Về nơi khởi nguồn phong trào gia đình văn hoá

(VOV) - Hơn nửa thế kỷ qua, dòng mạch của phong trào gia đình văn hoá vẫn bền bỉ chảy trên quê hương Ngọc Long, Yên Mỹ (Hưng Yên).

Gia đình là môi trường quan trọng dưỡng dục, chở che, hình thành nhân cách con người các thế hệ. Từ những năm 60 của thế kỷ trước, 6 gia đình ở thôn Ngọc Tỉnh, xã Ngọc Long, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên đã tự nguyện giao ước thi đua với nhau xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Khởi nguồn từ đây, qua nửa thế kỷ, phong trào xây dựng gia đình văn hoá ngày càng có sức lan toả mạnh mẽ và đến nay cả nước đã có hơn 13 triệu gia đình đạt danh hiệu này.

Lấy văn hoá làm gốc   

Về Ngọc Long những ngày tháng 6 này, đi trên những con đường giữa cánh đồng đang vào mùa gặt, hương lúa thoang thoảng thơm, chúng tôi cảm nhận rõ cuộc sống yên bình của người dân nơi đây.

 

Bà Nguyễn Thị Oanh và chồng.

Trong câu chuyện với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Oanh - đại diện của 6 gia đình văn hoá đầu tiên ở thôn Ngọc Tỉnh nhớ lại: Năm 1960, đời sống gặp nhiều khó khăn lắm. Người Hưng Yên chỉ sống dựa vào cây lúa, nhưng khi đó một số hộ dân xin ra HTX, đồng lúa bỏ không ai chăm sóc; rồi trong thôn xuất hiện các tệ nạn xã hội, cờ bạc rượu chè, nhiều gia đình có hiện tượng bất hoà giữa mẹ chồng- nàng dâu...

Trong hoàn cảnh như thế, Ty Văn hoá Hưng Yên trước đây (nay là Sở VH-TT&DL Hưng Yên) quyết định đẩy mạnh phong trào văn nghệ quần chúng, xây dựng nếp sống văn hoá để động viên quần chúng nhân dân tham gia phát triển kinh tế. Hồi ấy mỗi sân đình thôn Ngọc Tỉnh là một sân khấu, dưới ánh trăng, giọng hò lơ, điệu hát trống quân ngợi ca công cuộc xây dựng miền Bắc vang lên khắp thôn xóm. Tiếng hát đi vào nếp sống của người dân nơi đây tự nhiên, dung dị như chính tâm hồn của họ.

6 gia đình ở thôn Ngọc Tỉnh được chọn để làm nòng cốt cho phong trào xây dựng nếp sống văn hoá là gia đình các ông Luyện Văn Đễ, Nguyễn Văn Tục, Đinh Văn Khắc, Luyện Văn Ẩn, Đinh Văn Thức và bà Nguyễn Thị Oanh. Các gia đình này đã hợp sức lại phát triển sản xuất, tình nguyện vào HTX, nuôi dạy con cái học hành tiến bộ, đoàn kết xóm làng, giữ gìn vệ sinh, thực hiện nếp sống mới, xoá bỏ tệ nạn ma tín dị đoan...

Bởi ý nghĩa thiết thực với chính người dân, mô hình các gia đình kiểu mẫu ở thôn Ngọc Tỉnh lan tỏa nhanh chóng trong toàn thôn, rồi ra cả tỉnh Hưng Yên. Phong trào trở thành một điển hình thi đua, hoà chung cùng làn sóng các cuộc thi đua khác của cả nước lúc bấy giờ như: Gió "đại phong", sóng "duyên hải", cờ "ba nhất", tiếng trống "Bắc Lý"...

Theo lời kể của bà Nguyễn Thị Oanh, hồi ấy, 6 gia đình đều thi đua bằng những việc làm cụ thể, đóng góp công sức cho cộng đồng. Mỗi gia đình sáng lập phong trào bằng những sở trường, thế mạnh của mình ra sức cống hiến cho quê hương. Chẳng hạn như: Cụ Luyện Văn Ẩn, một trong 6 người sáng lập phong trào, đã ươm trồng vườn nhãn lồng hơn 1.000 m2 phân phát miễn phí cho bà con làng xóm. Cụ Nguyễn Văn Tục cùng người con trai cả biết chơi một số nhạc cụ dân tộc như thổi sáo, kéo nhị, đứng ra thành lập đội văn nghệ của thôn, người dân tham gia đông đúc, ca hát trở thành nếp sinh hoạt không thể thiếu của người dân nơi đây...

Bà Oanh là người trẻ nhất trong 6 gia đình được chọn, khi ấy mới chỉ ở tuổi 20, đang làm Bí thư đoàn. Bản thân bà rất tích cực phấn đấu hoàn thành việc nhà, rồi việc làng, việc xóm. Chồng đi công tác xa, một mình bà chăm lo phụng dưỡng bố mẹ chồng, nuôi dạy 4 con ngoan ngoãn, thành đạt, biết giữ gìn nền nếp gia đình.

