Về thông tin gây “rúng động” ngành giáo dục Hải Phòng (kỳ 3)

VOV.VN-Để tìm hiểu khách quan thông tin liên quan trực tiếp đến ông Bùi Văn Phú, chúng tôi liên hệ và được ông hẹn làm việc vào 8h sáng 16/7.

Tuy nhiên, chiều 15/7, khi chúng tôi đang làm việc với BGH Trường Kiến An, ông Phú bỗng điện thoại thông báo hủy cuộc hẹn với lý do ông không liên quan nội dung chúng tôi tìm hiểu, rồi tắt máy(!?). Sau đó, chúng tôi nhiều lần gọi lại để khẳng định có ít nhất 3 vấn đề liên quan trực tiếp đến ông Phú, nhưng ông không trả lời...

“Đơn đề nghị 3 con dấu” gửi Bí thư Thành ủy Hải Phòng

Ngày 2/4/2013, một “Đơn kiến nghị” đóng tới 3 con dấu với chữ ký “thay mặt” Đảng ủy, Ban Giám hiệu (BGH) và BCH Công đoàn Trường THPT chuyên Trần Phú của Phó Bí thư Nguyễn Thị Son, Phó Hiệu trưởng Nguyễn Thúy Nga và Chủ tịch Công đoàn Doãn Kim Chung được gửi vượt cấp tới Bí thư Thành ủy Hải Phòng. Cùng với sự hiện diện của 3 con dấu, tính “khẩn trương”, “nghiêm trọng” của “Đơn đề nghị” được thể hiện ngay trong phần mở đầu: “Thay mặt toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên Trường THPT chuyên Trần Phú chúng tôi xin đề nghị...”; “Ngày 2/4/2013, Sở GD&ĐT Hải Phòng đến Trường THPT chuyên Trần Phú gặp Đảng ủy, BGH thông báo về việc đ/c Bùi Văn Phú thuyên chuyển sang Trung tâm Giáo dục thường xuyên...”; “Ngay tại buổi thông báo, Đảng ủy, BGH Nhà trường đã bàn và thống nhất 100% ý kiến mong muốn đ/c Phú tiếp tục ở lại...”.

Ai đã soạn ra “Đơn đề nghị” kể trên, và triển khai nhanh đến mức, ngay trong ngày 2/4 - ngày Sở GD&ĐT Hải Phòng đến Trường Trần Phú làm việc về vấn đề điều chuyển ông Phú, thì  lập tức Đảng ủy, BGH và Công đoàn đã kịp họp bàn, thống nhất “mong muốn đ/c Phú tiếp tục ở lại”  để xây dựng nội dung “Đơn đề nghị”, rồi ký, đóng đủ 3 con dấu và gửi tới Bí thư Thành ủy?

Dự án xây mới trường chuyên Trần Phú đang triển khai tại ngã 5 Hải Phòng

Trả lời VOV, Phó Bí thư Đảng ủy Nguyễn Thị Son và Phó Hiệu trưởng Nguyễn Thúy Nga đều nhận thức về việc làm của mình là sai. Nhưng họ đều khẳng định, không biết ai soạn  ra văn bản, chỉ biết khi lên phòng Dự án đã thấy văn bản để sẵn trên bàn và họ ký; sau đó ai đem đi đóng dấu, ai gửi, họ cũng không biết(!?).

Về mặt pháp lý, văn bản này liên quan trực tiếp đến ông Bùi Văn Phú, vì lúc này, ông vẫn đảm trách cương vị Bí thư Đảng ủy và Hiệu trưởng Trường chuyên Trần Phú, nội dung lại “đề nghị cho ông được tiếp tục lãnh đạo”. Không được sự đồng ý của ông, dĩ nhiên Phó Bí thư Đảng ủy và Phó Hiệu trưởng nhà trường không thể qua mặt ông để ký “thay mặt” và sử dụng con dấu Đảng ủy và BGH Nhà trường được.

