dù đã ổn định chỗ ở, nhưng tin đồn về cái “chết xấu” ở thôn 8B, xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam đã để lại nhiều hậu quả đối với người dân. 2 năm qua, bà con phải đối mặt với khó khăn, thiếu thốn về vật chất, hoảng loạn về tinh thần, bao đứa trẻ phải bỏ học giữa chừng…
Đáng nói, không chỉ ở xã Phước Lộc mà nhiều nơi trên địa bàn các huyện vùng cao của tỉnh Quảng Nam, người dân bỏ làng ra đi vì nghi ngờ có ma. Điều này cho thấy, công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho đồng bào còn nhiều hạn chế./.