Bản thân bà Oanh cũng trưởng thành từ phong trào văn hóa. Từ Bí thư chi đoàn, rồi Phó Chủ nhiệm HTX, Chủ nhiệm HTX, Phó Chủ tịch, rồi Chủ tịch UBND xã, Bí thư Đảng uỷ xã Ngọc Long. Sau 31 năm công tác, bà Oanh đã nghỉ hưu từ năm 1990.

Phong trào xây dựng gia đình văn hóa như một động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển về kinh tế - xã hội của Ngọc Long lúc bấy giờ. Phong trào sau đó mở rộng tới nhiều địa phương như: Hải Dương, Bắc Giang, Thái Bình, Thanh Hóa... Năm 1982, nhân dịp tổ chức kỷ niệm 20 năm xây dựng phong trào gia đình văn hóa, nhân dân Ngọc Long vinh dự được Bộ trưởng Bộ Văn hóa Nguyễn Văn Hiếu về thăm và tặng bức trướng mang dòng chữ: "Ngọc Long - quê hương gia đình văn hóa của cả nước".

Sáng mãi truyền thống "Quê hương gia đình văn hoá"

Hơn nửa thế kỷ qua, dòng mạch của phong trào gia đình văn hoá vẫn bền bỉ chảy trên quê hương Ngọc Long. Các thế hệ nối tiếp của 6 gia đình văn hoá đầu tiên của cả nước đã và đang gìn giữ truyền thống tốt đẹp đó.

Các gia đình con cháu của các cụ Nguyễn Văn Tục, Đinh Văn Khắc, Đỗ Văn Thức và Nguyễn Thị Oanh, người hiện đang sống ở thị xã Hưng Yên, người đã vào miền Nam. Nhưng dù ở đâu, họ cũng đều phát huy truyền thống gia đình, trở thành hạt nhân của phong trào xây dựng gia đình văn hoá ở nơi cư trú.

 

Ông Luyện Ngọc Thanh giới thiệu về Phòng truyền thống gia đình.

 

Gia đình của ông Luyện Ngọc Thanh, con trai cụ Luyện Văn Ẩn đã lập dành hẳn một phòng rộng khoảng 20 m2 để lập Phòng truyền thống của gia đình. Cùng với bàn thờ gia tiên, trong phòng truyền thống còn có nhiều hình ảnh, tư liệu, 4 bức tường kín các loại bằng khen, giấy khen, Huân huy chương, nêu bật truyền thống quê hương gia đình văn hoá và những nỗ lực của 4 thế hệ trong gia đình.

Tại căn phòng này, ông Thanh còn lưu trữ nhiều bài báo, tạp chí viết về gia đình, cùng những kỷ vật về truyền thống gia đình. Ông cũng "mở cửa" căn phòng này để bà con và các cháu nhỏ trong thôn Ngọc Tỉnh đến đọc sách và trao đổi về phương pháp nuôi dạy con cái.

Trong hơn 50 năm qua, các thế hệ trong gia đình ông đều "ghi tâm khắc cốt" câu mà cha ông - cụ Luyện Văn Ẩn đã nói: "Đảng đã cho nhân dân và gia đình mình một cuộc sống mới thực sự ấm no, hạnh phúc, vậy thì các con phải sống làm sao cho xứng đáng, trọn đạo, vẹn tình với Đảng, với dân". Làm người phải có Đức, Tâm, Trí- đó là lời khuyên ông Thanh dành cho các con, cháu. Nhiều lúc thiếu thốn trăm bề, phải chắt chiu từng đồng để nuôi 4 con ăn học, nhưng ông Thanh và vợ ông luôn nỗ lực nuôi dạy các con, cháu chăm ngoan, hiếu thảo.

Theo ông Thanh, để giáo dục các con được tốt, thì ông bà, bố mẹ phải gương mẫu, mẫu mực. Giáo dục các con, các cháu bằng phương pháp thuyết phục, luôn luôn lắng nghe ý kiến của các con, các cháu, chứ không áp đặt. Trong gia đình bố mẹ phải đối xử thật bình đẳng, không phân biệt đâu là con trai, con gái, con dâu, con rể, hoặc là nam hay nữ và phải quan tâm từ những việc nhỏ nhất đến lớn nhất của mọi thành viên.

Với cách giáo dục ấy, ông Thanh tạo ra cho các con mình thói quen lễ phép, ứng xử văn hoá; ham học và có ý chí vươn lên chiếm lĩnh đỉnh cao của tri thức; biết yêu lao động, quí trọng người lao động và các sản phẩm lao động. 

Còn gia đình ông Luyện Ngọc Tân (cũng sống tại thôn Ngọc Tỉnh) - là con của cụ Luyện Văn Đễ cũng là gia đình văn hoá tiêu biểu của tỉnh Hưng Yên. Năm nay đã 82 tuổi, nhưng ông Luyện Ngọc Tân vẫn tích cực tham gia công tác mặt trận, Hội người cao tuổi và các Câu lạc bộ thơ, sinh hoạt cùng các cụ hưu trí.