Và không chỉ ông Phú, nội dung văn bản kể trên còn phải được sự nhất trí của tất cả thành viên BCH Đảng ủy và BGH. Tuy nhiên, trong buổi làm việc với VOV và nhiều tờ báo khác, cô Nguyễn Thị Ngà - Phó Hiệu trưởng, Đảng ủy viên Trường THPT chuyên Trần Phú lại khẳng định: “Trong hai vai trò là Ban Giám hiệu và Đảng ủy viên, tôi đều không được biết gì về văn bản kiến nghị này”.

Về con dấu và chữ ký “thay mặt” BCH Công đoàn của Chủ tịch Công đoàn Doãn Kim Chung cũng vậy. Trong nội dung “Đơn đề nghị” chỉ ghi: “Ngay tại buổi thông báo, Đảng ủy, BGH Nhà trường đã bàn và thống nhất 100% ý kiến mong muốn đ/c Phú tiếp tục ở lại lãnh đạo nhà trường...”, không hề có BCH Công đoàn, và thực tế BCH Công đoàn cũng không họp và có Nghị quyết về nội dung này để Chủ tịch Công đoàn “thay mặt” BCH ký tên, đóng dấu vào văn bản.

Chỉ cần nêu mấy nội dung kể trên đã cho thấy “Đơn đề nghị 3 con dấu” gửi vượt cấp từ Trường THPT chuyên Trần Phú là đầy mâu thuẫn, không đảm bảo tính pháp lý, lại càng không thể đại diện cho ý chí và nguyện vọng của “toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên Trường THPT chuyên Trần Phú” như nội dung đơn thể hiện. Vậy, “Đơn đề nghị 3 con dấu” kỳ lạ này đại diện cho ai?!...

“Đơn đề nghị” ký tên thầy Thọ

Sau 3 ngày “Đơn đề nghị 3 con dấu” được phát đi, một “Đơn đề nghị” khác được gửi đến Sở Nội vụ Hải Phòng vào ngày 5/4. Lá đơn cũng có nội dung “Đại diện toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên Trường THPT chuyên Trần Phú”, cũng nêu vấn đề không đồng tình với việc thuyên chuyển Hiệu trưởng Bùi Văn Phú và  “mong muốn đ/c Phú tiếp tục ở lại”. Chỉ khác là nêu thêm nội dung phản ánh về khuyết điểm cách đây 8 năm của Hiệu trưởng Đỗ Thị Hòa, người dự kiến sẽ thay ông Phú. Kèm lá đơn này là tài liệu photo chứng minh “tội lỗi” của bà Hòa.

Bất ngờ là lá đơn “đại diện cho toàn thể” lại chỉ có một chữ ký của giáo viên Dương Quang Thọ ở Trường THPT chuyên Trần Phú. Bất ngờ nữa là chính thầy Thọ đã tự nhận ra sai lầm của mình nên kiên quyết viết đơn gửi Thành ủy, UBND và Sở Nội vụ Hải Phòng để xin rút lại lá đơn không phải do mình viết.

Trả lời VOV, thầy Thọ nói rõ: Ông Phú mời thầy lên phòng Hiệu trưởng và đưa ra 4 lá đơn đề nghị đã soạn sẵn, mỗi đơn gồm 3 tờ riêng biệt. Thầy Thọ đọc và thấy có nói về thành tích của trường, của Hiệu trưởng. Đơn đề “đại diện toàn thể cán bộ, giáo viên...”, với các nơi gửi khác nhau, trang cuối thì phần giấy trắng còn nhiều, chưa ai ký. Và quan trọng là đơn có cụm từ muốn giải quyết nhanh chóng để trường ổn định. Vì thế thầy Thọ đã ký vào đơn, rồi đưa cho ông Phú. Khi biết ông Phú mang đơn gửi đi nhiều nơi nhưng lại chỉ có một chữ ký của mình, thầy Thọ đã nhận ra sự bất cẩn, sai trái của mình nên đã làm đơn xin rút lại.

