Vệ tinh VNREDSat-1 hoạt động ổn định trên quỹ đạo
VOV.VN -Viện KHCN Việt Nam sẽ xúc tiến tìm kiếm đối tác nước ngoài để trao đổi tín hiệu vệ tinh VNREDSat-1 trong các quỹ đạo ngoài Việt Nam.
Ngày 7/5/2013, vào lúc 9h06’30’’ (giờ Việt Nam), Vệ tinh quan sát trái đất (viễn thám) đầu tiên của Việt Nam (VNREDSat-1) đã được tên lửa đẩy Vega đưa lên quỹ đạo từ bãi phóng Kourou, ở Guyana, Pháp, đánh dấu một mốc quan trọng trong Dự án VNREDSat-1.
Cho đến nay, vệ tinh đã hoạt động liên tục trên quỹ đạo mà chưa hề có bất kỳ sự cố nào. Sau trên 5290 vòng quay quanh Trái đất, vệ tinh VNREDSat-1 vẫn hoạt động ổn định trong quỹ đạo thiết kế tại cao độ 680km để đảm bảo chất lượng chụp ảnh là tối ưu nhất theo thiết kế của vệ tinh.
Để duy trì được điều kiện này, các cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Điều khiển và Khai thác Vệ tinh nhỏ liên tục giám sát quỹ đạo của vệ tinh VNREDSat-1 qua thông tin vị trí có được từ các bộ GPS trên vệ tinh.
Nhằm giúp độc giả hiểu hơn về quy trình vận hành và khai thác vệ tinh VNREDSat-1, phóng viên VOV online phỏng vấn Tiến sĩ (TS) Bùi Trọng Tuyên, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ vũ trụ, Trưởng ban Quản lý dự án vệ tinh nhỏ, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ (KHCN) Việt Nam.
Khu vực Cầu Giấy, Hà Nội chụp từ vệ tinh VNREDSat-1 (Ảnh do Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam cung cấp) |
PV: Xin ông cho biết, quá trình vận hành và khai thác vệ tinh VNREDSat-1 sau khi phóng lên vũ trụ cho đến nay?
TS Bùi Trọng Tuyên: Vệ tinh VNREDSat-1 được phóng lên quỹ đạo và truyền tín hiệu đầu tiên về Việt Nam lúc 14h28 ngày 7/5/2013. Quá trình phóng vệ tinh diễn ra thành công và đạt độ chính xác rất cao nên ngay trong ngày hôm sau đã có thể lập chương trình để chụp các ảnh đầu tiên tại một số điểm trên trái đất.
Hàng ngày, vệ tinh VNREDSat-1 bay xung quanh Trái đất khoảng 14 vòng với thời gian mỗi vòng là 98 phút. Vệ tinh liên lạc với các Trạm mặt đất ở Việt Nam từ 3-4 lần mỗi ngày trong khoảng từ 9h30-12h30 buổi sáng và từ 21h30’ đến 00h30’ buổi tối.
Từ tháng 9/2013, sau khi tiếp nhận bàn giao hệ thống VNREDSat-1, Ban Quản lý dự án Vệ tinh nhỏ đã nhận các yêu cầu chụp ảnh VNREDSat-1 trên lãnh thổ Việt Nam, trong đó chủ yếu tiếp nhận yêu cầu từ Cục Viễn thám Quốc gia (đơn vị được giao tổng hợp nhu cầu dân sự về ảnh viễn thám trên toàn quốc), và từ Bộ Quốc phòng và Bộ Công an phục vụ các mục đích quốc phòng an ninh.