Tiếp nối cha, ông Tân chèo lái gia đình "tứ đại đồng đường" luôn luôn yên ấm. Ông thường răn dạy các con, cháu phải làm việc tích cực. Ở gia đình thì làm ăn lương thiện, tích cực làm ăn kinh tế, lấy lao động của mình để xây dựng cuộc sống gia đình mình. Ông cũng nhiều cách để khích lệ các cháu học giỏi, đạt thành tích cao.

 

Ông Luyện Ngọc Tân bên bức tường treo rất nhiều bằng khen

Những năm qua, phong trào xây dựng gia đình văn hoá ở xã Ngọc Long phát triển mạnh mẽ. Theo ông Phạm Văn Viết - Chủ tịch UBND xã Ngọc Long, 80% số hộ dân ở Ngọc Long là gia đình văn hoá. Việc bình xét gia đình văn hoá được tổ chức công khai ở xóm, thôn và có kiểm tra, thẩm định chặt chẽ. Các gia đình ở Ngọc Long đều chấp hành tốt các chủ trương chính sách của nhà nước, sinh đẻ có kế hoạch, tình làng nghĩa xóm đầm ấm, gia đình hạnh phúc, phát triển kinh tế vững chắc.

Ông Chu Văn Sáng- Trưởng Phòng Văn hoá- Thông tin huyện Yên Mỹ cho biết, huyện luôn luôn nỗ lưc để duy trì giữ vững danh hiệu là nơi khởi nguồn phong trào gia đình văn hoá. Việc bình xét các danh hiệu đều được làm thực chất. Hàng năm bình xét do các hộ thôn xóm, sau đó ban dân chính của thôn tổng hợp, báo cáo lên Ban chỉ đạo Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá của xã ra quyết định công nhận, công bố công khai trên Đài truyền thanh để công khai toàn dân biết.

Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII), phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" ở xã Ngọc Long nói riêng và huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên nói chung ngày càng phát triển mạnh mẽ. Hiện nay, toàn huyện có 78/85 làng được công nhận danh hiệu làng văn hoá (đạt tỷ lệ 91,8%); 30.871 hộ/ 35.794 hộ được công nhận danh hiệu gia đình văn hoá (đạt 86,3%). Toàn huyện có 13/17 xã, thị trấn có 100% số làng đạt danh hiệu làng văn hoá.

Nhiều làng văn hoá được công nhận đã phát huy tốt vai trò trong sự phát triển kinh tế- xã hội như: Làng văn hoá Ngọc Tỉnh (xã Ngọc Long), làng văn hoá Nhị Mễ Thượng (xã Yên Phú), làng văn hoá Thung Linh (xã Yên Hoà), làng văn hoá Hạ (xã Trung Hưng), làng văn hoá Thanh Xá (xã Nghĩa Hiệp)...

Phong trào gia đình văn hoá ở huyện Yên Mỹ đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của các gia đình ở đây, đồng thời góp phần gìn giữ bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nhiều hoạt động hướng tới Ngày Gia đình Việt Nam 2013
Nhiều hoạt động hướng tới Ngày Gia đình Việt Nam 2013

(VOV) -Tại các tỉnh thành trên cả nước diễn ra nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam (28/6).

Nhiều hoạt động hướng tới Ngày Gia đình Việt Nam 2013

Nhiều hoạt động hướng tới Ngày Gia đình Việt Nam 2013

(VOV) -Tại các tỉnh thành trên cả nước diễn ra nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam (28/6).

Hội nghị biểu dương gia đình văn hóa tiêu biểu Thủ đô
Hội nghị biểu dương gia đình văn hóa tiêu biểu Thủ đô

Hội nghị biểu dương có sự góp mặt của 286 gia đình tiêu biểu ở 29 quận, huyện của Hà Nội. Họ là những gia đình cán bộ, công chức, gia đình chính sách, doanh nhân, tôn giáo, dân tộc…

Hội nghị biểu dương gia đình văn hóa tiêu biểu Thủ đô

Hội nghị biểu dương gia đình văn hóa tiêu biểu Thủ đô

Hội nghị biểu dương có sự góp mặt của 286 gia đình tiêu biểu ở 29 quận, huyện của Hà Nội. Họ là những gia đình cán bộ, công chức, gia đình chính sách, doanh nhân, tôn giáo, dân tộc…

Xây dựng gia đình văn hóa trong thời kỳ hội nhập
Xây dựng gia đình văn hóa trong thời kỳ hội nhập

Ngày hội Gia đình Việt Nam lần thứ 2-2009 là một hoạt động văn hoá lớn nhằm tôn vinh những giá trị văn hoá truyền thống gia đình Viêt Nam; Giao lưu chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình văn hoá để hướng tới sự phát triển bền vững của gia đình

Xây dựng gia đình văn hóa trong thời kỳ hội nhập

Xây dựng gia đình văn hóa trong thời kỳ hội nhập

Ngày hội Gia đình Việt Nam lần thứ 2-2009 là một hoạt động văn hoá lớn nhằm tôn vinh những giá trị văn hoá truyền thống gia đình Viêt Nam; Giao lưu chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình văn hoá để hướng tới sự phát triển bền vững của gia đình