Về nơi biển tiến đất lùi

Thực trạng xói lở đất đang diễn ra một cách nghiêm trọng suốt dọc bờ biển nước ta. Bờ biển Nam Định là một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nhất.

Chiều về, bà Bùi Thị Hoa vẫn lúi húi chăm sóc mấy luống kê. Mảnh vườn nhỏ của bà, chỏng trơ những củ xu hào đang thối dần. Năm trước, rau bà trồng đều chết héo vì đất vườn bị nhiễm mặn. Năm nay, đất đã được rửa mặn nhưng giá rau củ thì sụt thảm hại. Bây giờ, người đàn bà độc thân năm mươi lăm tuổi này, chỉ còn hy vọng vào mấy luống kê đang gieo. 

Ở xã Hải Triều (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định), người dân sống nhờ biển và cũng khốn khổ vì biển. Trong vòng chưa đến 10 năm, đê biển ở đây vỡ hai lần, nước biển tràn vào đồng. Nước rút đi để lại những ruộng rau héo rũ, những giếng khơi mặn chát và những căn nhà mủn móng vì ngâm nước mặn lâu ngày. Nhưng tồi tệ hơn, đường bờ biển đang bị sóng vỗ bào mòn nghiêm trọng. Mảnh đất nhà bà Hoa đang ngày càng hẹp lại. “Trước năm 1987, nhà tôi có 5 sào vườn. Nước biển tràn vào làm đất bị nhiễm mặn, rồi xói lở, hiện chỉ còn có 2 sào!. Diện tích này canh tác chẳng đủ ăn. Hiện gia đình sống chủ yếu bằng nghề làm muối, mỗi năm thu nhập 7 triệu đồng, cuộc sống khó khăn…”

Tình cảnh của bà Hoa chỉ là một trong rất nhiều hộ dân sống ven bờ biển tỉnh Nam Định. Có hộ dân trước đây sở hữu vài sào đất, trồng nhiều thứ cây ăn quả, hoa màu, nay chỉ còn lại mảnh vườn con con, trồng lèo tèo dăm thứ rau củ, lạc, đỗ. Nhiều hộ khác đã phải di dời vào sâu trong đất liền hoặc bỏ xứ đi làm ăn phương xa.

Rải rác dọc bờ biển là những tháp chuông, hầm trú ẩn, tường gạch… nằm nghiêng ngả, đổ vỡ trên bãi cát. Đó là phế tích còn sót lại của  những nhà thờ, trường học, làng xóm đã bị thủy thần tàn phá.

Theo số liệu của Viện địa chất và địa chất vật lý biển Việt Nam cung cấp, mỗi năm mực nước biển tại khu vực Nam Định tăng lên 2,15mm. Cùng với đó, đường bờ biển bị lấn vào trung bình 10 mét. Ngoài ra, số liệu tại địa phương cho thấy, tổng cộng nước biển đã cướp đi của xã Hải Triều gần 180 hecta đất… Những con đê mới cứ thế lùi dần…

Ông Bùi Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hải Triều cho biết: “Từ năm 1996 đến nay, cả xã mất 50 hecta đất canh tác.  Cái khó khăn là nước biển tiếp tục xâm lấn. Nếu phải rời đê biển vào trong thì quỹ đất của địa phương không còn, rất eo hẹp. Thêm điều nữa là đê đất cát, không được bê tông hoá nên gặp mưa lớn, sóng lớn là bị xói lở rất mạnh”.

Hiện nay nguyên nhân chính khiến bờ biển Hải Hậu bị bào mòn được xác định là  năng lượng sóng tăng cao. Tuy nhiên, có rất nhiều yếu tố dẫn đến sự tăng năng lượng sóng. Phó Giáo sư Vũ Văn Phái, hiện đang công tác tại khoa Địa Lý, Đại học khoa học tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) phân tích: “Nguyên nhân chính là do năng lượng sóng tác động lên bờ ngày càng tăng.  Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự gia tăng của năng lượng sóng.  Bên cạnh đó, con người đang tàn phá rừng ngập mặn để làm đầm nuôi tôm hay khai thác cát.  Chính sự mất đi của rừng ngập mặn làm đê biển phải chịu tác động trực tiếp của sóng.  Và một yếu tố quan trọng khác nữa, đó là nước biển đang dâng”.

Bây giờ, bà Hoa và những gia đình xung quanh có thể tạm yên tâm rằng: con đê hiện tại có thể chịu đựng được những cơn bão cấp 11. Tuy nhiên, mỗi đợt biển động, nước lại ngấm vào trong vườn nhà, lõm bõm dưới chân. Mấy hôm nay thời tiết lại âm u, bà vẫn chưa thể ra đồng làm muối được… Bà còn nghe người ta nói, nước biển vài chục năm tới có khi dâng cao thêm 1 mét nữa. Bà chỉ biết lo và mong chuyện đó đừng xảy ra!.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên