Về nơi đi xe máy phải cuốn xích vào bánh xe
VOV.VN - Do đường dốc, nhiều đá nên việc đi lại chủ yếu vẫn là đi bộ, nếu đi xe máy thì phải cuốn xích vào bánh xe,
Bản Làng Sáng cách trung tâm xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La hơn 20 km đường rừng. Đây là bản xa xôi nhất của huyện. Sau gần 30 năm thành lập, người dân vẫn chỉ đi lại trên con đường đất vô cùng gian nan, vì vậy, bà con mong mỏi có đường bê tông hóa để đi lại thuận tiện hơn.
Từ trung tâm xã Háng Đồng vào Làng Sáng hơn 20 km, mấy năm trước thường phải đi bộ mất cả ngày trời. Bây giờ thời gian vào đến bản đã rút ngắn được 2/3, do một số đoạn đường đã có thể đi bằng xe máy, song chủ yếu vẫn là những con dốc dựng đứng, trơn trượt, một bên là vực sâu, chỉ sơ sẩy là có thể lăn xuống...
Một góc của bản Láng Sáng. (ảnh: Báo Sơn La). |
Thầy giáo Mùa A Nhè nhiều năm gắn bó với trường Tiểu học xã Háng Đồng cho biết: Đường vào Làng Sáng có nhiều đoạn rộng gần 3m, nhưng bình quân chỉ rộng 1,5m. Do đường dốc, nhiều đá nên việc đi lại chủ yếu vẫn là đi bộ, nếu đi xe máy thì phải cuốn xích vào bánh xe, song cực kỳ vất vả và nguy hiểm. Thời tiết ở đây lúc nắng, lúc mưa, hầu như lúc nào con đường cũng trong tình trạng ẩm ướt, trơn trượt, nên không phải ai cũng đủ dũng cảm để cầm lái: “Đường rất là trơn, không có xích không đi được. Thường mà đi giữa đường mà hỏng xe bỏ xe giữa rừng luôn. Cách đây mấy tuần có thầy đã bỏ xe trong rừng rồi”.
Thành lập từ năm 1988, Làng Sáng là một trong sáu bản đặc biệt khó khăn của xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên. Bản có 94 hộ dân tộc Mông, với trên 600 nhân khẩu. Cả bản nằm gọn trong khu bảo tồn thiên nhiên Tà Xùa, nơi nổi tiếng với rừng Pơ mu đại ngàn. Bao đời nay, người dân ở Làng Sáng vẫn duy trì sinh hoạt theo kiểu “tự cung, tự cấp", cuộc sống gần như tách biệt với thế giới bên ngoài. Phụ nữ Mông ở bản hầu như không ai biết tiếng phổ thông, vì cả đời họ, số lần xuống chợ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Họ chỉ quanh quẩn trong cái thung lũng như mê cung ấy, quanh quẩn với những nương ngô nương sắn, với đàn con nheo nhóc. Ở Làng Sáng, hầu như người đàn ông nào cũng biết đỡ đẻ cho vợ, bởi đường xá xa xôi, nếu phụ nữ có trở dạ thì cũng chỉ biết sinh đẻ tại nhà.
Anh Hạng A Páo, người dân Bản Làng Sáng cho biết:"Mình đỡ đẻ cho các con mình, vì đi bộ ra trạm y tế xã mất gần 1 ngày, mà vợ trở dạ sắp sinh đi làm sao được, nên mình phải làm, bản này ai cũng phải biết làm hết. Nếu có cái đường đi lại dễ dàng hơn bà con đỡ khổ ".
Nhờ cần cù chăm chỉ, nên vài năm trở lại đây, người dân Làng Sáng đã khai hoang được hàng chục ha ruộng nước, cải tạo đất nương, dẫn nước về làm ruộng bậc thang, nhiều nhà ngô thóc đầy kho, ăn một năm không hết, nhưng cũng chỉ biết nấu thành cám cho con gà con vịt, cho lợn ăn.
Chẳng ai mang ngô mang thóc đi bán được vì đường vừa xa vừa xấu. Không đường, không điện, không có bất cứ công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu nào. Bởi vậy, người dân Làng Sáng tuy không còn đói giáp hạt, nhưng hầu hết vẫn là hộ nghèo. Ngay cả xã, hay huyện nếu có mời cán bộ bản về họp, cũng phải gửi giấy mời trước đó cả tuần. Anh Hạng A Dua, Bí thư chi bộ bản Làng Sáng cho biết: “Làm một năm hơn 100 bao nhưng chỉ cho gà, lợn ăn và mình ăn, do không có đường đi lại. Bản vẫn nghèo do là làm xong cũng chỉ để đấy thôi. Bà con kiến nghị nhà nước quan tâm hơn nữa để làm cái đường, từ đây đi xã”.
Cũng vì đường đi lại quá khó khăn, nhiều năm qua, người dân trong bản ốm đau bệnh tật chủ yếu là mời thầy cúng hoặc tự chữa trị tại nhà. Nhiều ca bệnh nặng hoặc phụ nữ sinh nở khó, khi đưa được đến trung tâm y tế xã thì đã quá muộn, không chạy chữa kịp. Năm 2016 ở bản Làng Sáng có xảy ra cháy rừng, song việc ứng cứu và dập lửa không hiệu quả vì đường đi quá xa và nguy hiểm.
Trong quy hoạch giao thông nông thôn miền núi, UBND huyện Bắc Yên đã cho phép tiến hành khảo sát thiết kế và thi công tuyến đường từ trung tâm xã Háng Ðồng - Làng Sáng - Háng Ðồng C dài 21 km, trong đó khoảng 13 km phải đi qua vùng lõi Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Xùa. Do địa hình phức tạp, dự án mở đường không có tuyến nào khác mà phải bám theo đường mòn dân sinh. Nhưng do liên quan tới rừng đặc dụng nên dự án đã phải dừng lại.
Hiện nay, huyện cũng đã có tờ trình gửi tỉnh về việc cho chủ trương điều chỉnh quy hoạch cục bộ rừng đặc dụng Tà Xùa để làm đường tuần tra rừng, đường ranh cản lửa từ trung tâm xã Háng Đồng đến bản Làng Sáng.
UBND tỉnh Sơn La đã yêu cầu huyện tham mưu đề xuất với tỉnh để giải quyết đất làm đường vào bản Làng Sáng và Háng Đồng C. Như vậy, mong ước về con đường bê tông để đi lại thuận tiện của người dân Làng Sáng có thể sẽ sớm thành hiện thực./.