Về việc khuyết điểm của bà Đỗ Thị Hòa, lá đơn soạn sẵn mà ông Phú đưa cho thầy Thọ ký, nêu: Cách đây 8 năm, bà Hòa lúc đó là Phó Hiệu trưởng Trường THPT Bán công (Đại học Hải Phòng) đã “có sai phạm nghiêm trọng” là sửa  nhiều điểm trong Phiếu điểm cho học sinh Đỗ Thái Mỹ để đủ điều kiện được chuyển sang Trường THPT Ngô Quyền, nhưng không bị xử lý. Gửi kèm đơn là phiếu điểm của học sinh Đỗ Thái Mỹ và một bài báo nêu sự việc này. Sau đó, trên công luận vụ việc này được nêu lên, đồng thời đưa ra trường hợp một Hiệu trưởng cũng vào thời điểm đó, sửa điểm cho học sinh ít môn hơn, nhưng bị cách chức Hiệu trưởng.

Về nội dung trên, ngày 2/5/2013, Sở GD&ĐT Hải Phòng đã có công văn khẳng định, vụ việc liên quan đến học sinh Đỗ Thái Mỹ cách đây 8 năm đã được báo chí phản ánh, và đã được xử lý dứt điểm. Thời điểm đó, Báo An ninh Hải Phòng đã có bài điều tra về vụ việc này với tiêu đề: “Không sai qui chế và không có sự khuất tất”.

Vậy, thực hư vụ việc này ra sao? Thực tế, có chuyện sai lệch điểm và diễn ra như sau: Năm học 2004 - 2005, học sinh Đỗ Thái Mỹ tham gia thi tuyển đầu vào và trúng tuyển vào Trường THPT Bán công Đại học Hải Phòng. Học hết học kỳ I, học sinh này xin chuyển về Trường THPT Ngô Quyền. Việc chuyển trường này, tại công văn số 7062/GD&ĐT ngày 13/8/2007, do ông Trần Xuân Đình, Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng (thời gian đó) ký, đã trả lời Quận ủy Kiến An: “Học sinh trường ngoài công lập có thi tuyển đầu vào, có hoàn cảnh khó khăn chuyển đến nơi mới không có trường ngoài công lập tương đương (khu vực nội thành không có trường ngoài công lập tương đương thi tuyển đầu vào) thì xem xét chuyển về trường quốc lập”, đồng thời khẳng định: “Việc chuyển trường đối với học sinh Đỗ Thái Mỹ là đúng qui chế, không có tiêu cực gì trong việc chuyển trường này”.

Tuy nhiên, đã có sai phạm xảy ra. Đó là khi làm Phiếu điểm học kỳ I kèm đơn chuyển trường cho học sinh Mỹ, cô giáo Chủ nhiệm Nguyễn Thị Thu Nguyệt đã sao điểm 6 môn học của học sinh Mỹ có sai lệch, khiến điểm trung bình các môn học  được nâng từ 5,2 lên 5,7 so với sổ gốc. Trong khi điểm trong sổ gốc vẫn giữ nguyên. Phiếu điểm được gửi lên và bà Hòa, lúc đó là Phó Hiệu trưởng, đã ký xác nhận mà không kiểm tra.

Hai năm sau, khi bà Hòa đã được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường THPT Kiến An thì sự việc được phát hiện. Báo chí phản ánh, cơ quan chức năng vào cuộc và kết luận: Việc sao điểm sai lệch là do cô giáo chủ nhiệm làm sai, cô đã kiểm điểm sâu sắc và thừa nhận. Ngay sau khi phát hiện sai sót, bà Hòa và cô Nguyệt đã nghiêm khắc kiểm điểm và làm văn bản gửi lên Sở đề nghị được đính chính lại những sai sót theo đúng sổ điểm gốc của nhà trường quản lý. Việc điểm trong sổ gốc không bị sửa cũng là một căn cứ để cho rằng Phó Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hòa không chỉ đạo việc nâng điểm này. Và như kết luận của Sở GD&ĐT, việc nâng điểm này không phải là điều kiện để học sinh Mỹ được chuyển trường.