Cho đến nay, vệ tinh đã hoạt động liên tục trên quỹ đạo mà chưa hề có bất kỳ sự cố nào. Đi cùng với đó, với 1332 phiên liên lạc với vệ tinh, các trạm mặt đất do Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam và Bộ Tài nguyên-Môi trường quản lý cũng chưa để xảy ra bất kỳ sự cố nghiêm trọng nào. Hàng ngày, dựa trên các yêu cầu chụp ảnh do Cục Viễn thám Quốc gia tổng hợp, cũng như các yêu cầu gửi trực tiếp đến Ban quản lý Dự án Vệ tinh nhỏ, các cán bộ của Trung tâm Điều khiển và Khai thác Vệ tinh nhỏ tiến hành lập kế hoạch chụp và truyền ảnh cho vệ tinh, cũng như chuẩn bị kế hoạch phối hợp điều khiển và thu nhận cho các trạm mặt đất. Các ảnh thu nhận được, cũng được nhanh chóng xử lý, sản xuất và sản phẩm được chuyển tới đơn vị yêu cầu để kịp thời đáp ứng nhu cầu đa dạng và ngày càng gia tăng về ảnh viễn thám trong Việt Nam.
Tới nay, sau trên 5290 vòng quay quanh Trái đất, vệ tinh VNREDSat-1 vẫn hoạt động ổn định trong quỹ đạo thiết kế tại cao độ 680km để đảm bảo chất lượng chụp ảnh là tối ưu nhất theo thiết kế của vệ tinh.
PV: Thưa ông, trong quá trình vận hành, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam và các cơ quan ở trong nước đã được các đối tác quốc tế chuyển giao công nghệ, hỗ trợ như thế nào?
TS Bùi Trọng Tuyên: Việc phối hợp quốc tế của hệ thống VNREDSat-1 được thể hiện qua các hoạt động: Phối hợp tần số và quỹ đạo với các mạng vệ tinh khác kể từ khi được phóng lên, với sự hỗ trợ của Cục tấn số vô tuyến điện, mạng vệ tinh VNREDSat-1 đã tiến hành phối hợp tần số quỹ đạo với một số mạng vệ tinh quốc tế như: GCOM-C1 và ALOS-2 (Nhật Bản), KOMPSAT-3A (Hàn Quốc). Đây cũng là công tác thường xuyên nhằm bảo vệ quỹ đạo/tần số của VNREDSat-1, tránh can nhiễu làm ảnh hưởng đến quá trình trao đổi thông tin giữa vệ tinh và các trạm mặt đất.
Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam phối hợp cùng Bộ Tài nguyên -Môi trường đã tiến hành xây dựng thử nghiệm việc phối hợp vận hành vệ tinh VNREDSat-1 với các vệ tinh khác trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là với vệ tinh THEOS của Thái Lan. Từ đầu năm 2014, vệ tinh VNREDSat-1 và THEOS đã có những đợt cùng chụp ảnh ở cùng một khu vực, như Bắc bộ (Việt Nam), Chiang Mai (Thái Lan) hay sa mạc Lybia, nhằm so sánh đặc điểm kỹ thuật của ảnh 2 vệ tinh. Đặc biệt, trong đợt tìm kiếm máy bay mất tích số hiệu MH370 của Malyasia , hai nước đã có sự phối hợp, phân công tìm kiếm bằng vệ tinh và trao đổi dữ liệu chụp cho nhau nhằm tăng cường hiệu quả của việc tìm kiếm. Các hợp tác này sẽ là tiền đề rất tốt để tiến tới mục tiêu hình thành chùm vệ tinh quan sát thiên tai, địch họa của khu vực Đông Nam Á.
Tiến sĩ Bùi Trọng Tuyên |
Sẽ xúc tiến tìm kiếm đối tác nước ngoài để có thể trao đổi tín hiệu vệ tinh
PV: Việc vận hành và khai thác sử dụng vệ tinh VNREDSat-1 sẽ được Viện KHCN Việt Nam và các đối tác thực hiện trong thời gian tới ra sao, thưa ông?
