Về nhà ăn Tết - ước muốn xa vời của nhiều lao động Việt Nam ở nước ngoài
VOV.VN - Tết là đoàn viên, là về nhà, thời khắc giao thừa cận kề, khi mọi người đang sum họp bên gia đình, tấp nập chuẩn bị đón Tết, thì nhiều lao động Việt Nam xa xứ lại bâng khuâng với những nỗi nhớ đong đầy khi đón Tết xa quê.
Những ngày cuối năm, khi mọi người đang nô nức chuẩn bị năm mới, niềm vui, sự hân hoan, chờ đợi thời khắc giao thừa thiêng liêng là điều dễ thấy trên khuôn mặt mỗi người, nhưng với Đỗ Trọng Hiếu (Bình Thuận) lại là những cảm xúc vui buồn lẫn lộn. Vui vì sắp bước sang năm mới, qua những cuộc gọi video từ facebook, zalo, anh phần nào cảm nhận được chút hương vị Tết quê nhà, mẹ gói bánh chưng, anh hai dọn dẹp nhà cửa, mua mai vàng về bày, các cháu nhỏ chạy nô nức vui đùa. Thế nhưng, Tết này, Hiếu cũng chỉ có thể đón Tết xa một mình tại Nhật Bản do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Anh Hiếu chia sẻ, đây là cái Tết thứ 4 anh phải xa quê. Những năm trước vì công việc bận rộn. Ngày Tết Nguyên đán tại Việt Nam không trùng với ngày Tết hay kỳ nghỉ lễ bên Nhật, nhiều năm những ngày này, anh đang phải đi công tác xa, có khi tăng ca miệt mài cả ngày đêm tại công ty.
Năm nay, do dịch Covid-19, nên Hiếu cùng nhiều lao động Việt Nam khác tại Nhật khó có thể về quê ăn Tết. Năm nay cũng là một năm đầy khó khăn với anh. Trải qua dịch bệnh liên miên, công ty cắt giảm giờ làm, giảm 1 nửa lương, chỉ vài ngày trước lại vừa phải trải qua ca phẫu thuật ruột, những lúc như vậy chỉ có một mình, Hiếu không nén nổi cảm xúc: “Khi gia đình đang chuẩn bị Tết, thì mình lại đang chuẩn bị tâm lý để bước lên bàn mổ do phát hiện khối u trong ruột. Dù bác sỹ nói trước rằng phẫu thuật không nguy hiểm, có thể xuất viện sớm, nhưng vẫn thấy buồn và sợ. Cảm giác nhớ nhà bởi thế mà càng lớn hơn, tủi thân khi ốm chỉ một mình, nhưng lại không dám thông báo với gia đình. Năm 2020 thực sự là một năm khó khăn, hy vọng bước sang năm mới mọi điều sẽ tốt đẹp hơn”, Hiếu chia sẻ.
Cùng chung cảnh Tết xa xứ, anh Lê Văn Quyết (Quảng Ninh) hiện đang làm việc tại Nhật Bản Tết này cũng không thể về quê. Mới qua Nhật làm việc đến nay được tròn một năm, nhưng cả năm qua dịch bệnh tại Nhật Bản liên miên, diễn biến phức tạp, công việc của anh Quyết dù mới bắt đầu đã gặp rất nhiều khó khăn. Bởi vậy anh dự định tiếp tục làm việc thêm 1, 2 năm nữa, khi mọi thứ dần ổn định, có tích lũy nhất định mới về quê, bởi chi phí đi lại khá tốn kém.
