Vi phạm của BN 2899 còn phải xử lý cả tổ chức, cá nhân khác
VOV.VN - Trước việc, UBND tỉnh Hà Nam chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét xử lý đối với bệnh nhân 2899, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho rằng, đủ căn cứ để truy cứu hình sự đối với bệnh nhân này.
Tại cuộc họp diễn ra sáng 2/5, UBND tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng tiến hành xử lý vi phạm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 đối với bệnh nhân 2899 và các tổ chức, cá nhân liên quan. Nếu đủ căn cứ sẽ truy cứu hình sự đối với bệnh nhân này. Vậy ca "siêu lây nhiễm" ra cộng đồng này đã vi phạm các quy định phòng chống dịch COVID-19 như thế nào? Ngoài bệnh nhân 2899, còn những tổ chức, cá nhân nào cần phải bị xử lý?
Nam bệnh nhân 2899 sinh năm 1993, trú tại thôn Quan Nhân, xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam là công dân Việt Nam từ Nhật Bản trở về, đã hoàn thành thực hiện cách ly ở Đà Nẵng nhưng khi về địa phương đã không thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, các quy định của Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia, vẫn tổ chức liên hoan, ăn uống, di chuyển trong cộng đồng, gây lây lan dịch bệnh cho các cá nhân khác. Đến 16h chiều 2/5, bệnh nhân này là nguồn lây nhiễm cho khoảng 20 người khác. Trước việc, UBND tỉnh Hà Nam chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét xử lý đối với bệnh nhân 2899, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho rằng, đủ căn cứ để truy cứu hình sự đối với bệnh nhân này.
“Hành vi của bệnh nhân 2899 không thực hiện theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia, làm lây lan dịch bệnh, gây hậu quả nghiêm trọng cần được xử lý theo điểm c, khoản 1 điều 240 Bộ luật Hình sự. Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cũng có Công văn 425/CV-BCĐ ngày 19/01/2021 hướng dẫn bàn giao, quản lý sau khi hoàn thành cách ly tập trung, quy định rất rõ ràng", luật sư Bình cho biết.
Không giám sát bệnh nhân 2899 thực hiện các quy định cách ly tại nhà, ông Lương Thanh Ngọc, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân cũng có trách nhiệm trong vụ việc này. Nhất là ngày 24/4, bệnh nhân có những biểu hiện ho, sốt, nhưng ông trạm trưởng y tế xã không xử lý và giải quyết kịp thời, gây hậu quả lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng. UBND tỉnh Hà Nam đã yêu cầu kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và tùy theo mức độ vi phạm sẽ có hình thức kỷ luật phù hợp đối với trạm trưởng Lương Thanh Ngọc. Đối với các tập thể, cá nhân khác, Công an tỉnh có trách nhiệm rà soát toàn bộ hồ sơ, cá nhân nào thuộc Sở Y tế, huyện Lý Nhân và xã Đạo Lý vi phạm thì sẽ xử lý theo quy định của pháp luật. Theo luật sư Diệp Năng Bình, cơ quan chức năng cũng cần xử lý đơn vị quản lý khu cách ly tại khách sạn ở Đà Nẵng đã để bệnh nhân 2899 đi xe khách từ Đà Nẵng về Hà Nam.
“Theo tôi cần xử lý tổ chức, cá nhân của cơ quan chức năng ở 2 nơi. Thứ nhất là đơn vị quản lý cách ly tại Đà Nẵng đã lỏng lẻo, không giám sát, không đưa người đã hoàn thành cách ly bằng phương tiện đảm bảo các quy định phòng dịch, để bệnh nhân đi xe khách từ Đà Nẵng về Hà Nam. Thứ 2 là địa phương tại Hà Nam nơi bệnh nhân cư trú đã không giám sát trường hợp đang trong giai đoạn cách ly tại nhà"- luật sư Bình nói.
Tại điểm b, khoản 1, Điều 11 Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định hành vi không tuân thủ biện pháp cách ly y tế có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Trong trường hợp làm lây lan dịch bệnh cho người khác, gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị xử lý hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015 với mức phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 1 năm đến cao nhất là 12 năm tù giam. Với những cá nhân khác thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị xử phạt, mức thấp nhất là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt từ từ 6 tháng đến 5 năm theo Điều 360, Bộ luật Hình sự./.