Về khuyết điểm của bà Hòa, tại thời điểm đó, công văn số 7062/GD&ĐT ngày 13/8/2007 của Sở GD&ĐT Hải Phòng trả lời Quận ủy Kiến An nêu rõ: “Bà Hòa là một giáo viên, cán bộ đảng viên trẻ có bản chất tốt, phẩm chất đạo đức chính trị tốt, trung thực, thẳng thắn, là giáo viên giỏi cấp thành phố. Bà Hòa hiện đang làm nghiên cứu sinh bảo vệ luận án tiến sĩ. Khuyết điểm của bà Hòa là đã xác nhận vào phiếu điểm chuyển trường do cô giáo chủ nhiệm Nguyệt sao, mà thiếu sự kiểm tra, đối chiếu, lại vì quá tin đồng nghiệp cách đây hơn 2 năm. Bà Hòa đã nghiêm khắc kiểm điểm và nhận lỗi. Khuyết điểm của bà Hòa mắc lần đầu, chưa đến mức phải xử lý kỷ luật.”

Còn trường hợp ông Nguyễn Trần Long, Hiệu trưởng Trường THPT Lý Thường Kiệt, tuy cùng thời điểm, lại chỉ sửa điểm có 3 môn cho học sinh nhưng tính chất mức độ vi phạm và hậu quả lại khác hẳn. Cụ thể, ông Nguyễn Trần Long đã sửa điểm cho 1 học sinh ở lại lớp để học sinh này được lên lớp và chuyển sang trường khác. Trong bản tường trình ông Long đã tự nhận do chính mình chỉ đạo để sửa và sẵn sàng chấp hành kỷ luật. Một bên cố ý, một bên không, hậu quả khác nhau, đương nhiên mức độ xử lý phải khác nhau.

Hiện nay, học sinh Đỗ Thái Mỹ đã có bằng Dược sĩ, đang công tác tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Tiệp Hải Phòng. Gặp chúng tôi, Mỹ rất buồn và thương thầy Hùng, cô Nguyệt, cô Hòa, chỉ vì chuyện của Mỹ mà “cứ bị ảnh hưởng mãi”, Mỹ nói cũng không hiểu vì sao mà lại ra như thế...

Tôi phản đối trò “đấu đá, bới thối nhau ra”

Đó là lời của ông Quách Văn Bình, Trưởng ban Đại diện Cha mẹ học sinh Trường THPT chuyên Trần Phú khi làm việc với phóng viên VOV và nhiều tờ báo khác. Ông Bình là Chủ tịch Công đoàn Sở Xây dựng Hải Phòng. Ngày 8/5/2013, ông đã ký một lá đơn có nội dung giống đơn có chữ ký của thầy Dương Quang Thọ gửi tới Thường trực Thành ủy Hải Phòng. Ông cho biết, lá đơn có 2 nội dung, một là ca ngợi và đề nghị giữ ông Phú tiếp tục ở lại làm Hiệu trưởng Trường Trần Phú; hai là nêu chuyện “sửa điểm” trước đây của cô Đỗ Thị Hòa. Giống như thầy Thọ, ông Bình cho biết, ông cũng được ông Phú mời lên phòng Hiệu trưởng và đưa ra lá đơn đã thảo sẵn, rồi bảo ông ký.