Lần đầu xa nhà, xa gia đình, vợ con, giống như bao lao động khác, anh Quyết không khỏi nhớ nhà, nhớ quê hương. “Xa nhà nhớ lắm chứ, mỗi lần gọi điện về thấy hình ảnh mọi người đang gói bánh chưng, mua đào mua quất, 2 đứa con thi nhau gọi bố ơi, khi nào bố về, rồi khi chúng bảo bố ơi con nhớ bố lắm, lại chỉ muốn xách vali về nhà ngay đón Tết. Nhiều khi ngồi một mình lại tưởng tượng năm ngoái tầm này ở nhà mình đang làm gì, không khí Tết ra sao. Dù nhớ nhà, nhưng đã xác định đi làm vì tương lai, nên nhất định phải cố gắng. May mắn công ty cũng có nhiều người Việt Nam cùng làm, ở nơi xứ người, mọi người đều quan tâm, chia sẻ với nhau, ngày Tết cùng làm bữa cơm tất niên sum họp, tuy không được như ở nhà, nhưng cũng ấm áp hơn rất nhiều”, anh Quyết chia sẻ.
Năm nay, 30, mùng 1 Tết vào giữa tuần, không trùng với lịch nghỉ lễ của Nhật Bản, nên anh Quyết cùng nhiều anh em đồng nghiệp khác vẫn miệt mài làm việc tại công xưởng: “Chiều nay 30 Tết, cả nhóm sẽ cử 1-2 người về sớm để chuẩn bị cơm Tất niên. Vì không có thời gian, các nguyên liệu để gói bánh chưng đều đắt, nếu tính ra tiền Việt phải 100.000 đồng 1 chiếc lá dong, nên mấy anh em rủ nhau mua bánh gói sẵn, chuẩn bị thêm một số món truyền thống ở quê như giò lụa, canh măng miến, chả nem…Quan trọng nhất là được ngồi cùng nhau cho vơi bớt nỗi nhớ nhà”, anh Quyết chia sẻ.
Làm giúp việc gia đình tại Síp (Cyprus) – quốc đảo phía đông Địa Trung Hải hơn 12 năm, dù đã quen với cách sống, con người nơi đây, nhưng chị Nguyễn Thị Phương (Hải Dương) vẫn chưa thể quen với nỗi nhớ nhà ngày Tết. Đi làm xa hơn chục năm, nhưng chị Phương chưa năm nào được về quê ăn Tết, 3 lần chị nghỉ phép về nhà đều vào những tháng khác trong năm.
Chị Phương chia sẻ, cách đây hơn chục năm, việc làm kinh tế tại quê chị còn nhiều khó khăn, nhiều người như chị đã phải tìm cách vay mượn khắp nơi để có một số vốn đi xuất khẩu lao động mong được đổi đời. Nhưng cuộc sống nơi xứ người cũng không hề đơn giản. Khu vực chị Phương đang làm việc cũng là một vùng nông thôn, ngoài công việc chăm 2 cụ già nằm liệt giường, dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn, chị Phương vẫn cùng chủ nhà làm những việc nhà nông khác từ trồng trọt, chăn nuôi đến thu hoạch các loại nông sản.
“Công việc lúc nào cũng luôn chân luôn tay. Văn hóa ở đây khác hoàn toàn với Việt Nam, lại cũng rất ít người Việt sang lao động, nên dịp Tết chỉ có một mình. Chủ nhà cũng quan tâm, thường cho tiền thưởng, hay tìm những món truyền thống của người Việt, nhưng vẫn không thể vơi bớt nỗi nhớ nhà. Nhất là mỗi khi chăm sóc 2 cụ già, tôi lại nhớ đến mẹ già ở quê nhà năm nay đã ngoài 80 tuổi, sức khỏe đã yếu, nhưng mình lại đi chăm sóc người khác, còn mẹ ở quê lại không thể phụng dưỡng. Ngày đi, đứa con tôi còn học cấp 2, nhưng sau Tết này cháu đã cưới chồng, mà tôi cũng không về được. Dịch bệnh liên miên, cũng không có vé máy bay để về. Hết tháng 12/2020, tôi đã hết hạn hợp đồng, nhưng cũng không dám ký dài hạn tiếp, mà chỉ ký tạm vài tháng một để chờ có cơ hội về Việt Nam”, chị Hương chia sẻ./.