TS Bùi Trọng Tuyên: Nhằm tạo hành lang pháp lý đảm bảo cho việc vận hành và khai thác hệ thống vệ tinh VNREDSat-1, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam và Bộ Tài nguyên-Môi trường đã phối hợp ban hành trong thẩm quyền của mình cũng như trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các quyết định: Phối hợp hoạt động trong quản lý vận hành và khai thác hệ thống VNREDSat-1; đảm bảo an ninh, an toàn dữ liệu của hệ thống VNREDSat-1 và Quy chế về xác định thứ tự ưu tiên các yêu cầu chụp ảnh của hệ thống VNREDSat-1; quản lý, vận hành và khai thác vệ tinh quan sát Trái đất đầu tiên của Việt Nam VNREDSat-1.
Trong 1 năm qua, toàn bộ hệ thống vệ tinh VNREDSat-1 đã được vận hành một cách an toàn và hiệu quả, kịp thời đáp ứng các yêu cầu về ảnh viễn thám của Việt Nam. Đạt được kết quả này, bên cạnh sự nỗ lực của các cán bộ kỹ thuật, không thể không kể đến sự quan tâm, chỉ đạo và tạo mọi điều kiện về cơ sở vật chất, con người, điều kiện, môi trường làm việc, ... của Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam và của Bộ Tài nguyên-Môi trường.
Trong thời gian tới, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam và Bộ Tài nguyên-Môi trường sẽ tiếp tục chủ trì phối hợp chỉ đạo việc vận hành và khai thác vệ tinh VNREDSat-1 đáp ứng đầy đủ, nhanh chóng các yêu cầu chụp ảnh của các đơn vị ở Việt Nam. Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam, là đơn vị được giao chịu trách nhiệm chính về hiệu quả của Dự án VNREDSat-1, sẽ tích cực phối hợp với các Bộ, ngành nhằm đẩy mạnh việc sử dụng ảnh vệ tinh VNREDSat-1 trong công tác, nghiệp vụ của mình.
Nhằm mục đích phục vụ nghiên cứu khoa học, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam cũng sẽ tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu viễn thám của Viện. Trong đó, tích hợp toàn bộ dữ liệu viễn thám của vệ tinh VNREDSat-1 cũng như các vệ tinh viễn thám trong tương lai của Viện. Cuối cùng, để tận dụng hiệu quả khả năng chụp ảnh toàn cầu của vệ tinh VNREDSat-1, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam sẽ xúc tiến tìm kiếm đối tác nước ngoài để có thể trao đổi tín hiệu vệ tinh VNREDSat-1 trong các quỹ đạo ngoài Việt Nam.
PV: Được biết, sau vệ tinh VNREDSat-1, Việt Nam dự kiến sẽ phóng vệ tinh quan sát trái đất thứ 2. Xin ông cho biết tiến độ triển khai để phóng vệ tinh này?
TS Bùi Trọng Tuyên: Dự kiến đến năm 2017, Việt Nam sẽ phóng vệ tinh quan sát trái đất thứ 2 (VNREDSat - 1B).
Vệ tinh VNREDSat - 1B có nguồn gốc từ nhóm các vệ tinh PROBA của Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA). Đây sẽ là vệ tinh quan sát trái đất thứ hai, giúp giám sát nguồn tài nguyên môi trường, thiên tai, cải thiện quản lý lãnh thổ và các nguồn tài nguyên chủ yếu như nông nghiệp, biển, rừng.
Vệ tinh VNREDSat - 1B không phải là vệ tinh thay thế quan sát trái đất thứ nhất (VNRED Sat-1) nên hai vệ tinh này sẽ hoạt động song song với nhau và sẽ hỗ trợ quá trình giám sát trái đất tốt hơn.
VNREDSat-1B là vệ tinh giám sát trái đất thứ 2 mà Việt Nam dự kiến đưa vào vũ trụ với sự hợp tác của Vương quốc Bỉ.
Hiện nay, Bộ Tài chính đang đàm phán về vốn vay với Bỉ để kịp tiến độ dự kiến cho việc phóng vệ tinh VNREDSat-1B.
PV: Xin cảm ơn ông!./.