Ông Bình nói: “Tôi có đọc lướt qua một lần, trong đơn có yêu cầu giữ lại anh Phú, sau đó truy cập cô Hòa “thế lọ thế chai”. Anh Phú bảo tôi ký. Tôi ký xong nhưng sau khi kiểm tra lại thấy thông tin không chuẩn và có tính chất đấu đá nhau. Vì cô Hòa chuyển về đây chứ nếu cô Hòa không về thì sẽ chẳng có chuyện đấy...”. Rồi ông Bình bức xúc: “Tôi định không ký nhưng anh Phú bảo cứ ký vào đây. Sau này, khi kiểm tra lại thông tin, thấy cô Hòa không có điều đó, tôi đã xin rút đơn lại và tôi ủng hộ cách làm của thành phố. Tôi phát hiện cá nhân anh Phú vi phạm, anh dùng mối quan hệ hoặc là điều kiện anh đang là cấp trưởng để kéo người khác vào, ép vì mục đích cá nhân quá lớn của anh Phú”.

Trả lời câu hỏi, ai là người gửi lá đơn ông ký lên Thường trực Thành ủy, ông Bình vẫn chưa hết bức xúc: “Tôi không chuyển lá đơn đề nghị ấy lên. Ông Phú muốn kéo tôi vào cùng với các Phó Hiệu trưởng phải thống nhất để có kiến nghị bằng đơn lên Thành ủy. Kéo tôi vào để nêu cái sai phạm của cô Hòa nhằm ủng hộ ông Phú. Sau khi tôi ký xong, nghĩ lại thấy không chuẩn, có dấu hiệu đấu đá và bôi nhọ nhau, bới thối nhau ra, nhằm mục đích cá nhân, làm tổ chức khó xử lý, nên tôi đã làm đơn xin rút lại.”

Đó là 3 nội dung liên quan trực tiếp đến ông Bùi Văn Phú, đáng tiếc là ông Phú đã không trực tiếp gặp chúng tôi để làm rõ, dù trước đó đã hẹn làm việc. Vì sao ông Phú lại hủy cuộc làm việc đã hẹn? Phải chăng, sau khi biết chúng tôi có buổi làm việc tại Trường THPT Kiến An, nơi em dâu ông là Nguyễn Thị Là bỗng nhiên có nhiều hành vi bất thường đối với cương vị một Phó Hiệu trưởng, một Phó Bí thư Đảng ủy nhà trường làm hoang mang phụ huynh, học sinh, ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường và uy tín của Hiệu trưởng Đỗ Thị Hòa (điều mà ông đã làm), nên ông ngại? Hay vì ông chưa bàn giao xong Dự án xây dựng Trường THPT chuyên Trần Phú mới cho người kế nhiệm, nên ông bận?./.                                     

Kỳ 4: Ba “sự lạ”của Hiệu phó Nguyễn Thị Là

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Về thông tin gây "rúng động" ngành giáo dục Hải Phòng (kỳ 1)
Về thông tin gây "rúng động" ngành giáo dục Hải Phòng (kỳ 1)

VOV.VN - Thực hư việc  Trường THPT Kiến An không tổ chức dạy môn Giáo dục QP-AN nhưng vẫn thu thêm khoảng gần 130 triệu đồng/năm?

Về thông tin gây "rúng động" ngành giáo dục Hải Phòng (kỳ 1)

Về thông tin gây "rúng động" ngành giáo dục Hải Phòng (kỳ 1)

VOV.VN - Thực hư việc  Trường THPT Kiến An không tổ chức dạy môn Giáo dục QP-AN nhưng vẫn thu thêm khoảng gần 130 triệu đồng/năm?

Về thông tin gây "rúng động" ngành giáo dục Hải Phòng (kỳ 2)
Về thông tin gây "rúng động" ngành giáo dục Hải Phòng (kỳ 2)

VOV.VN -Việc lựa chọn Hiệu trưởng đương nhiên phải được cân nhắc. Thế nhưng, khi quyết định chưa được ban ra, đã râm ran dư luận

Về thông tin gây "rúng động" ngành giáo dục Hải Phòng (kỳ 2)

Về thông tin gây "rúng động" ngành giáo dục Hải Phòng (kỳ 2)

VOV.VN -Việc lựa chọn Hiệu trưởng đương nhiên phải được cân nhắc. Thế nhưng, khi quyết định chưa được ban ra, đã râm ran dư luận